Menu

Phân quyền mạnh mẽ để Hà Nội chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế

28/05/2024 18:02:58

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP Đà Nẵng) phát biểu ý kiến 

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về các nội dung phân quyền cho thành phố Hà Nội liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Cụ thể, phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố bảo đảm tiêu chí, điều kiện theo quy định; giao UBND Thành phố quy định việc điều chỉnh cơ cấu công chức, viên chức và vị trí việc làm phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; giao HĐND Thành phố quy định cụ thể tiêu chí thành lập mới, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố; trường hợp thành lập thêm cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thì phải bảo đảm tổng số cơ quan không vượt quá 15% (đối với cấp Thành phố) và 10% (đối với cấp quận, huyện) so với khung số lượng do Chính phủ quy định.

Dư luật đồng thời phân quyền trực tiếp cho Thường trực HĐND Thành phố quyết định một số vấn đề cấp bách và báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất để bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Bổ sung, làm rõ các quy định về phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND các cấp và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố và thuộc UBND cấp huyện.

Mặt khác, cho phép HĐND thành phố Hà Nội xác định số lượng biên chế căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước để trình cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, thực hiện chế độ cán bộ, công chức thống nhất ở cả cấp xã, cấp huyện và Thành phố; cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.

Phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP Đà Nẵng) tán thành việc giao thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy, tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân. Bởi, thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao. Ngoài việc đảo đảm nhiệm vụ của một địa phương cấp tỉnh thì Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị, đặc biệt yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là Thủ đô của đất nước. Đồng thời với vị trí Thủ đô là đô thị đặc biệt có tốc độ phát triển nhanh, quy mô kinh tế lớn, hoạt động thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế, văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn.

Do đó, theo đại biểu, quy định việc giao quyền chủ động cho thành phố trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết. 

Theo đại biểu Trần Chí Cường, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã có sự tiếp thu, chỉnh lý tương đối phù hợp, đưa ra các nguyên tắc, điều kiện để thành lập, tổ chức lại các cơ quan theo yêu cầu quản lý của từng giai đoạn theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội; đồng thời có sự giới hạn về số lượng khi thành lập thêm tổ chức đối với cấp thành phố không vượt quá 15% (tương đương khoảng 3 cơ quan) và đối với cấp huyện thì không có vượt quá 10% (tương đương với 01 cơ quan) theo khung quy định của Chính phủ.

Như vậy, vừa một mặt là đảm bảo cho thành phố chủ động sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Mặt khác cũng giới hạn trong không phát sinh việc thành lập quá nhiều cơ quan, đơn vị.

Trong khi đó, đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai) tán thành với quy định về tổ chức chính quyền tại TP Hà Nội như quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật. Mô hình này đã khác biệt các quy định tại khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 97 năm 2019, Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và đã có thực tiễn thi hành trên địa bàn. Theo đó, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc Tp Hà Nội sẽ góp phần khiến tổ chức chính quyền cấp xã, phường tinh gọn và năng động hơn.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Hoàng Hải, mô hình này cũng đang khác với mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Tại kỳ họp 6, Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Đà Nẵng. Thế nhưng, quan điểm của Chính phủ về sự phát triển ưu điểm của các mô hình cũng chưa thực sự rõ ràng. Đồng thời cũng chưa cho thấy là sự khác biệt về tổ chức dẫn đến khác biệt về cách thức quản lý, vận hành các hoạt động của chính quyền đô thị; các cơ chế, chính sách được áp dụng.

Do đó, đại biểu Lê Hoàng Hải đề nghị cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc xây dựng Luật Chính quyền đô thị riêng để tạo cơ sở áp dụng đồng bộ, ổn định, thống nhất các nội dung về chính quyền đô thị./.

MT

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/phan-quyen-manh-me-de-ha-noi-chu-dong-hon-ve-to-chuc-bo-may-bien-che-665948.html

 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.