Menu

Ngành thuế nỗ lực chuyển đổi số một cách toàn diện

14/02/2024 21:00:50

Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.

Với phương châm lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế  (Ảnh: M.P)

Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ

Thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg năm 2020, ngành Thuế đã thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức làm việc, đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan thuế lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.

Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngành Thuế được phát triển qua hơn 30 năm theo các chương trình cải cách, hiện đại hoá của Chính phủ, phù hợp với giải pháp, công nghệ, hạ tầng, trang thiết bị tại các cơ quan thuế theo từng giai đoạn. Việc ứng dụng CNTT đã góp phần xây dựng ngành Thuế hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và triển khai thành công các chương trình, kế hoạch cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân và toàn xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Để có được sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế, theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, các yếu tố đóng vai trò quyết định đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và sự vào cuộc của cả hệ thống thuế với các giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, nghiệp vụ; cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý đến việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế. Cùng với đó là sự đồng hành của người nộp thuế (NNT) trong công tác chuyển đổi số, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế.

Thực tế, trong những năm qua, ngành Thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Với phương châm lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.

Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, Tổng cục Thuế xác định mục tiêu chiến lược là cần phải cung cấp dịch vụ điện tử và các công cụ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp để giúp họ tham gia quá trình chuyển đổi số, cụ thể:

Về cải cách thủ tục hành chính: Trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai nghiêm túc các Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019, Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP năm 2021, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ với mục tiêu cắt giảm TTHC, đơn giản hóa quy định về hoạt động kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi nhất cho NNT.

Về chuyển đối số công tác quản lý thuế tại cơ quan thuế: Xác định chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, DN tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, chính vì vậy ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Cụ thể như: Triển khai ứng dụng quản lý thuế tập trung TMS; Hóa đơn điện tử; Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; Phân tích, phân loại rủi ro trong hoàn thuế; Ứng dụng AI trong phân tích chuỗi liên kết mua bán trên hóa đơn điện tử.

Về phát triển các ứng dụng phục vụ người dân và DN: Nhằm hỗ trợ NNT trong việc khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử nhanh chóng, thuận tiện, từ năm 2009, ngành Thuế đã triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử phục vụ cho người dân và DN trong việc khai thuế, nộp thuế điện tử và năm 2017 là dịch vụ hoàn thuế điện tử. Đặc biệt, từ tháng 6/2023, Tổng cục Thuế đã triển khai ID khoản phải nộp hỗ trợ NNT tra cứu, xác định các khoản nộp theo tính chất, thứ tự thanh toán.

Thông qua ứng dụng dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động eTax Mobile, ngành Thuế đang mở rộng các hình thức hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là các cá nhân, hộ kinh doanh (Ảnh: M.P) 

Triển khai trên diện rộng ứng dụng eTax - Mobile

Theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chuyển đổi số là một trong những chủ đề quan trọng nhất của ngành Thuế. Bộ Tài chính, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Tài chính luôn chỉ đạo quyết liệt, đưa ra giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân và cộng đồng DN, đặc biệt, trong lĩnh vực quản lý thuế. Triển khai thực hiện các chỉ đạo này, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp như: đăng ký thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử…, và tới đây sẽ triển khai thí điểm thanh tra thuế điện tử. Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung hoàn thiện các dịch vụ, cung cấp thông tin tốt nhất cho người dân tiếp cận các quy định, chính sách, qua đó thực thi nghĩa vụ thuế một cách tự nguyên và đầy đủ. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý thuế điện tử luôn được đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định, dễ dàng sử dụng, không ngừng nâng cao chất lượng, mở rộng dịch vụ. Đây cũng là nhiệm vụ rất quan trọng mà Tổng cục Thuế hướng tới để có thể duy trì thói quen sử dụng thường xuyên và nâng cao sự hài lòng của người dân.

Ông Đặng Ngọc Minh chia sẻ, qua quá trình triển khai ứng dụng web và nắm bắt nhu cầu của người dân, Tổng cục Thuế nhận thấy dịch vụ điện tử có xu hướng chuyển dịch sang nền tảng thiết bị di động bởi tính hiện đại và phổ cập, khả năng bảo mật. Do đó, Tổng cục Thuế đã triển khai ứng dụng eTax - Mobile dành cho NNT là cá nhân. Đây là bước tiến quan trọng đối với Tổng cục Thuế trong việc cung cấp dịch vụ cá nhân. Qua ứng dụng eTax - Mobile, người nộp thuế có thể tra cứu các thông tin về nghĩa vụ thuế, thông tin đăng ký về mã số thuế cá nhân, nhận thông báo thuế, nộp thuế điện tử thông qua liên kết với tài khoản ngân hàng và sử dụng các tiện ích khác giúp tạo thuận lợi trong quá trình tìm hiểu thông tin trong lĩnh vực thuế, tính thuế.

Đối với ứng dụng eTax - Mobile cho NNT là DN đang được Tổng cục Thuế nghiên cứu, sau khi hoàn thiện triển khai kết nối ngân hàng thương mại nộp thuế điện tư cho cá nhân, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu và triển khai ứng dụng cho DN.

Cụ thể, ngành Thuế triển khai ứng dụng eTax - Mobile cho cá nhân và tích hợp VNEID trong xác thực sử dụng dịch vụ thuế điện tử; Xây dựng Cổng thông tin thương mại điện tử; Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài; Cung cấp dịch vụ thuế điện tử qua Bản đồ số hộ kinh doanh; Các dịch vụ tích hợp Thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, thanh toán nghĩa vụ tài chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Tích hợp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, …

Ngoài ra, Ngành Thuế đã triển khai các chuyển đổi số khác như: Cung cấp các kênh thông tin hỗ trợ NNT (Website ngành Thuế, tin nhắn NNT, 479 kênh hỗ trợ NNT); Chuyển đổi số hạ tầng kỹ thuật (Hạ tầng truyền thông; Hạ tầng kỹ thuật; An toàn, an ninh thông tin; Quản trị, vận hành hệ thống).

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân

Chính phủ đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm cần sự quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương; chuyển đổi số là quyết tâm chính trị của người đứng đầu. Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Thuế xác định các giải pháp phát triển CNTT ngành Thuế trong giai đoạn 2021-2025 theo hướng tích hợp, tập trung, lấy người dân, DN làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, cụ thể: Ngành Thuế định hướng phát triển hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, DN làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước. Cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho NNT, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế. Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định, trong giai đoạn tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thuế sẽ có nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển. Vì vậy, để có được sự thành công của chuyển đổi số, ngành Thuế cần triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện, cụ thể bao gồm: Thứ nhất, xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuế và phát triển hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro. Thứ hai, mở rộng các dịch vụ thuế điện tử. Thứ ba, Chatbot hỗ trợ NNT. Thứ tư, mở rộng bản đồ số hộ, cá nhân kinh doanh. Thứ năm, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh theo định hướng chuyển đổi số.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh tin tưởng, ngành Thuế đã luôn nỗ lực, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và tăng cường năng lực quản nghiệp và tạo lập thị trường, dịch vụ hóa đơn điện tử, tạo thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và NNT. Việc triển khai thành công các nhiệm vụ nêu trên sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ngành Thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số Quốc gia nói chung. Đặc biệt, việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới phù hợp chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ NNT, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế,... Phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Hệ thống CNTT được phát triển theo định hướng Chính phủ điện tử và Chính phủ số./.

Minh Phương

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/chao-xuan-giap-thin-2024/dang-dan-toc-va-mua-xuan/nganh-thue-no-luc-chuyen-doi-so-mot-cach-toan-dien-659293.html

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.