Mỗi thầy thuốc cần luôn giữ lửa với nghề
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng căn dặn mỗi thầy thuốc cần luôn giữ lửa với nghề, có tinh thần tìm tòi, nghiên cứu, tiếp nhận cái mới, làm chủ khoa học kỹ thuật cao, chuyên sâu, hiện đại, coi trọng sự tiếp nối giữa các thế hệ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trẻ kế cận cho ngành Y tế.
Tối 26/2, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần VI nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2024).
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự và động viên, chia vui với đội ngũ y bác sĩ nhân dịp 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng. Dự buổi lễ còn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đặc biệt chương trình có sự tham dự của nhiều cán bộ, chuyên gia y tế, y bác sĩ tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương, những người đã có nhiều đóng góp cho y tế nước nhà trong thời gian qua.
Phát biểu tại Chương trình, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, với sự quý trọng, yêu mến các Thầy thuốc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thân ái gửi đến đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên ngành Y tế trên cả nước những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Chương trình.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: 69 năm qua, thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đã luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng, vượt qua nhiều gian khó, hết lòng, hết sức cho sứ mệnh cao quý “chữa bệnh, cứu người”. Là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành Y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành, góp phần nâng cao tầm vóc, sức khỏe người Việt Nam, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của đất nước, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ và đang vững vàng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của Liên hợp quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, trong đội ngũ các y, bác sĩ đã có nhiều tên tuổi trở thành biểu tượng sáng ngời về y đức, sự dấn thân, dám nghĩ, dám làm, vì dân, vì nước, hết lòng vì người bệnh và là tấm gương nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo. Nhiều thành tựu y khoa chuyên ngành đã trở thành niềm tự hào của y khoa Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ y khoa thế giới, mở ra triển vọng tốt đẹp trên con đường chinh phục các thách thức, giới hạn trong điều trị những bệnh hiểm nghèo, hiếm gặp.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tấn công vào mọi quốc gia, mọi thành trì y tế, đội ngũ y tế Việt Nam đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, chịu đựng nhiều mất mát, hy sinh để cùng toàn dân làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.
Khẳng định những đóng góp to lớn của ngành Y tế được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý, được nhân dân trân trọng và tin yêu, được người dân trong nước, khu vực và quốc tế đánh giá cao, Chủ tịch nước biểu dương những nỗ lực, cống hiến to lớn của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành Y tế suốt thời gian qua.
“Đảng, Nhà nước ta luôn đặt con người ở trung tâm của quá trình phát triển, coi “sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của xã hội”, “dân cường thì nước thịnh”, “mỗi người dân khỏe mạnh là cả nước khỏe mạnh”. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu”- Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước căn dặn mỗi thầy thuốc cần luôn giữ lửa với nghề.
Nhắc đến những khó khăn, thách thức mà ngành Y tế đang phải đối mặt, như tốc độ già hóa dân số nhanh, mô hình bệnh tật thay đổi và diễn biến phức tạp, chính sách, chế độ cho đội ngũ y bác sĩ chưa phù hợp, đời sống cán bộ y tế còn khó khăn, môi trường hành nghề có nơi có lúc thiếu an toàn, quá tải ở các bệnh viện tuyến trên…, Chủ tịch nước cho rằng, nhiệm vụ trước mắt phải nhanh chóng hoàn thiện chính sách, pháp luật phù hợp, thiết lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, an toàn, thuận lợi để y, bác sĩ, nhân viên y tế hành nghề; bảo vệ, hỗ trợ, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Bên cạnh đó, thực hiện thành công các nhiệm vụ của ngành Y tế về ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến dưới, phát triển y tế cơ sở, tăng cường y tế dự phòng…
Chủ tịch nước căn dặn mỗi thầy thuốc cần luôn giữ lửa với nghề, có tinh thần tìm tòi, nghiên cứu, tiếp nhận cái mới, làm chủ khoa học kỹ thuật cao, chuyên sâu, hiện đại, coi trọng sự tiếp nối giữa các thế hệ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trẻ kế cận cho ngành Y tế.
Bằng y đức, trí tuệ, tài năng và khát vọng lớn, Chủ tịch nước cho rằng đội ngũ Y tế Việt Nam có thể đặt ra những tầm nhìn mới, mục tiêu cao, phấn đấu đưa ngành Y tế Việt Nam nằm trong nhóm đầu các nước trong khu vực và vươn tầm thế giới, góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu về sức khỏe, mang lại hiệu quả xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi đội ngũ báo chí nước nhà đã có những tác phẩm báo chí hay, phản ánh sinh động những cống hiến to lớn, những tấm gương sáng, việc tốt của ngành Y tế để lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân lên niềm tin vào điều lành, điều thiện, điều đẹp đẽ luôn hiển hiện quanh ta. Qua đó, mỗi người thêm trân trọng và yêu quý hơn những người thầy thuốc, cảm nhận sâu sắc hơn về những thành tựu, những gian khó, hy sinh của những “chiến sĩ áo trắng” trong hành trình chiến đấu, trị bệnh, cứu người đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ về sự dấn thân và lòng nhân ái.
“Mỗi ca bệnh thật sự là một cuộc chiến và mỗi người thầy thuốc với phẩm chất kiên cường của một chiến binh dũng cảm, đã luôn nỗ lực hết mình, chiến đấu với tử thần để giành lại sự sống cho người bệnh; họ còn là người bạn chân thành, tận tâm, lắng nghe, chia sẻ với tấm lòng ấm áp”, Chủ tịch nước nói.
Cho rằng hành trình trị bệnh cứu người, chăm sóc sức khỏe nhân dân là một hành trình không có điểm dừng, những gian khổ và vất vả của nghề Y chưa bao giờ hết, Chủ tịch nước căn dặn các bác sĩ, y sĩ, nhân viên ngành Y tế phải luôn khắc ghi lời thề Hyppocrates, kiên tâm, nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa về mọi mặt, kiến thức phải đầy đủ, đức hạnh phải trọn vẹn, tâm hồn phải rộng lớn, hành vi phải thận trọng như danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng chỉ dạy và như lời căn dặn của Bác Hồ: “Lương y phải như từ mẫu”.
Chủ tịch nước tin tưởng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế sẽ luôn đoàn kết và sáng tạo, chung tay vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, tiếp tục viết nên những câu chuyện nhân văn và cảm động, tiếp tục là nguồn cảm hứng lớn lao, mang đến niềm tin và hy vọng cho mỗi người, mỗi gia đình vào cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao tặng chứng nhận giải thưởng cho tác giả, nhân vật của tác phẩm đạt giải Đặc biệt.
Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cảm ơn sự quan tâm, động viên của Chủ tịch nước, đồng thời báo cáo cho biết: “Suốt chặng đường 69 năm qua, ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - “Lương y phải như từ mẫu”, các thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế không ngừng phấn đấu, vượt mọi khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy giao phó. Hệ thống Y tế tiếp tục được củng cố, mở rộng và phát triển; tiếp tục đổi mới một cách mạnh mẽ, đột phá để hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Thông tin về ca phẫu thuật ghép phổi đúng ngày 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, Bộ trưởng Đào Hồng Lan xúc động: “Ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ. Đó là 12 giờ căng trí, căng sức để níu giữ sự sống, để hồi sinh một cuộc đời. Và 12 giờ sau mổ, cô gái 21 tuổi đã tỉnh và tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới trong ngày đầu năm mới. Hơi thở hồi sinh kỳ diệu ấy cũng dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói riêng và thầy thuốc Việt Nam nói chung”.
Lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ tri ân tới đội ngũ thầy thuốc toàn ngành: “Xin cảm ơn các đồng chí đã luôn kiên cường, vượt khó, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để đạt được những kết quả đáng tự hào. Xin cảm ơn các đồng chí đã ngày đêm thầm lặng hy sinh để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc”.
Tại Chương trình, bức tranh đầy màu sắc về ngành y tế qua nhiều thời kỳ đã được trình chiếu qua các phóng sự đặc sắc, thể hiện một chặng đường dài gian nan, kiên cường và đáng tự hào của nhiều thế hệ thầy thuốc trong sự nghiệp phụng sự Cách mạng, phụng sự nhân dân theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.
Chương trình cũng điểm lại những thành tựu nổi bật, những sự kiện tiêu biểu nhất và cả những khó khăn của ngành y tế trong năm qua, khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ưu tiên, chăm lo cho công tác y tế, đã cùng toàn dân, toàn hệ thống chính trị và ngành y tế đưa ra những chủ trương lớn để tháo gỡ vướng mắc cơ chế, thúc đẩy y tế Việt Nam phát triển bền vững và mạnh mẽ.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng trao giải Nhất cho các tác giả, tác phẩm đạt giải.
Tại chương trình, ngoài phần tôn vinh đội ngũ y bác sĩ nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Ban Tổ chức đã trao giải cho 15 tác phẩm lọt vào chung kết cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần VI, gồm: 01 giải Đặc biệt; 01 giải Nhất; 02 giải Nhì; 05 giải Ba và 06 giải Khuyến khích.
Giải Đặc biệt trị giá 80 triệu đồng đã thuộc về tác phẩm “Bàn tay tài hoa của bác sĩ dám làm việc khó, hồi sinh những mảnh đời bất hạnh” của tác giả Ngô Anh Văn (Báo Sức khỏe và Đời sống). Giải Nhất là phóng sự “Hành trình nghiên cứu vaccine” của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Ngoài ra, toàn bộ tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, bao gồm các tác phẩm đạt giải, được in thành sách với tựa đề “Sự hy sinh thầm lặng lần VI”. Đây là lần thứ 6 Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng”./.
Tin, ảnh: Đỗ Thoa
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/y-te/moi-thay-thuoc-can-luon-giu-lua-voi-nghe-660116.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Bỏ giấy chuyển tuyến bệnh hiểm nghèo để người dân bớt khổ
- Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi
- Kết nối doanh nghiệp thực hiện mục tiêu quốc gia về sức khỏe cộng đồng
- TP Hồ Chí Minh công bố dịch sởi
- Gia tăng ca mắc sởi, ho gà, Bộ Y tế yêu cầu chủ động phòng, chống dịch
- Gần 900 thuốc, vaccine được Bộ Y tế cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành
- Dịch sốt xuất huyết có xu hướng đến sớm hơn chu kỳ hàng năm