Nhà khoa học nữ tạo ra hàng chục giống lúa, làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam
Là một trong những trí thức tiêu biểu được vinh danh tại Lễ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024, PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Trâm, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Giống cây trồng Việt Nam luôn tâm niệm phải tạo ra được giống lúa mới, có năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn…phù hợp hơn với từng mùa vụ khác nhau ở mọi miền đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao tặng biểu trưng trí thức KHCN tiêu biểu cho PGS.TS Nguyễn Thị Trâm.
Ảnh: TL
Lễ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vừa tổ chức mới đây đã vinh danh 135 trí thức tiểu biểu. Trong số các gương mặt trí thức được vinh danh năm nay có 14 nữ, đó là những phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau với các công trình nghiên cứu khoa học ý nghĩa, thiết thực, được ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
Một trong những nữ trí thức tiêu biểu được vinh danh là PGS.TS. Nhà giáo nhân dân, An hùng lao động Nguyễn Thị Trâm, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Giống cây trồng Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm nổi tiếng với việc tạo ra hàng chục giống lúa lai năng suất, chất lượng, đem tới những mùa vàng bội thu cho nông dân, đồng thời tạo ra hàng chục tỷ đồng cho Nhà nước từ việc bán giống lúa, làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam.
Kể về chặng đường gần 60 năm làm khoa học, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cho biết bà vào nghề chọn tạo giống lúa từ thời chiến tranh chống Mỹ (1967), trải qua thời hậu chiến tranh, suy thoái kinh tế do bao vây cấm vận, cả nước thiếu thốn, nông dân đói nghèo, cơ sở nghiên cứu, đào tạo xuống cấp.
PGS. TS. Nguyễn Thị Trâm luôn tâm niệm một mục tiêu bất biến của nghề là phải tạo ra được giống lúa mới, giống phải mang nhiều tính mới khác biệt, phải có năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, chống chịu áp lực ngoại cảnh và sâu bệnh khỏe hơn, có thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp hơn với từng mùa vụ khác nhau ở mọi miền đất nước.
Với mục tiêu bất biến đó, PGS. TS. Nguyễn Thị Trâm đã sử dụng các phương pháp truyền thống bất biến, nghĩa là thu thập đánh giá nhiều vật liệu tìm ra những vật liệu mang các tính trạng nông sinh học khác nhau để lai, gây đột biến rồi chọn lọc cá thể trên đồng ruộng.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Trâm, phương pháp cũ lâu có kết quả, nhà chọn giống phải lội ruộng quan sát từng tính trạng của từng cây, chọn lọc gieo cấy liên tục hết vụ xuân đến vụ mùa để đánh giá rồi lại chọn lọc... Do được đánh giá trong nhiều vụ khác nhau như thế nên giống mới ổn định, đưa ra sản xuất ít rủi ro nhưng nhà chọn giống tốn nhiều thời gian, sức lực, trí tuệ hơn. “Ngày nay nông nghiệp đổi mới nhanh, làm nông nghiệp đa mục tiêu hơn trước. Phải chuyển đổi tư duy theo hướng kinh tế nông nghiệp. Làm nông nghiệp tuần hoàn theo hướng giảm phát thải hướng tới net zero. Làm 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, làm nông nghiệp thuận thiên hướng tới nông nghiệp hữu cơ bền vững...”, PGS. TS. Nguyễn Thị Trâm cho biết.
Tại lễ tôn vinh, PGS.TS. Nhà giáo nhân dân, An hùng lao động Nguyễn Thị Trâm xúc động gửi lời cảm ơn tới cơ quan, đơn vị đã khuyến khích, hỗ trợ giúp bà làm nghiên cứu, chuyển giao kết quả nghiên cứu ra sản xuất lớn, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đến bà con nông dân ở nhiều vùng Tổ quốc đã mạnh dạn ứng dụng những kết quả nghiên cứu.
PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm mong Nhà nước đầu tư đồng bộ hơn cho nghiên cứu khoa học nói chung, khoa học nông nghiệp nói riêng để nông nghiệp phát triển mạnh hơn, xứng đáng là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Cụ thể là khi đầu tư trang thiết bị mới cần kèm theo việc đào tạo nghiên cứu viên phù hợp có thể khai thác đồng bộ các thiết bị mới đó để nghiên cứu liên tục tạo ra sản phẩm nhanh, nhiều, tốt, rẻ hơn so với việc dùng phương pháp cũ, thiết bị cũ.
PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm cũng cho rằng, cần đào tạo đủ nhà nghiên cứu có tay nghề cao, có khát vọng sáng tạo đồng bộ với việc cung cấp đủ năng lượng, hóa chất và những nhu cầu cần thiết khác để vận hành liên tục các phòng thí nghiệm hiện đại đã được đầu tư. Bởi hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều phòng thí nghiệm vắng bóng nhà nghiên cứu, máy móc thiết bị hiện đại chỉ để cho lãnh đạo dẫn khách đến khách thăm quan mà không đủ điều kiện vận hành.
Vì vậy, nhiều nhà chọn giống ở các viện, trường vẫn phải làm việc theo phương pháp cũ, trên những ô thí nghiệm cũ đã xuống cấp do bị phá hỏng hệ thống tưới tiêu. Không chỉ thế, họ còn phải dành nhiều thời gian làm những việc ngoài nghiên cứu như đấu thầu vật tư, thiết bị, mua sắm vật tư, lo hóa đơn chứng từ thanh toán hàng năm…
Gửi gắm tới trí thức trẻ, PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm mong muốn các nhà nghiên cứu trẻ được dành nhiều thời gian cho học tập nâng cao trình độ, cập nhật những kiến thức mới nhất, hiện đại nhất, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu thành thạo nhất để có thể thực hành tốt hơn các nghiên cứu hiện đại, đưa nền khoa học nông nghiệp nước nhà hội nhập với thế giới.
Danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" được trao từ năm 2015, qua 5 lần tổ chức có 587 cá nhân được vinh danh. Những người được lựa chọn là trí thức hoạt động trong các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các cơ quan của các ngành, lĩnh vực, địa phương và các tổ chức trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam từ 10 năm trở lên; những trí thức có uy tín khoa học, đóng góp thiết thực, hiệu quả và có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành được xã hội công nhận.
Khôi Nguyên
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/nha-khoa-hoc-nu-tao-ra-hang-chuc-giong-lua-lam-rang-danh-nen-nong-nghiep-viet-nam-676519.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện
- Đội tuyển Việt Nam 1 giành ngôi Á quân ABU Robocon 2024
- Trí tuệ nhân tạo đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhiều quốc gia
- Thị trường tín chỉ carbon – đường đến Net Zero
- Tôn vinh 135 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024
- Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng - SURF 2024
- Phát động Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam" 2024