NHẬN THỨC VỀ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
Tại Việt Nam, khái niệm “Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa” (XHCN) lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (ngày 29/11/1991) và tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng năm 1994 cũng như trong các văn kiện khác của Đảng. Sau đó, tại các Đại hội lần thứ X và XI của Đảng đã có bước tiến trong nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta, khẳng định những bước tiến nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền như một nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị xã hội.
Tổng kết 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta xác định: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãnh phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”[1].
Về mặt pháp lý, Nhà nước pháp quyền được trịnh trọng ghi nhận tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013[2] đánh dấu một bước ngoặt vượt bậc trong phát triển về lý luận, nhận thức và thực tiễn xây dựng đất nước. Gần đây nhất, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, với tính cách là một văn bản toàn diện, trực tiếp trong chỉ đạo về Nhà nước pháp quyền là dấu mốc quan trọng và là sự khẳng định mạnh mẽ. củng cố vững chắc quan điểm, nhận thức, lý luận của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề này.
Trên cơ sở chính trị và pháp lý đó, thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam thời gian qua đã có những kết quả tích cực đáng ghi nhận.
Nhận thức về tinh thần thượng tôn pháp luật
Trước những biến chuyển mạnh mẽ trong nhận thức và đời sống chính trị về vai trò của Nhà nước pháp quyền và yêu cầu tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những giá trị tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền dần được lan tỏa, ngấm vào nhận thức của người dân trong toàn xã hội. Ý thức pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng được đề cao. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét xã hội Việt Nam là một xã hội có truyền thống văn hóa làng xã, "phép nước thua lệ làng". Tâm lý tiểu nông, e ngại va chạm với công quyền, "vô phúc đáo tụng đình", cùng với tư tưởng trọng tình hơn trọng lý, không tuân thủ pháp luật, coi pháp luật và nhà nước ở thế đối lập... vẫn còn ăn sâu bén rễ trong một bộ phận không nhỏ các người dân. Cùng với suốt chiều dài lịch sử gắn với những cuộc chiến tranh chống ngoại bang đã hình thành tâm lý chống đối với pháp luật (của bọn thống trị, giặc ngoại xâm), nên người Việt "hễ cấm là cứ". Do vậy, việc thay đổi trong thái độ và cái nhìn của người dân đối với pháp luật, từ tìm cách "lách" luật, hoặc lẩn tránh, chuyển sang tôn trọng và nâng cao dần ý thức pháp luật, đó thực sự là một cuộc cách mạng trong nhận thức và đời sống của người Việt chúng ta.
Những nội dung có tính nguyên tắc về tính nghiêm minh của pháp luật, về yêu cầu tuân thủ pháp luật, "không có vùng cấm", không có ngoại lệ đối với bất kỳ chủ thể nào trong xã hội, từ người dân cho đến Nhà nước đã không còn xa lạ và đang ngày càng được nhắc đến và khẳng định nhiều với sự gia tăng niềm tin trong xã hội.
Nguyên tắc và đặc thù trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các giải pháp đột phá để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, nhằm bảo đảm các nội dung có tính nguyên tắc cũng là các đặc điểm làm nên Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là:
- Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân;
- Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật;
- Về tổ chức bộ máy nhà nước: Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp;
- Về hệ thống pháp luật:tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán;
- Bảo đảm độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;
- Tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Những thành tựu đạt được trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Những nguyên tắc và giá trị nền tảng, cốt lõi của Nhà nước pháp quyền đang dần được kiểm nghiệm và chứng minh qua thực tiễn công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật ở nước ta.
Những thành tựu này góp phần tạo nên sự ổn định chính trị - xã hội và kinh tế, xây dựng niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đẩy lùi dần những hoài nghi và những quan điểm phủ nhận những đặc điểm có tính nguyên tắc trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực
Trong thời gian qua, thái độ quyết liệt và cuộc chiến không khoan nhượng của Đảng và Nhà ta chống tham nhũng, chống những vi phạm, sai trái ở Việt Nam đã thu lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Lần lượt những cán bộ thoái hóa, biến chất, những con sâu mọt đục khoét làm mục ruỗng xã hội, băng hoại đạo đức, làm hao tổn nguyên khí quốc gia, suy yếu đất nước, xói mòn niềm tin của nhân dân... đều không thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật, làm nức lòng người dân cả nước. Trái với những cái nhìn phiến diện, thiếu thiện chí, cho rằng công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay chỉ mang tính hình thức, hoặc nhằm đấu đá nội bộ, thực tế cho thấy công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay được tiến hành trên phạm vi rộng lớn, trong toàn xã hội, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Thậm chí là một "tập đoàn", một hệ thống lãnh đạo từ địa phương đến trung ương, những tư lệnh ngành, ủy viên trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, cho đến người đứng đầu nhà nước... hễ có sai phạm đều không thể trốn tránh trách nhiệm và sự xử lý công bằng nghiêm minh trước pháp luật. Đây là những minh chứng rõ ràng nhất nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền, đó là tính tối thượng của pháp luật, mọi chủ thể trong xã hội, bao gồm cả nhà nước đều phải tuân thủ và chịu sự giới hạn của pháp luật.
Mặt khác, cũng cần nhận thức đúng đắn về kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay, khi một số ý kiến dùng những con số, quy mô và mức độ các trường hợp tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện ở Việt Nam để khẳng định, phân tích một chiều, phiến diện về chính thể, xã hội Việt Nam, để phủ nhận những mặt tích cực, những thành quả tốt đẹp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Cần thấy rằng, những trường hợp cấp độ tham nhũng, tiêu cực trong hàng ngũ cán bộ, những người có ảnh hưởng đến nền kinh tế, tài chính bị phát hiện, xử lý trong thời gian vừa qua là những con số đau xót, nhưng cần thiết, cho thấy sự không né tránh, không bao che, và không thỏa hiệp với cái sai, cái xấu, quyết tâm làm trong sạch bộ máy, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân của toàn Đảng, toàn dân ta.
Kết luận
Có thể khẳng định, thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam thời gian qua đã chứng tỏ tính đúng đắn trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là một sự khẳng định thuyết phục về lý luận cũng như thực tiễn, đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền không hoàn toàn có một công thức chung. Bên cạnh những giá trị mang tính phổ quát, còn có những giá trị đặc thù được vận dụng ở mỗi quốc gia để phù hợp với những đặc điểm riêng về kinh tế, chính trị - xã hội, văn hóa, mà đích đến cuối cùng là xây dựng, bảo đảm, bảo vệ những giá trị đích thực của Nhà nước pháp quyền – một biểu hiện về trình độ phát triển cao của dân chủ, pháp luật và quản trị nhà nước trong xã hội hiện đại, mà ở đó có sự ngự trị cao nhất của Hiến pháp, pháp luật, với nguyên tắc thực hiện quyền lực nhân dân, vì sự văn minh, tiến bộ, phát triển con người và nhân loại.
Phan Thanh Hà[1]
[1] TS., Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 118
[2] Điều 2 Hiến pháp năm 2023: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân".
Bài viết cùng chuyên mục
- Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: Khám chữa bệnh từ xa, tại nhà được thanh toán bảo hiểm y tế
- Rà soát dự thảo các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Đề nghị bổ sung quy định phòng cháy đối với chung cư cao tầng
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024
- Sửa đổi Luật Đầu tư công: Thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền
- Đảm bảo sự thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo trong quy hoạch
- Quy định về cấp, đổi lại các loại Giấy phép lái xe được cấp trước ngày 1/1/2025