Những điều cần biết về tắt sóng 2G và các ảnh hưởng đối với người dùng
Được “mở sóng” tại Việt Nam lần đầu vào năm 1993, là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ này, đến nay khi mạng 3G, 4G và 5G đã trở nên phổ biến, mạng 2G (GSM) đã hoàn tất sứ mệnh của mình đối với người dùng. Việc tắt sóng 2G không chỉ giúp tối ưu hạ tầng, nguồn lực cho những mạng GSM mới mà còn để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Phát triển mạng di động Việt và những yêu cầu của thời đại mới
2G (còn viết là 2-G) là tên viết tắt của công nghệ mạng di động viễn thông (hay có thể gọi là công nghệ mạng không dây tế bào - wireless cellular technology) thế hệ thứ hai. Mạng 2G được triển khai thương mại dựa trên chuẩn tiêu chuẩn GSM ở Phần Lan bởi nhà mạng Radiolinja (hiện là một phần của công ty viễn thông Elisa Oyj) vào năm 1991.
Một số loại điện thoại có thể sẽ không còn cột sóng sau khi tắt 2G. Ảnh: TL
Các công nghệ 2G cho phép các nhà mạng khác nhau cung cấp các dịch vụ như tin nhắn văn bản, tin nhắn hình ảnh và MMS (tin nhắn đa phương tiện). Tất cả các tin nhắn văn bản được gửi trên 2G đều được mã hóa bằng tín hiệu kỹ thuật số (digital), cho phép truyền dữ liệu theo cách mà chỉ người nhận như dự định mới được nhận và đọc tin nhắn. Với công nghệ 2G, tín hiệu kỹ thuật số truyền nhận tạo ra nguồn năng lượng sóng nhẹ hơn và sử dụng các chip thu phát nhỏ hơn, tiết kiệm diện tích bên trong thiết bị hơn, giúp cho các nhà phát triển có thể tạo ra những thiết bị di động nhỏ hơn, nhẹ hơn, nhiều công nghệ hơn so với trước đó.
Tại Việt Nam, mạng 2G chính thức được triển khai từ năm 1993, tại thời điểm mà 95-97% mạng viễn thông thế giới vẫn là analog và các hãng vẫn tiếp tục sản xuất các thiết bị này. Việc “đi tắt đón đầu” đã tạo ra không ít khó khăn đối với ngành bưu chính viễn thông Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cũng chính nhờ lựa chọn này, cùng với quyết tâm khắc phục, vượt qua khó khăn của Chính phủ và các doanh nghiệp đã tạo ra những bước nhảy vọt đối với sự phát triển của ngành viễn thông Việt, từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân dùng mạng di động lớn nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu của thời đại, quá trình hội nhập kinh tế thế giới, những thành tựu của khoa học công nghệ đã lần lượt phát triển các công nghệ mạng di động mạnh mẽ hơn, tối ưu hơn, đem đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, đặc biệt là hỗ trợ mạng Internet thông suốt trên các thiết bị thông minh.
Không chỉ áp dụng các thành tựu công nghệ của thế giới trong việc áp dụng sóng 3G, 4G, Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên nghiên cứu, áp dụng thành công mạng 5G trên thế giới. Đây cũng là những mạng di động đang được người dân sử dụng phổ biến hiện nay, đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện tại tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Việc sử dụng những thiết bị 2G đời cũ đã không còn có thể đáp ứng được yêu cầu biến mỗi người dân trở thành những “công dân số” trong thời đại số hóa toàn cầu hiện nay.
Theo nhiều nghiên cứu từ các công ty, nhà mạng trên thế giới, mạng 2G có thủ tục đăng nhập và kết nối đơn giản nên đã được xem là "lỗi thời" và chứa nhiều lỗ hổng vì vậy tội phạm mạng có thể lợi dụng để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo… đến thiết bị người dùng qua sóng mạng 2G với các trạm BTS giả mạo gây ra không ít thiệt hại đối với người dùng. Bên cạnh đó, về mặt phát triển công nghệ mạng, việc duy trì sóng 2G đang chiếm "chỗ" băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển sóng mạng 5G, 6G… Vì vậy, yêu cầu tắt sóng mạng 2G ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo quyền lợi cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.
VNPT đã sẵn sàng cho tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Việc lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh (smartphone) đến từng người dân Việt Nam, đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn. Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Để chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất” chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2021, buộc các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên. Đến ngày 27/9/2022, Bộ cũng đã có công văn về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ 4G. Tháng 9/2024 cũng là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần vô tuyến điện mạng 2G đối với các nhà mạng, đây cũng sẽ là thời điểm chính thức tắt sóng 2G tại Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam vẫn còn khoảng hơn 15 triệu thuê bao 2G, để thúc đẩy chuyển đổi sang 4G, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ phối hợp với các nhà mạng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp cùng với các nhà mạng để hỗ trợ cho người dân thực hiện chuyển đổi. Trong đó, Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành kinh phí hỗ trợ cho thuê bao là hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa chuyển đổi thiết bị từ 2G sang 4G với khoảng 400 nghìn máy. Hiện Quỹ đang thực hiện thống kê các hộ dân thuộc diện cần hỗ trợ.
Là doanh nghiệp áp dụng công nghệ 2G tại Việt Nam từ cách đây hàng chục năm, cũng là doanh nghiệp tiên phong áp dụng thành công công nghệ 5G tại Việt Nam, Tập đoàn VNPT đã có sự đầu tư, nâng cấp về công nghệ liên tục trong những năm qua để đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân trong từng giai đoạn.
Từ năm 2015, khi 2G vẫn chiếm khoảng khoảng 60% lưu lượng mạng, VNPT đã xác định chiến lược và xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G, triển khai các bài toán 2G kết hợp với triển khai 3G, 4G. Trong 2 năm qua, VNPT đã chủ động tiến hành tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng. Để làm điều này, VNPT đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực và tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G. VNPT đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để đến tháng 9/2024 cam kết thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G theo chỉ đạo, định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông .
VNPT cũng đã sẵn sàng các kịch bản cụ thể để hỗ trợ cho các khách hàng đang còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới như người già, người sử dụng ở khu vực nông thôn, hải đảo. Quan điểm của VNPT là phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ cho khách hàng, giúp họ chuyển đổi thiết bị lên smartphone hỗ trợ 4G để lên không gian số, tham gia thúc đẩy chuyển đổi số.
“Thực hiện theo đúng chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT hiện đã sẵn sàng cho việc tắt sóng 2G. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để hỗ trợ người dân, khách hàng thực hiện chuyển đổi lên các thiết bị 4G, 5G một cách tối ưu, để không một người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia” - đại diện VNPT cho biết./.
Bích Hà
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/nhung-dieu-can-biet-ve-tat-song-2g-va-cac-anh-huong-doi-voi-nguoi-dung-657670.html
Bài viết cùng chuyên mục
- “Ngày hội quảng bá sản phẩm và kết nối đầu tư"
- Khai thác tiềm năng trí tuệ nhân tạo thúc đẩy phát triển AI tại Việt Nam
- Phấn đấu 80% công nghệ, giải pháp quản lý, quy trình kỹ thuật đóng góp giảm thiểu khí nhà kính
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
- Kỳ 5. Đổi mới sáng tạo: Động lực then chốt cho sự phát triển bền vững của ngành chè Việt Nam
- Đề xuất nhà khoa học là viên chức được tham gia điều hành doanh nghiệp
- Sẽ xây dựng 17 tiêu chuẩn quốc gia về trí tuệ nhân tạo