Menu

Nhân rộng các mô hình thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

25/11/2024 18:17:57

7 mô hình thí điểm thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 được triển khai tại TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, đã khẳng định hiệu quả thiết thực…

Đó là kết quả được đưa ra tại Diễn đàn Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (viết tắt là Đề án) được tổ chức ngày 23/11 tại TP Cần Thơ do Hiệp Hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức.

Các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: Trung Khánh)

Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao được Thủ tướng phê duyệt, ban hành theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023. Triển khai thực hiện Đề án này, từ vụ hè thu 2024, Bộ NN&PTNT phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các mô hình thí điểm tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. 7 mô hình thí điểm được triển khai tại TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, đã khẳng định hiệu quả thiết thực: nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân so với ngoài mô hình, giảm mạnh được lượng phát thải khí nhà kính nhờ giảm lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện tưới ướt khô xen kẽ và thu gom rơm ra khỏi đồng.

Đến nay, các mô hình thí điểm đã có lúa thu hoạch trong vụ hè thu và thu đông vừa qua cho thấy, nông dân có thể giảm 40-50% lượng giống gieo sạ và giảm chi phí 10-15% trở lên, năng suất lúa cao hơn từ 2-7 tạ/ha, lợi nhuận tăng 4-7,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình… Cụ thể, mô hình tại Cần Thơ (giống lúa OM5451) tăng lợi nhuận ròng từ 1-6 triệu đồng/ha; mô hình tại Sóc Trăng (lúa ST25) cho lợi nhuận ròng tăng từ 13-18 triệu đồng/ha.

Từ những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự diễn đàn đã trao đổi, đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nhân rộng các mô hình thí điểm và thực hiện tốt Đề án.

7 mô hình thí điểm được triển khai tại TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, đã khẳng định hiệu quả thiết thực. (Ảnh minh họa: An Nhiên)

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, lúa gạo Việt Nam không thua kém chất lượng so với bất cứ nước nào, song giá trị chưa được nâng cao. Việt Nam đang ở mức phát thải 0,9%, tức là cao hơn các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan... Thực tế sản xuất còn thiếu sự đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo.

Để mở rộng diện tích thực hiện đề án, các địa phương tham gia cần thống nhất thực hiện đúng quy trình canh tác đã được các địa phương, nông dân áp dụng triển khai 7 mô hình thí điểm vừa qua và sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, định hướng tiêu thụ lúa gạo.

Ông Lê Thanh Tùng đánh giá: Liên kết giữa các bên liên quan thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thời gian vừa qua chưa được chặt chẽ. Vì vậy, phải hình thành được liên kết cụ thể giữa các bên liên quan tham gia đề án. Mô hình liên kết là chìa khóa để đạt được các tiêu chí, nâng được giá trị, thương hiệu lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Mô hình liên kết sẽ là động lực, kết nối các thành tố tham gia đề án.

TS Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện các ngân hàng đã bắt đầu có sự “chuyển mình” để cho vay theo chuỗi. Tuy nhiên, dư nợ để làm trong chuỗi Đề án chưa nhiều, trong khi nông dân chưa trang bị đủ máy móc...

Ông Hải cho rằng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và HTX tham gia theo chuỗi là hệ thống các ngân hàng cần hỗ trợ thủ tục giải ngân nhanh và uy tín, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án.  

Là một trong những địa phương được lựa chọn tham gia Đề án, TP Cần Thơ tích cực tham gia Đề án. TP cũng chủ động bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở, cán bộ khuyến nông, nông dân và các HTX về các nội dung của Đề án; xây dựng và nhân rộng mô hình thí điểm triển khai Đề án và mô hình thực hiện theo các tiêu chí, định hướng của Đề án như: ứng dụng công nghệ xử lý rơm rạ, ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng việc chuyển đổi số trong nông nghiệp; thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi…

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, tới đây các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền về Đề án để huy động tốt sự tham gia của các bên có liên quan. Đặc biệt, tích cực mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi cùng nông dân và các HTX để xây dựng và nhân rộng mô hình thí điểm. Kịp thời đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho việc thực hiện liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Quan tâm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa và các giải pháp khoa học, công nghệ mới để thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp theo Đề án…/..

An Nhiên

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/nhan-rong-cac-mo-hinh-thuc-hien-de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-684185.html

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.