"Ngang qua những miền đất" - Lát cắt đời sống trong hành trình trải nghiệm của Đỗ Ngọc Dũng
"Ngang qua những miền đất" là cuốn sách thứ hai Họa sĩ, Nhà báo Đỗ Ngọc Dũng trình làng. Nếu trước đó, người đọc biết đến ngòi bút viết ký chân thực từ "Những mảnh ghép kỷ niệm" thì "Ngang qua những miền đất" người đọc hiểu thêm ngòi bút du ký đậm chất văn chương và con người của anh. Men theo hành trình trải nghiệm của tác giả, người đọc nhận ra một Đỗ Ngọc Dũng tài hoa, sâu sắc, tinh tế – Người nghệ sĩ yêu cái đẹp.
Những tác phẩm của Đỗ Ngọc Dũng.
Đó là 44 bài viết gắn với hành trình công du, sự trải nghiệm và những suy ngẫm sâu sắc của tác giả. Là người có cơ hội được đi nhiều nơi, đến nhiều miền đất khác nhau, yêu thích ghi chép nên đến đâu Đỗ Ngọc Dũng cũng có bài viết ở đó. Đọc "Ngang qua những miền đất" ta thấy chất hiện thực ngồn ngộn trên mỗi trang viết, nhưng anh không liệt kê tùy tiện mà chọn lọc sự việc, quan sát ở những góc độ khác nhau, với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Anh giới thiệu, cung cấp thông tin hay chia sẻ cảm xúc tất cả đều hướng tới mở rộng quan hệ đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá những giá trị văn học nghệ thuật của quê hương và nước bạn đến công chúng. Anh khéo kể và cẩn trọng trong cách ghi chép nên "Ngang qua những miền đất" mang dáng dấp của du ký, đậm chất văn chương và có sức hấp dẫn với người đọc.
Chất văn chương thể hiện ngay từ nhan đề của cuốn sách. "Ngang qua những miền đất" chứ không phải “đi qua”. “Đi qua” có thể là thoáng qua, lướt qua, nhưng “ngang qua” là một lát cắt, tựa như lát cắt đời sống trong truyện ngắn để người đọc thấy “trăm năm cây đời thảo mộc”. Mà “ngang qua” thật, bởi lẽ có nơi anh chỉ quá cảnh có 5 giờ đồng hồ nhưng trang viết vẫn dày dặn những ấn tượng như Dubai – xứ sở của sự xa hoa với những tòa nhà cao tầng, khu phố sầm uất, Tòa tháp Buri khalifa chọc trời, đảo nhân tạo Private Islads, Thánh đường Heikh Zayed lộng lẫy, vườn hoa Miracle Garden đủ sắc màu, những hãng hàng không 5 sao, khách sạn Burj AI Arab sang trọng nổi tiếng, sa mạc Safari. “Ngang qua những miền đất” khái quát được tinh thần chung của tập sách, đi để cảm nhận, đi để khám phá, chiêm nghiệm. Nhan đề cuốn sách vừa chính xác, vừa gợi hình!
Nhan đề của mỗi bài viết cũng thể hiện sự dụng công của tác giả trong từng câu chữ. Lựa chọn nhan đề sao cho vừa khái quát được nội dung tư tưởng của bài viết, vừa phải hấp dẫn, gợi sự quan tâm của người đọc là cái tài của người cầm bút. Ở tập sách, người viết đã làm được điều đó. Đọc nhan đề các bài trong "Ngang qua những miền đất" như Mát-xcơ-va - Thủ đô anh hùng, Xanh-pe-téc-bua – Thành phố xinh đẹp, hay là Philadenphia – Nơi khai sinh nước Mỹ, Boston - Thành phố cổ kính, cánh cửa của tri thức, Los Angeles – Kinh đô điện ảnh thế giới, LasVegas – Thiên đường ăn chơi, hoặc Kỳ tích sông Hàn – Bài học quý giá, Singapore – Dấu chấm son trên bản đồ thế giới,…đều thể hiện sự cẩn trọng của người viết, kích thích sự tò mò, khám phá của người đọc.
Theo mỗi bài viết, anh thuật lại từng chuyến công du. Từ hành trình sang Mỹ đến các tiểu bang của Mỹ, từ châu Âu rồi trở về châu Á được anh ghi chép tỉ mỉ, chi tiết. Cấu trúc bài viết mạch lạc, rõ ràng, lối viết chân thực, Đỗ Ngọc Dũng đã vẽ ra trước mắt người đọc những cung đường anh qua, những mảng màu chủ đạo nơi anh đặt chân tới gợi cho người đọc những liên tưởng thú vị, niềm khát khao trải nghiệm thực tiễn: Mát-xcơ-va – Thủ đô anh hùng, Cố đô Xanh-pê-téc-bua – Thành phố xinh đẹp, Edinburgh – Thành phố của văn chương nghệ thuật, Một thoáng Flankfurt, Taxas – “Ngôi sao cô đơn”, Dubai – Xứ sở xa hoa, Ottawa – Thủ đô băng tuyết, Yord – Thành phố cổ kính, nơi nhiều ma nhất thế giới,…
Lựa chọn thể loại ký, anh tôn trọng sự thật khách quan, không hư cấu. Anh chú ý tính xác thực của hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm như: thời gian, địa điểm diễn ra các sự kiện, những người tham gia sự kiện; những yếu tố lịch sử, địa lí, kinh tế, văn hóa. Ví như: quá trình xây dựng Vạn lý trường thành, sự ra đời của tượng Nữ thần Tự do, nguồn gốc của Whisky... Anh miêu tả tỉ mỉ, chi tiết chiếc đồng hồ thiên văn ở Praha được chế tạo từ năm 1410, chia thành ba phần: mặt chính có hình trái đất, Mặt trời và Mặt trăng quay xung quanh, phía dưới là đồng hồ 12 tháng, phía trên là hình chúa Giesu và 12 môn đồ, một bộ xương thần chết hay Lâu đài Praha, Lâu đài Edinburgh,… bằng ngôn ngữ kiến trúc và hội họa nhờ đó người đọc thấy được cả màu sắc, hình khối của cái đồng hồ cổ, sự uy nghiêm của lâu đài. Anh quan sát từng chi tiết tượng Nữ thần Tự do. Từ chiếc mũ gai của Nữ thần Tự do phát ra bảy thứ ánh hào quang tượng trưng cho bảy châu lục, tay nữ thần cầm ngọn đuốc chiếu sáng liên tục 24 giờ cho tàu bè ra vào cảng, chào đón du khách thập phương đến chiều cao của tượng 46m, tính cả phần bục 93m, riêng ngón tay trỏ dài 2,5m, rộng 1m, móng tay dày 75cm. Và chi tiết đến mức: muốn đến phần chân đế của bức tượng phải đăng ký trước 3 tháng, muốn lên chân ngọn đuốc mà nữ thần cầm trên tay phải đăng ký trước 6 tháng,.. Đúng là kiểu ghi chép của du ký, chính xác đến từng chi tiết, vừa quảng bá, vừa hướng dẫn cho người thích trải nghiệm.
Tác giả Đỗ Ngọc Dũng.
Tôn trọng sự thật khách quan, nhưng không có nghĩa anh sao chép sự thật một cách khô cứng, thiếu cảm xúc. Vì thế trong tác phẩm của anh vẫn có trang viết giàu hình ảnh, cảm xúc, sự liên tưởng, so sánh độc đáo. Đó là những trang viết về cảnh sắc thiên nhiên, di sản văn hóa, sinh hoạt văn hóa của từng vùng miền. Thăm Nữ thần Tự do ở Mỹ, anh liên tưởng đến Nữ thần Tự do ở Việt Nam trước 1945; chiêm ngưỡng tàu điện ngầm ở Mỹ, anh so sánh tàu điện ngầm ở Mỹ to, khỏe, chắc chắn, nhưng không đẹp bằng ở Nga, Séc; Đến sa mạc Safari anh liên tưởng tới đồi cát Mũi Né – Bình Thuận. Thấp thoáng trên trang viết là những câu miêu tả cảnh vật bằng ngôn ngữ giàu hình “Những vệt nắng cuối ngày xuyên qua những chùm lá phong đỏ lấp lánh, thật lãng mạn” hay “Đan xen thành phố là những cánh rừng bao phủ. Con sông Mát-xcơ-va như một dải lụa từ phương bắc chảy đến, uốn lượn vào thành phố rồi đổ ra sông mẹ Volga”. Hoặc kết hợp tả với kể: “Tòa nghị viện bang Massachusetts với vòm vàng óng ánh”, anh lí giải “bang nào từng có 3 vị tổng thống mới được dát vàng” và kể chính xác bang Massachusetts có 5 vị tổng thống: J.f kennedy, cha con Adam, cha con Bush. Đó là những yếu tố đậm chất văn chương trong ký.
Sức hấp dẫn của ký chính là cái tôi của người cầm bút. Đọc "Ngang qua những miền đất" người đọc thấy dấu ấn của Đỗ Ngọc Dũng thật rõ nét: tài hoa, kiến thức phong phú trên nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lý, văn hóa, nghệ thuật. Anh am hiểu lịch sử nên thuật chi tiết sự ra đời của tượng Nữ thần Tự do, món quà của nước Pháp tặng nhân dân Mỹ nhân dịp 100 năm lập quốc; sự hình thành của Vạn Lý Trường Thành; quá trình phát triển của Luân Đôn từ thế kỷ V đến thế kỷ XIX; quá trình giành độc lập của Phần Lan, phong trào kháng chiến của Ba Lan,…
Anh thông thạo kiến thức địa lý tự nhiên, dân số: Philadelphia diện tích 350km2 là thành phố lớn thứ 5 ở Mỹ; dân số 1,6 triệu người – đông dân thứ 6 của Mỹ; California tiểu bang ven biển phía Tây Hoa Kỳ, có diện tích gần 424 ngàn km2, lớn thứ 3 Hoa Kỳ, lớn hơn nhiều diện tích nước Đức hay Việt Nam. Dân số gần 40 triệu người, tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ, là bang có số người Việt đông nhất tại Mỹ gần 1,3 triệu người. Xanh-pe-tec-bua có 8 tháng mùa đông, có những đêm trắng kỳ diệu (đến quá nửa đêm ánh sáng mới tắt, nhưng lại bừng lên vào lúc 4h sáng). Hay hiện tượng độc đáo chỉ có ở Lapland (Phần Lan, quê hương của ông già noel) như đêm trắng mùa hè – mặt trời mọc liên tiếp 60 ngày đêm không lặn, 50 ngày mặt trời không mọc, tuyết phủ 6 tháng). Anh tường tận địa lí kinh tế: du lịch đang là ngành kinh tế quan trọng ở New York. Mỗi năm New York đón từ 60 -70 triệu lượt khách du lịch; Xanh-pê-téc-bua là thành phố có nền công nghiệp đóng tàu nổi tiếng trên thế giới, là đầu mối giao thông lớn về đường sắt, đường bộ và là một trong những cảng lớn nhất của Nga; Scotland – thủ đô của Whisky, nguồn gốc của Wisky; phố Wall, nơi có trụ sở giao dịch chứng khoán quan trọng nhất thế giới và lớn nhất tính theo lưu lượng USD lưu chuyển.
Sành về văn hóa, nghệ thuật nên đến New York anh lưu lại hình ảnh chú bò vàng là biểu tượng của phố Wall, thành phố New York. Anh cho biết: ai sờ được vào bộ phận sinh dục vĩ đại của chú bò vàng sẽ được may mắn về kinh tế. Đến phim trường Hoolly Wood, anh liệt kê các bộ phim nổi tiếng sản xuất tại Hoolly Wood như Cuốn theo chiều gió, Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Đồi gió hú, Bố già, Chiến tranh giữa các vì sao,… Hay gợi nhớ đến bộ phim Người giàu cũng khóc, nhớ nhân vật nữ ấn tượng Mariana Villareal, một bộ phim nổi tiếng của Mexico đã làm say đắm lòng người Việt ở thập niên 90 khi quá cảnh trên đất Mexico. Tham quan Ngôi nhà và bảo tàng Goethe, một trong những vĩ nhân của nền văn chương thế giới, anh nhắc đến vở kịch faust, một vở kịch được đánh giá là đánh giá là một trong những vở kịch vĩ đại nhất mọi thời đại và một số bài thơ được dịch ra tiếng Việt như: Tình yêu mới, cuộc đời mới, Gặp gỡ và chia tay, Khúc hát tháng 5…Phải am hiểu, biết nhiều mới viết được như vậy!
Đọng lại với người đọc còn là kiến thức văn chương của anh. Du thuyền trên dòng sông Potomac anh ghi lại bài thơ Emili con đi cùng cha của Tố Hữu ca ngợi Norman Morrison, người lính Mỹ bế con gái 8 tháng tuổi tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Anh ghi lại bài thơ The new Colossus (Bức tượng khổng lồ mới) dưới chân tuợng Nữ thần Tự do, một bài thơ nói lên tinh thần và giá trị phổ quát của biểu tượng này. Anh nhận ra bức tượng dối trá khi đến thăm trường đại học Harvard. Anh ca ngợi nền văn hóa mĩ thuật của Nga trước Cách mạng tháng Mười (1917), tên tuổi của những nhà văn như Tolstoi, Puskin, Dostoyevsky, Pasternak và những tác phẩm nổi tiếng của họ đã làm say mê hàng triệu độc giả trên thế giới khi đến Xanh-pê-téc-bua. Đặt chân đến sa mạc Safari tác giả nhắc đến con đường tơ lụa, những câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm”, Alibaba và bốn mươi tên cướp”. Đến Edinburgh, thành phố của văn chương nghệ thuật, thành phố lớn thứ 2 của Scotland anh liệt kê các lễ hội lớn nhất thế giới: âm nhạc, phim, sách, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, nơi khai sinh bộ truyện lừng danh Harypotter. Trở về Đất Mũi, anh nhắc đến hai câu thơ của Xuân Diệu: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” hay câu văn của Nguyễn Tuân: Mũi cà mau như ngón chân cái còn ướt bùn vạn dặm.
Văn tức là người, gần 400 trang sách khổ 16x24 không chỉ nói lên một Đỗ Ngọc Dũng tài năng, có vốn tri thức phong phú về nhiều lĩnh vực mà còn hiện hữu một con người tinh tế, giàu cảm xúc và bản lĩnh của anh. Mỗi lần đi đến một quốc gia nào đó, anh cũng dành thời gian thời gian tham quan các bảo bảo tàng, nhất là bảo tàng nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên anh chọn bảo tàng là điểm đến trong mỗi chuyến công du. Bảo tàng là nơi lưu giữ và phát huy những tinh hoa di sản văn hóa của mỗi quốc gia.
Vì thế đến hơn 20 quốc gia, anh đã nhanh chóng có mặt tại Bảo tàng lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941 – 1945 của Nga, Bảo tàng nghệ thuật Châu Á, Bảo tàng nghệ thuật châu Mỹ, Bảo tàng điêu khắc hiện đại Hoa Kỳ, Bảo tàng hàng không và vũ trụ, Ngôi nhà và bảo tàng Goeth, Bảo tàng quốc gia Scotland, Bảo tàng quốc gia National Garelly,… Ở đó anh có cơ hội mục sở thị những dấu ấn lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của đất nước bạn và những thông tin có ý nghĩa quan trọng đối với một người làm quản lý Sở Ngoại vụ và nghệ thuật như anh.
Đi để viết nên con người Đỗ Ngọc Dũng rất giàu tình cảm. Anh dành tới 13 trang để viết về Mát-xcơ-va – Thủ đô anh hùng. Ấn tượng về một thủ đô từng bị Napoleon tấn công, nơi từng diễn ra những cuộc duyệt binh huyền thoại để rồi những đoàn quân ấy tiến thẳng ra mặt trận khi quân đội Đức và Hitle tiến vào cửa ngõ Mát-xcơ-va; bài viết về người Việt ở hải ngoại: Little Saigon, trung tâm sinh hoạt của người Việt ở hải ngoại. Đến Đại học Harvard anh bị lôi cuốn bởi các tòa nhà màu đỏ, tượng Harvard, sự tồn tại 400 năm của nhà trường đã đào tạo được nhiều nhân tài, trong đó có 8 vị tổng thống Mỹ.
Sang Canada, anh gặp gỡ cộng đồng người Việt. Thăm nhà Việt Nam: ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi, do kiến trúc sư nổi tiếng người Canada W.E Noffke thiết kế, một không gian văn hóa, quảng bá văn hóa văn hóa Việt Nam đến công chúng Canada và bạn bè quốc tế. Anh cảm phục TS. Đài Trang, người phụ nữ sinh sống ở Canada từ 1990 nhưng vẫn dành tình cảm cho quê hương qua các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, xúc tiến hoạt động thương mại, kết nối giao thương giữa các tỉnh thành của Việt Nam với các tỉnh thành Canada, dành thời gian nghiên cứu và viết hai cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh ngỡ ngàng thấy các ô màu có hình ảnh cờ Tổ quốc và chữ viết Việt Nam khi đến thăm sân vận động CLB Manchester City.
Đến Luông Pha Băng bình yên, cổ kính, những góc phố đẹp mơ màng, những mái ngói rêu phong uốn lượn nhấp nhô trên các đền đài chùa chiền gợi anh nhớ đến Hội An, Sapa của Việt Nam. Anh say sưa giới thiệu Nhịp cầu mỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc. Anh kiêu hãnh, tự hào tại thành phố Sanjose (California- Hoa Kỳ) có Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Đi xa rồi trở về nhà, anh ngợi ca vẻ đẹp của quê hương đất nước từ những cung đường quanh co, uốn lượn, những đỉnh đèo vào tốp “đệ nhất hùng quan” như Mã Phì Lèng, sông Nho quế trong xanh như suối tóc nàng tiên, những thảm hoa tam giác mạch, cột cờ Lũng Cú ở độ cao 1400m đến Mũi Cà Mau điểm cực Nam của Tổ quốc. Hai bài viết Đồng Văn – Miền cực Bắc của Tổ Quốc và Mũi Cà mau – Cực Nam của Tổ Quốc khép lại cuốn sách ghi nhận tình yêu của tác giả đối với quê hương, đất nước.
Nhìn lại "Ngang qua những miền đất", người đọc thực sự cảm phục tài năng và con người Đỗ Ngọc Dũng, một nghệ sĩ đa tài, yêu cái đẹp, có trách nhiệm và gắn bó với quê hương đất nước. Nếu ai đó ưa thích du ký, thích trải nghiệm khám phá hãy đến với "Ngang qua những miền đất" của anh./.
Chu Thị Hảo
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/ngang-qua-nhung-mien-dat-lat-cat-doi-song-trong-hanh-trinh-trai-nghiem-cua-do-ngoc-dung-686667.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Tự tin, vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Bình Dương công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024
- Giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt Nam đến Mỹ Latin và Trung Đông
- Đặc sắc và ấn tượng Lễ khai mạc Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2024
- Khai mạc Triển lãm 80 năm Văn hóa - Văn nghệ Quân đội nhân dân Việt Nam
- Di sản văn hóa, văn nghệ đặc sắc, quý giá của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay, mai sau
- 48 tác phẩm đoạt giải cuộc thi ảnh về Quân đội nhân dân và Quốc phòng toàn dân