Mất hơn 1 tỉ đồng sau 5 tiếng tham gia "khảo sát" đăng ký khóa học hè cho con
Thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi tham gia đăng ký các khóa học “Trại hè Kỹ năng - Học kỳ Công an nhân dân”, “Trại Hè Quân Đội”…trên mạng xã hội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nạn nhân mắc bẫy, trường hợp dưới đây là một ví dụ.
Theo đó, chị M. (trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) có lên mạng xã hội Facebook tìm khóa học hè cho con. Chị thấy xuất hiện nhiều Fanpage với các nội dung quảng cáo tham gia “Học kỳ trong Quân Đội 2024”.
Các tài khoản này giới thiệu có kết nối với đơn vị Quân đội trên toàn quốc. Học viên tham gia được trải nghiệm môi trường đào tạo của lực lượng vũ trang; được hỗ trợ ăn uống, đồng phục và chứng nhận.
Ở mục giới thiệu có thông tin địa điểm là trụ sở làm việc của các đơn vị Quân đội; đăng tải các hình ảnh, bài viết từ trang chính thống của lực lượng Quân đội. Khi thấy chị M. có nhu cầu, đối tượng dẫn dụ nạn nhân cho số điện thoại và chuyển sang nhắn tin Zalo, Telegram.
Một trang Fanpage lừa đảo. (Ảnh: CAHN).
Để tránh sự nghi ngờ của nạn nhân khi các thủ đoạn về “thực hiện nhiệm vụ” đã được Công an TP Hà Nội và các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền nhiều, các đối tượng chuyển từ yêu cầu “thực hiện nhiệm vụ” sang yêu cầu “khảo sát”.
Chị M. được yêu cầu thực hiện “khảo sát” để đạt điểm tín nhiệm cao. Tham gia “khảo sát 1” với số tiền hơn 3 triệu đồng, “khảo sát 2” với số tiền hơn 10 triệu đồng, chị M. đều được hoàn lại tiền và được trả phí khảo sát nhỏ.
Khi tham gia “khảo sát 3” với số tiền 35 triệu đồng, chị M. không nhận được tiền. Các đối tượng lấy các lý do khác nhau để yêu cầu chị chuyển tiền và để lấy lại số tiền chưa được hoàn.
Chỉ trong vòng 5 tiếng, chị M. đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị các đối tượng chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Khi muốn đăng ký cho con học những khóa trải nghiệm, kỹ năng, phụ huynh nên liên hệ hoặc gọi điện thoại đến các trường, đơn vị để hỏi, xác minh rõ ràng.
Việc đăng ký nên thực hiện trực tiếp thay vì trực tuyến, chuyển khoản. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền.
Trong trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
H.P
(theo baovephapluat.vn)
Nguồn: https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/tin-duong-day-nong/mat-hon-1-ti-dong-sau-5-tieng-tham-gia-khao-sat-dang-ky-khoa-hoc-he-cho-con-157652.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Gây thiệt hại hơn 743 tỉ đồng, vợ chồng Tổng Giám đốc Công ty Thành An và 36 bị can bị truy tố
- "Màn ảo thuật" biến mật lợn thành...mật gấu
- Triệt phá đường dây đánh bạc liên tỉnh trên không gian mạng
- Đề nghị truy tố cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng
- Lộ số tiền cực "khủng" cựu Phó Trưởng phòng Bộ GTVT "ăn bẩn" của mỗi công dân về nước
- Cảnh báo thủ đoạn giả mạo tổ chức nước ngoài để tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế
- Sớm đưa vụ án “Hạc Thành Tower” liên quan cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa ra xét xử