Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2024
Từ tháng 10/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Quy định việc khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng để ở; quy định về hành nghề công tác xã hội; sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản công; quy định mới về đánh số nhà tại khu vực đô thị, nông thôn…
Quy định mới về việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng để ở
Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.
Theo đó, Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác với mục đích: Cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất); tạm quản lý trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.
Nghị định yêu cầu việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải đảm bảo hiệu quả, giải quyết nhu cầu về nhà, đất phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Việc giao nhà, đất cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản và giá trị tài sản không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà; tổ chức, cá nhân thuê nhà; cơ quan, tổ chức, đơn vị được bố trí nhà, đất sử dụng tạm thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định.
Việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Theo quy định, việc cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất) của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà được thực hiện theo phương thức đấu giá, trừ các trường hợp thực hiện theo phương thức niêm yết giá.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024.
Ảnh minh hoạ: (Nguồn BVPL)
Nghiêm cấm hành nghề công tác xã hội để trục lợi
Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2024/NĐ-CP về công tác xã hội; trong đó, quy định cụ thể 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội.
Theo Nghị định 110/2024/NĐ-CP, công tác xã hội là hoạt động hỗ trợ cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội.
Công tác xã hội có chức năng hỗ trợ phòng ngừa; can thiệp, trị liệu; hỗ trợ phục hồi, phát triển đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng hạnh phúc của người dân; góp phần bảo đảm thực hiện quyền, nhân phẩm, giá trị của con người, công bằng và bình đẳng xã hội theo quy định của pháp luật.
Nghị định đã quy định rõ 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội:
Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.
Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thỏa thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nghị định quy định cụ thể về dịch vụ công tác xã hội. Đây là dịch vụ do tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp hoạt động công tác xã hội thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội của cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản công
Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong đó, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước.
Theo quy định mới, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định trên được thực hiện như sau:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Nghị định số 114/2024/NĐ-CP quy định căn cứ phạm vi dự toán ngân sách được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Việc tổ chức thực hiện mua sắm tài sản theo phương thức tập trung được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định tại Chương VI Nghị định này.
Việc mua sắm tài sản quy định trên không bao gồm mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Nghị định số 114/2024/NĐ-CP cũng bổ sung thêm Điều 3a quy định mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công là vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi Điều 4 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2024. Các Điều 96, 97, 98 và 99 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
Quy định mới về đánh số nhà tại khu vực đô thị, nông thôn
Ảnh minh hoạ. (TTXVN)
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 08/2024/TT-BXD quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10.
Cụ thể, nhà mặt đường, phố được đánh số theo thứ tự tăng dần (1, 2, 3...), bắt đầu từ số 1. Nhà bên trái đường mang số lẻ, nhà bên phải mang số chẵn. Chiều đánh số thường từ Bắc xuống Nam hoặc từ Đông sang Tây.
Với nhà có hai mặt tiền thì ưu tiên đánh số theo mặt tiền đường rộng hơn. Nếu hai mặt tiền ngang bằng sẽ căn cứ vào vị trí cửa chính hoặc số nhà đã có trên đường đó để quyết định. Đối với đường, phố chưa có nhà, UBND cấp huyện sẽ lập danh sách số nhà dự phòng dựa trên quy hoạch chi tiết, đảm bảo việc đánh số được thực hiện một cách khoa học và thống nhất.
Nguyên tắc chèn số nhà với nhà xây mới xen giữa hai nhà hiện hữu là thêm chữ cái in hoa hoặc số tự nhiên vào số nhà bên cạnh nhỏ hơn. Ví dụ, nhà phát sinh giữa hai nhà 20 và 22 sẽ được đánh số 20A, 20B, 20C hoặc 20-1, 20-2, 20-3. Với nhà trong ngõ chưa có tên riêng, nguyên tắc đặt tên theo số nhà mặt đường, phố nằm kề ngay trước ngõ (theo số nhà nhỏ hơn).
P.V
(theo baovephapluat.vn)
Nguồn: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/chinh-sach-moi/nhung-chinh-sach-moi-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-10-2024-165656.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: Khám chữa bệnh từ xa, tại nhà được thanh toán bảo hiểm y tế
- Rà soát dự thảo các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Đề nghị bổ sung quy định phòng cháy đối với chung cư cao tầng
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024
- Sửa đổi Luật Đầu tư công: Thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền
- Đảm bảo sự thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo trong quy hoạch
- Quy định về cấp, đổi lại các loại Giấy phép lái xe được cấp trước ngày 1/1/2025