Nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Quảng Nam
Xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là nhiệm vụ trọng tâm được cả hệ thống chính trị và người dân Quảng Nam quan tâm thực hiện. Đặc biệt, trong hơn 10 năm kể từ khi Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được triển khai, công tác này càng được địa phương chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực.
Mô hình thí điểm sản xuất lúa ST25 sử dụng phân bón hữu cơ tại Hội Nông dân Quảng Nam.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam, nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh đến nay vẫn duy trì và giữ vững được tốc độ tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ngành kinh tế khác của Quảng Nam bị ảnh hưởng, tốc độ tăng trưởng suy giảm, tuy nhiên ngành Nông nghiệp vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng (+3,5%).
Cùng với đó, kinh tế nông thôn của Quảng Nam đến nay cũng có nhiều bước phát triển đáng kể, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, đến cuối năm 2022, Quảng Nam có 124 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 63,9%); có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt tỷ lệ 5,1%), trong đó xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) đạt chẩn xã NTM kiểu mẫu; có 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt tỷ lệ 22,2%; có 211 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu hoặc thôn NTM.
Triển khai thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), trong 05 năm (2018-2022), toàn tỉnh có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó có 275 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4 sao. Kết quả này đã cho thấy sự cố gắng, nỗ lực cao, từng bước đưa sản phẩm ra thị trường với nhiều kênh phân phối hiệu quả.
Thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn tỉnh Quảng Nam hiện đạt trên 43 triệu đồng, tăng 4,2 lần so với năm 2010 và tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Kết cấu hạ tầng ở nông thôn phát triển khá nhanh và từng bước hoàn thiện, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, đời sống xã hội, sinh hoạt của người dân; vừa tạo sự khang trang, từng bước hiện đại hoá nông thôn. Đặc biệt, đến nay Quảng Nam đã tập trung bố trí sắp xếp dân cư miền núi gắn với xây dựng NTM, hình thành nhiều khu dân cư khu vực miền núi cao đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, sản xuất ổn định cho đồng bào dân tộc đạt kết quả cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam Nguyễn Viết Tích, quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Quảng Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập và nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết. Trong đó, nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành còn chậm, chưa tạo được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tổ chức sản xuất còn nhiều hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, thiếu tính liên kết. Sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến; giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học còn yếu dẫn đến thực trạng một nền sản xuất giá trị thấp, nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn hạn chế, chưa tạo sức đột phá, chưa thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá chất lượng. Các cơ chế, chính sách liên quan đến tập trung, tích tụ đất đại chậm đổi mới và điều chỉnh để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Quảng Nam đang tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Các ngành nghề ở nông thôn phát triển chậm, quy mô còn nhỏ chưa có sản phẩm nổi bật mang tính hàng hoá lớn, các sản phẩm phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế. Chất lượng đào tạo lao động có tay nghề cao chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Hệ thống hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, lâm nghiệp vẫn còn yếu kém, nhất là khu vực miền núi. Hạ tầng công nghiệp dịch vụ nông thôn chưa đạt yêu cầu để thu hút lao động, giảm lao động trong nông nghiệp.
Vệ sinh môi trường nông thôn nhiều nơi còn chưa đảm bảo; tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước có biểu hiện ngày càng gia tăng tại các vùng ven đô thị và khu, cụm công nghiệp. Trong đó, còn tồn tại việc lạm dụng nhiều phân bón, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng…. trong nông nghiệp.
Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhanh (còn 9,47% theo chuẩn nghèo đa chiều), nhưng khu vực nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao, đặc biệt là ở các huyện miền núi cao (trên 42- 66%). Đời sống văn hoá tinh thần của cư dân nông thôn tuy có cải thiện đáng kể, nhưng với tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp ở cộng đồng dân cư có nguy cơ mai một... ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục của cộng đồng; tệ nạn xã hội ngày càng xâm nhập sâu vào khu vực nông thôn.
Qua quy hoạch các khu dân cư tập trung, Quảng Nam tạo điều kiện cho nông dân
các địa bàn miền núi cao có cuộc sống ổn định, an toàn và thuận lợi để sinh hoạt, sản xuất.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế kể trên của công tác xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam Nguyễn Viết Tích cho rằng, mục tiêu cần hướng đến trong thời gian tới của Quảng Nam là xây dựng nông nghiệp, nông thôn hiện đại và phát triển bền vững. Theo đó, Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị giá tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thuỷ sản.
Tỉnh cũng tập trung nguồn đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết, thiếu bền vững, đảm bảo cho người dân vùng miền núi có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế từ kinh tế rừng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất nguyên liệu các cây, con chủ lực của tỉnh…
“Để tiếp tục giữ vững, phát huy vai trò, thành quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập và những vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong thời gian tới Quảng Nam sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chủ trương, chính sách, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp”- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam Phạm Viết Tích khẳng định. Đồng thời cho biết sẽ có 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Phát triển nền nông nghiệp sinh thái theo hướng bền vững, hiện đại; phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở đổi mới, xây dựng, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn; tăng cường đổi mới, nâng cao tri thức cho người nông dân, chất lượng dạy nghề, cải thiện căn bản chất lượng nhân lực, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ cho nông dân; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở nông thôn./.
Bài, ảnh: Đình Tăng
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/nang-cao-chat-luong-phat-trien-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon-o-quang-nam-676868.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Việt Nam: Nỗ lực chinh phục kỷ lục mới trong xuất khẩu gạo
- Canh tác lúa giảm phát thải khí mê-tan - Hành trình thay đổi của người nông dân
- Đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
- Thúc đẩy phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long
- Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”
- Thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp
- Đồng Nai phấn đấu đến năm 2030 có 4,4 nghìn ha trồng trọt hữu cơ và hướng hữu cơ