Nữ Tổng Giám đốc chỉ đạo cấp dưới làm phân bón giả quy mô lớn như thế nào?
Liên quan đến vụ việc "Sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón" quy mô lớn. Đến nay, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn quyết định khởi tố 4 bị can. Trong đó, có 2 vợ chồng đều là Tổng Giám đốc của 2 Công ty Cổ phần và 2 kế toán.
Ngày 4/2, VKSND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang phối hợp với cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc "Sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón", có quy mô lớn xảy ra trên địa bàn.
Đối tượng Nguyễn Thị Cẩm My (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại phân bón Nam Dương).
Liên quan đến vụ việc này, đến nay VKSND tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam gồm: Nguyễn Thị Cẩm My (41 tuổi), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại phân bón Nam Dương (tỉnh Bình Định); Bùi Minh Chánh (43 tuổi, chồng bà My), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn phân bón quốc tế Hoa Kỳ - VINA (tỉnh Long An); Võ Thị Hồng Nhung (33 tuổi) và Nguyễn Dương Thịnh (36 tuổi), cùng là kế toán công ty, để điều tra về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón”.
Theo điều tra ban đầu, Công ty Cổ phần thương mại phân bón Nam Dương (sau đây viết tắt là Công ty Nam Dương) có địa chỉ lại Khu Công nghiệp Nhơn Hòa (xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Công ty đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh nhưng mã ngành kinh doanh chính là sản xuất phân bón.
Bà Nguyễn Thị Cẩm My, Tổng Giám đốc Công ty Nam Dương là người điều hành, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Công ty, cũng là người quyết định đưa ra định mức áp dụng công thức sản xuất phân bón cho các mã sản phẩm phân bón NPK.
Bà My cũng là người chỉ đạo bà Võ Thị Hồng Nhung (SN 1992, trú tại xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), Kế toán tổng hợp của Công ty Nam Dương nhập đơn giá nguyên liệu đầu vào, để ra giá vốn sản xuất và thêm các chi phí sản xuất, sau đó ban hành bảng giá phân bón thành phẩm đi chào hàng các đại lý.
Ngoài ra, bà My còn chỉ đạo bà Nhung in định mức áp dụng công thức sản xuất phân bón ra giấy đưa cho ông Nguyễn Dương Thịnh (SN 1989, trú tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), Kế toán kho của Công ty Nam Dương để áp dụng cho việc sản xuất phân bón. Trong đó, thể hiện hàm lượng nguyên liệu lưu huỳnh, kali ít hoặc không có mà chủ yếu là nguyên liệu có chứa thành phận đạm cao để đưa vào hoạt động sản xuất phân bón của Công ty Nam Dương, Công ty cổ phần tập đoàn phân bón Quốc tế Hoa Kỳ - VINA (sau đây viết tắt là Công ty Quốc tế Hoa Kỳ - VINA).
Cơ quan chức năng thu giữ nhiều tang vật để phục vụ điều tra.
Sau khi nhận được kế hoạch xuất hàng, ông Nguyễn Dương Thịnh tạo lệnh sản xuất phân bón và phiếu yêu cầu xuất kho nguyên liệu thể hiện khối lượng các nguyên vật liệu để sản xuất phân bón (dựa theo định mức áp dụng để sản xuất phân bón mà bà My đã ban hành trước đó). Sau đó, các công nhân tổ sản xuất sẽ đi lấy các nguyên vật liệu trong kho theo phiếu yêu cầu xuất kho và tiến hành sản xuất phân bón.
Đối với Công ty cổ phần tập đoàn phân bón Quốc tế Hoa Kỳ - VINA (sau đây viết tắt là Công ty Quốc tế Hoa Kỳ - VINA), có địa chỉ tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Đại diện pháp luật là ông Bùi Minh Chánh (chồng bà My), Tổng Giám đốc. Công ty đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh nhưng mã ngành kinh doanh chính là sản xuất phân bón
Vợ chồng Chánh, My còn đứng ra thành lập 7 công ty để thuận tiện cho việc quảng cáo, buôn bán nhiều mặt hàng sản phẩm phân bón ra thị trường các tỉnh thành như Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với VKSND tỉnh Đắk Lắk tiến hành khám xét 2 cơ sở sản xuất của My và Chánh tại Công ty Nam Dương và Công ty Quốc tế Hoa Kỳ - VINA cùng các đại lý mua bán phân bón của 2 công ty này. Qua đó, thu giữ tổng cộng 1.408 tấn phân bón các loại.
Cơ quan Công an và VKSND tỉnh Đắk Lắk kiểm tra kho phân bón giả của vợ chồng Chánh, My.
Như báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) phát hiện, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận nói chung xuất hiện tình trạng sản xuất phân bón giả nhằm thu lợi bất chính, gây ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng của người nông dân.
Sau gần một năm tích cực vào cuộc xác minh, Phòng Cảnh sát kinh tế xác định, loại phân bón giả mang nhãn hiệu NPK được sản xuất tại Công ty Nam Dương và Công ty Quốc tế Hoa Kỳ - VINA.
Tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở và kho sản xuất của 2 công ty do vợ chồng Chánh, My làm Tổng Giám đốc, cơ quan Công an đã thu giữ 10.264 bao ghi nhãn hiệu bên ngoài là các loại phân bón NPK khác nhau với tổng trọng lượng hơn 513 tấn, hơn 4.000 tấn nguyên liệu sản xuất phân bón cùng nhiều giấy tờ, tài liệu, sổ sách có liên quan.
Bước đầu, vợ chồng Chánh, My khai nhận, quá trình hoạt động kinh doanh sản xuất phân bón, do giá nguyên liệu kali tăng cao, khan hiếm vì phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Để giảm chi phí sản xuất phân, cạnh tranh giá bán trên thị trường và tăng thêm lợi nhuận nên vợ chồng Chánh, My đã ban hành công thức sản xuất phân bón cụ thể đối với từng mã sản phẩm phân bón NPK. Trong đó, có những loại phân bón NPK có hàm lượng kali thấp và những loại phân bón NPK không có hàm lượng kali. Từ đó, chỉ đạo 2 nhân viên kế toán của công ty là Võ Thị Hồng Nhung (33 tuổi) và Nguyễn Dương Thịnh (36 tuổi, đều trú tại tỉnh Bình Định) triển khai thực hiện.
Mở rộng điều tra, cơ quan Công an đã tiến hành làm việc với 32 đại lý phân bón trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum, tạm giữ 848,3 tấn các sản phẩm phân bón mà Công ty Nam Dương và Công ty Hoa Kỳ - VINA đã sản xuất bán ra thị trường.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được và kết luận giám định của cơ quan chuyên môn, cơ quan Công an xác định số lượng phân bón do Công ty Nam Dương và Công ty Hoa Kỳ - VINA sản xuất là phân bón giả./.
Nguyễn Chính
(theo baovephapluat.vn)
Nguồn: https://baovephapluat.vn/cong-to-kiem-sat-tu-phap/theo-dong/nu-tong-giam-doc-chi-dao-cap-duoi-lam-phan-bon-gia-quy-mo-lon-nhu-the-nao-172370.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Khởi tố chủ cơ sở sản xuất dùng hóa chất tăng trưởng sản xuất giá đỗ
- Xử lý gần 200 vụ buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước Tết Nguyên đán
- Công ty Clark Material Handling Việt Nam bị xử phạt gần 500 triệu đồng
- Phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm tại Trống Đồng Palace Long Biên
- Thu giữ, tiêu hủy gần 2 tấn thực phẩm bẩn
- Vụ 3.000 tấn giá đỗ "ngâm" chất cấm, tạm dừng hoạt động 6 cơ sở sản xuất
- Thu giữ 14 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc