Nhiều hoạt động đặc sắc chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi hoạt động trưng bày, triển lãm tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Các hoạt động trưng bày, triển lãm mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 5/10/2024 tại Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, số 19 đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội.
Một trong những điểm nhấn của chuỗi sự kiện là trưng bày tư liệu "Hà Nội và những Cửa ô", do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 tổ chức.
Trưng bày tài liệu lưu trữ "Hà Nội và những Cửa ô" giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 03 chủ đề: Cửa ô xưa; Cửa ô chiến thắng; Cửa ô Hà Nội hôm nay. (Ảnh: BTC)
Thông qua các nguồn sử liệu, Trưng bày tư liệu "Hà Nội và những Cửa ô" gồm các hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, các tài liệu viết bằng ngôn ngữ Hán Nôm và tiếng Pháp được lưu trữ tại Trung tâm Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO), Thư viện Khoa học Xã hội Việt Nam và đặc biệt là Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ lịch sử TP. Hà Nội.
Trưng bày tài liệu lưu trữ "Hà Nội và những Cửa ô" giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 03 chủ đề: Cửa ô xưa; Cửa ô chiến thắng; Cửa ô Hà Nội hôm nay.
Trưng bày tái hiện lịch sử các Cửa ô của Hà Nội nhằm cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động nhất về các hoạt động đời sống xã hội xung quanh các Cửa ô và sự biến mất của hầu hết các Cửa ô vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, giới thiệu về quá trình tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954) và những bước phát triển của Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất đến nay.
Cùng với sự kiện trên, Công ty Tem Bưu chính phối hợp với Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tổ chức Triển lãm "Hồ Chí Minh - Hành trình vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội qua sưu tập tem và bưu ảnh". Hành trình cứu nước và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua bộ sưu tập hơn 400 mẫu tem, bưu ảnh cùng trưng bày với bộ sưu tập tem, bưu ảnh gốc phát hành từ năm 1911 đến nay.
Nội dung triển lãm gồm 6 phần để giới thiệu những mốc son lịch sử trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và trở thành một bộ phận quyết định của lịch sử thế giới trong thế kỷ XX.
Trong chuỗi hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long còn có hoạt động Trưng bày tranh về Hoàng Thành và cảnh non sông, di sản văn hoá của Hà Nội mang tên "Dấu thiêng" của hoạ sĩ Chu Nhật Quang diễn ra từ ngày 05/10/2024 – 15/10/2024. Đây cũng là hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghề sơn mài, một trong những di sản văn hóa đặc sắc và độc đáo của Việt Nam.
Sưu tập tranh sơn mài "Dấu thiêng" gồm 52 tác phẩm sơn mài truyền thống vẽ về phong cảnh quê hương, các địa danh di sản dân tộc với phong cách nghệ thuật kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại.
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng tiến hành trưng bày diễn giải tại di tích Hậu Lâu.
Trưng bày này giới thiệu về giếng Ngự thời Lê và ý nghĩa của Tĩnh Bắc Lâu (Hậu Lâu) thời Nguyễn thông qua hệ thống pano hình ảnh. Đặc biệt, công tác khơi thông và tái dựng giếng thời Lê phát lộ tại khu vực này giúp du khách hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử và kiến trúc của di tích. Thông tin diễn giải bằng hệ thống pano hình ảnh giúp du khách tìm hiểu thêm về ý nghĩa của công trình, nét đặc sắc của kiến trúc và mỹ thuật trang trí, gửi gắm ước vọng yên vui của các vua triều Nguyễn.
Để nâng cao trải nghiệm của du khách, Nhà trưng bày chuyên đề "Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất" đã được chỉnh lý nội dung và không gian theo hướng hiện đại, hấp dẫn. Việc bổ sung công nghệ trình chiếu 3D mapping, màn hình tương tác, tủ trưng bày chuyên dụng gắn màn hình cảm ứng OLED giúp du khách tương tác và cảm nhận được những giá trị đặc biệt của di vật, tạo nên một không gian trưng bày sống động và thu hút.
Chuỗi sự kiện tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long góp phần quảng bá, tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây là cơ hội tuyệt vời để người dân và du khách tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa và di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm đa dạng, Hoàng thành Thăng Long một lần nữa khẳng định vai trò là trung tâm văn hóa, lịch sử quan trọng của Thủ đô, nơi kết nối quá khứ và hiện tại, truyền thống và hiện đại./.
H.Lê
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/nhieu-hoat-dong-dac-sac-chao-mung-ngay-giai-phong-thu-do-679535.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm "Tôi vẽ Hà Nội"
- Lễ hội Putaleng năm 2024 - “Về miền đỗ quyên” huyện Tam Đường
- Lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ giữa đại ngàn Sapa
- Căm Mường - Hành trình về nguồn cội và tín ngưỡng của người Lự
- Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” khơi dậy dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc
- Lan tỏa vẻ đẹp của trang phục Việt cổ
- Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2024