NHỚ VỀ MỘT KỶ NIỆM SÂU SẮC VỚI NGUYÊN TỔNG BÍ THƯ LÊ KHẢ PHIÊU
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931 tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Được bầu làm Tổng Bí thư từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001. Đồng chí đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Riêng đối với tôi, Nguyên Tổng Bí thư lê Khả Phiêu là một vị lãnh đạo rất đáng kính trọng nhưng cũng rất gần gũi, dễ mến. Tôi từng có một kỷ niệm sâu sắc và không thể nào quên với ông. Nói đúng hơn, với cái tính giản dị, sâu sát, đời thường và rất quan tâm đến báo chí, Nguyên Tổng Bí thư đã “cứu nguy” cho tôi một bàn thua khó gỡ trong cuộc đời làm báo của mình. Xin kể ra đây cùng các bạn như một cách để tưởng nhớ về ông.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chụp ảnh kỷ niệm với tác giả.
“Vấn nạn” của một thời...
Dạo đó là năm 2000, khi tôi còn công tác tại Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa. Hồi đó xã hội đang có “vấn nạn” ngoại cảm. Rất nhiều “nhà ngoại cảm” nổi lên với đủ thứ tài bói toán, gọi hồi, tìm mồ mả thất lạc, nói chuyện được với "người cõi âm". Thậm chí có người còn có tài “hô mưa gọi gió” chẳng kém gì Tề thiên Đại thánh trong truyện Tây du ký. Thời gian này các “nhà ngoại cảm” được rất nhiều người tôn sùng, tin tưởng tuyệt đối>Trong đó có nhiều đại gia, người “tai to mặt lớn”, có địa vị xã hội cũng tung hô, cầu cạnh, mời mọc, nhờ vả và đáp ứng mọi yêu cầu của các “nhà ngoại cảm”. Khiến họ tha hồ tung hoành ngang dọc làm mưa làm gió, gây nhiều hệ lụy cho xã hội và bức xúc cho người dân... Trước thực trạng đó, có nhiều nhà báo cũng muốn viết bài điều tra, phanh phui, nhưng còn ngần ngại vì “đấu tranh tránh đâu”, bởi ngoại cảm gần như là một địa hạt “cấm kỵ” đối với báo chí...
Trong số các “nhà ngoại cảm” có “cô Phương” ở Thanh Hoá được đồn đại là có biệt tài “gọi hồn người chết”, dù mới chết hay chết đã lâu, và dù chết gần hay xa, thậm chí chết tận bên Nhật, bên Mỹ… cô cũng gọi được hồn về cho người thân “nói chuyện”. “Cô Phương” nổi lên như một hiện tượng, đến nỗi người ta đã cho thành lập nhiều đoàn nghiên cứu về “cô”, sau đó in tài liệu tán dương, phát tán khắp nơi, gây xôn xao dư luận. Vì vậy ngày càng có rất nhiều người ở khắp xa gần kéo về để nhờ cô gọi hồn, gây mất an ninh trật tự và hoang mang trong nhân dân...
Trước thực trạng đó, là một nhà báo đã có nhiều năm hành nghề, tôi quyết tâm tìm hiểu sự thực hiện tượng “Cô Phương Thanh Hoá” để nêu ra trước công luận.
Sau hai ngày đóng vai một “con nhang đệ tử” đang có nhu cầu gọi hồn người nhà, tôi lê la khắp “Đại bản doanh” của “Cô Phương” đóng ở xã Hoàng Long, thuộc địa phận huyện Hoàng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất của các bác xe ôm, bà bán nước, cô bán cơm, anh chữa xe…ca ngợi “Cô Phương” (sau này với biết toàn là “chân gỗ” của cô ta). Tôi bắt đầu tham dự một buổi gọi hồn của “cô Phương”...
Tìm ra chiêu thức của “cô”
“Cô Phương” là một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi, dong dỏng cao, nét mặt đẹp và sắc sảo. Cô hành nghề rất thành thục, “làm việc” không ngừng, liên tiếp cứ hồn này “thăng”, hồn sau lại “nhập”. Quan sát một hồi, tôi nhận ra rằng, “cô Phương” quả là láu cá. Cô ta cứ kêu bừa một cái tên hú họa nào đó, ai trùng tên thì nhận, cô sẽ “trông mặt mà bắt hình dong”, bịa chuyện tào lao na ná giống nhau, chủ yếu là khóc lóc những nhớ cùng thương, còn mọi người gặp “hồn” nhà mình thì mừng quýnh, mấy ai còn tâm trí đâu mà suy xét…Chính điểm này làm cho cô nổi tiếng là “gọi hồn không cần hỏi tên tuổi”.
Biết thóp vậy, tôi đã tương kế tựu kế, nhận bừa một cái tên và nói là đó là người anh liệt sỹ của mình. Cô Phương đã trúng kế, vừa khóc vừa cười nhận em và kể huyên thiên những chuyện chiến đấu và những nhớ cùng thương. Phải tới mười phút sau “hồn” mới “thăng” sau khi bắt tay tôi đàng hoàng và hẹn gặp lại…
Thế là đã rõ “cô Phương” gọi hồn ra sao. Sau đó tôi còn gặp thêm một số nhân chứng nữa và gặp cả chính quyền địa phương. Đã có đủ tư liệu, tôi bắt tay vào viết phóng sự “Sự thật về hiện tượng “cô Phương” - Khả năng kỳ lạ hay trò lừa đảo?”. Tôi dồn hết cả tâm huyết của mình vào bài viết. Bài viết xong, tôi hăng hái gửi ngay tới vài tòa soạn báo địa phương. Nhưng tôi như bị dội gáo nước lạnh vào đầu: Các toà soạn đều trả lời bài báo không đăng được. Không nản chí, tôi bèn gửi đi một số tờ báo trung ương, nhưng vẫn không được đăng, trong đó tiếc nhất có tờ báo V. Một biên tập viên cho biết bài phóng sự đã được lên khuôn song lại phải bóc ra vì “có ai đó ở cấp trên gọi điện thoại tới…”
Thất vọng, với nỗ lực cuối cùng, tôi gửi bài tới tờ “Nhà báo và Công luận”. Sau đó tôi được chị Tổng Biên tập gọi điện hỏi thêm một số chi tiết trong bài. Chị cho biết hiện nay “ngoại cảm” đang là một “vùng nhạy cảm”, và “cô Phương” Thanh Hoá đang nổi danh như cồn, nên bài viết sẽ rất khó đăng. Nhưng chị sẽ hết sức cố gắng…
Sau nhiều ngày thấp thỏm chờ đợi, niềm vui của tôi vỡ òa khi Chuyên san “Nhà báo và Công luận” số cuối tháng 9/2000 đã đăng bài viết trên. Tôi chưa kịp tận hưởng nỗi mừng thì ngay ngày hôm sau, Hội Nhà báo Thanh Hoá, nơi tôi công tác đã nhận được nhiều ý kiến phản đối bài báo. Tỉnh uỷ Thanh Hoá cũng nhận được nhiều ý kiến phản đối. Trong đó có ý kiến đề nghị xem xét lại trình độ, tư cách nhà báo và động cơ của người viết bài phóng sự. Ngày hôm sau nữa, Tổng biên tập Nhà báo và Công Luận điện vào nói: “Gay quá em ạ, có nhiều nhà khoa học phản đối, cho là bài viết báo sai sự thật, không trung thực, viết với ý đồ xấu. Em phải chuẩn bị tường trình đi nhé…”. Riêng bản thân tôi cũng nhận được một số ý kiến phản đối khá gay gắt, bảo rằng tôi là loại nhà báo rởm, viết bậy bạ, thậm chí có người gọi điện đe dọa, hỏi tôi có muốn yên thân mà hành nghề nữa hay không. Có một nhà khoa học làm việc tại “Trung tâm Tiềm năng...” là giáo sư P cũng viết thư cho tôi, khẳng định tôi viết sai sự thực và đòi gặp để đối chất… Tình hình rất căng thẳng. Nhiều người quen không dám tiếp xúc với tôi, nhiều người khác nhìn tôi với con mắt ái ngại, dè chừng, cảnh giác.
Tuy nhiên, tôi vẫn vững tin là mình viết đúng. Vốn đã tìm hiểu nhiều về tôn giáo, tín ngưỡng và đang theo học lớp Cao học Tôn giáo tại Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tôi có nhiều kiến thức về lĩnh vực này. Tôi đem nội dung bài báo trao đổi với nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo, trong đó có Giáo sư Đỗ Nghiêm Vạn, một trong những giáo sư đầu ngành về tôn giáo. Các vị đều đồng tình với bài viết của tôi. Giáo sư tiến sỹ Đỗ Quang Hưng, Giám đốc Viện Tôn giáo còn gặp gỡ, trao đổi với tôi để có thêm thông tin, chuẩn bị thành lập đoàn nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng tại Thanh Hoá…
Một lời của Tổng Bí thư, trắng đen đã rõ
Những ngày tiếp theo sự căng thẳng vẫn kéo dài, thậm chí tôi còn nhận được nhiều cuộc điện thoại với hàm ý đe dọa, bắt phải cải chính bài báo. Trước tình hình đó, gia đình không dám cho tôi đi ra ngoài vì sợ bị hành hung. Các anh em cơ quan, đồng nghiệp đã phải lên phương án bảo vệ tôi...
Cho đến một hôm, Tổng biên tập Nhà báo và Công Luận lại gọi điện về. Tôi hồi hộp nghe. Giọng vui mừng, chị Tổng Biên tập báo tin: “Mừng quá em ạ, hôm nay trong một cuộc họp giao ban báo chí, đồng chí Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu đã đến tham dự. Đồng chí đã phát biểu khá dài, trong đó có đề cập đến báo báo “Hiện tượng Cô Phương Thanh Hóa...” đồng chí đã nhấn mạnh rằng: “Gần đây, có nhiều cán bộ đảng viên tha hoá, mất lòng tin, xa rời thực tế, chạy theo mê tín dị đoan, bói toán nhảm nhí. Báo Nhà báo và Công luận đã có bài báo “Hiện tượng cô Phương Thanh Hoá…”. Đây là một bài báo tốt, vạch trần thủ đoạn lừa đảo, có tác dụng cảnh tỉnh cho nhiều người. Tôi hoan nghênh báo, hoan nghênh phóng viên đã có bài viết trên. Đã là nhà báo thì phải dũng cảm, không được run tay cùn bút trước mọi thế lực xấu”. Như vậy Tổng Bí thư đã khẳng định bài báo của chúng ta là rất tốt. Chị chúc mừng em nhé…”.
Nghe xong, tôi như trút được gánh nặng ngàn cân trong lòng. Tôi vội nói cho gia đình biết, cả nhà ai cũng vui mừng. Còn tôi thì lấy xe đàng hoàng đi ngay ra phố, đến báo tin mừng cho bạn bè rồi đến cơ quan. Ai cũng cùng chia vui với tôi. Những ý kiến phản hồi đã theo nhau chấm dứt. Tôi có cảm giác giống như mình vừa được minh oan. Nhiều người trước đây tỏ ra dè dặt, cảnh giác thì nay lại vồn vã với tôi. Mấy ngày sau, báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an nghệ An, Công an Thanh Hoá… lần lượt đăng lại bài báo “Hiện tượng cô Phương…”. Rồi nhiều tờ báo khác cũng lần lượt có bài viết vạch trần sự lừa đảo của “Cô Phương”. Trắng đen cuối cùng đã rõ ràng…
Những năm sau này, tôi chuyển ra công tác tại Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, có điều kiện viết nhiều hơn về đề tài xây dựng Đảng, do đó tôi có lần được trực tiếp phỏng vấn Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Sau khi phỏng vấn, với lòng biết ơn, tôi đã nhắc lại chuyện ông từng cứu vãn sự nghiệp làm báo của tôi với bài phát biểu về bài báo “Hiện tượng cô Phương Thanh Hóa” năm xưa. Ông tỏ ra rất ngạc nhiên và thú vị, và cho biết hồi đó ông chẳng hề biết về tác giả, chỉ đọc bài báo và thấy tốt thì có nhận xét như vậy, nay với biết tác giả của bài báo. Sau câu chuyện, ông dặn tôi nếu rỗi thì cứ đến với ông để cùng nói chuyện về báo chí. Từ đó tôi thỉnh thoảng có dịp lại đến nhà thăm ông ở phố Lý Nam Đế, Hà Nội và lần nào cũng được ông niềm nở đón tiếp và chuyện trò rất thân mật.
Qua nhiều năm tháng, tôi đã trưởng thành hơn. Và trong hành trang làm báo của mình, kỷ niệm sâu sắc về bài báo không thể nào quên đó đã động viên tôi rất nhiều, giúp tôi vượt qua những trở ngại trong việc hành nghề. Mỗi lần nhớ lại những câu phát biểu của Tổng Bí thư Lê khả Phiêu: “Đây là một bài báo tốt, vạch trần thủ đoạn lừa đảo, có tác dụng cảnh tỉnh cho nhiều người. Tôi hoan nghênh báo, hoan nghênh phóng viên có bài viết trên. Là nhà báo thì không được run tay cùn bút trước những thế lực xấu”, tôi lại thầm cảm ơn người Tổng Bí thư đã quan tâm đến báo chí, cứu tôi một bàn “thua khó gỡ” trong cuộc đời làm báo của mình. Nay ông đã đi xa, tôi sẽ mãi nhớ về hình ảnh con người đáng kính đáng yêu đó và nhủ thầm còn ngày nào cầm bút, cũng sẽ cố gắng hết mình để viết nên những bài báo trung thực phục vụ đông đảo nhân dân, không run tay, cùn bút trước bất kỳ sự đe dọa nào…
Nhà báo Đào Nguyên Lan
(Theo Tạp chí Tri thức xanh)