Phát triển dữ liệu quốc gia về KH&CN và dịch vụ thông tin thông minh hỗ trợ đổi mới sáng tạo
Theo TS Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ được xem là hạ tầng dữ liệu quan trọng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, góp phần minh bạch hóa hoạt động khoa học và công nghệ, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
TS Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia phát biểu tại sự kiện. Ảnh: TL
Sáng 22/11, tại Hà Nội, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp với Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và truyền thông Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ và Dịch vụ thông tin thông minh hỗ trợ đổi mới sáng tạo”.
Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia cho biết: Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ được xem là hạ tầng dữ liệu quan trọng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, là nền tảng để kết nối, tích hợp các dữ liệu của ngành khoa học và công nghệ, giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tiếp cận được thông tin, dữ liệu về khoa học và công nghệ, góp phần minh bạch hóa hoạt động khoa học và công nghệ, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Với các yêu cầu mới đặt ra về kết nối và chia sẻ dữ liệu, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ trở nên cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và gắn liền với công tác quản lý khoa học ở cấp quốc gia, bộ ngành và địa phương. Đồng thời, để xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ thống nhất, toàn diện và đầy đủ đòi hỏi phải có sự thay đổi về cách tiếp cận, phương pháp xây dựng cơ sở dữ liệu và sự phối hợp của các cơ quan quản lý, cơ quan thông tin và cán bộ nghiên cứu trên cả nước.
TS Trần Đắc Hiến nhấn mạnh, bên cạnh cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, thì việc phát triển và cung cấp các dịch vụ thông tin hỗ trợ đổi mới sáng tạo cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thông tin khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh chuyển đổi số bùng nổ, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra giá trị to lớn của dữ liệu, hầu hết các tổ chức thường gặp khó khăn trong việc sử dụng dữ liệu do thiếu chuyên gia phân tích, cơ sở hạ tầng không đầy đủ hoặc không có các công cụ phân tích dữ liệu lớn phù hợp.
Giới thiệu Hệ thống ứng dụng công nghệ mới nhất về AI, BigData và Trung tâm siêu máy tính
Tại hội thảo, Hệ thống phân tích thông tin công nghệ (V-COMPAS) đã được giới thiệu tới các đại biểu. Hệ thống này đã được các chuyên gia của Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc hỗ trợ Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia xây dựng. Hệ thống ứng dụng những công nghệ mới nhất về AI, BigData và Trung tâm siêu máy tính.
TS Ji Young Park, chuyên gia đến từ Hàn Quốc chia sẻ về dữ liệu khoa học Hàn Quốc và các hệ thống tích hợp dữ liệu quốc gia DataOn, ScienceOn. TS Sujin Lee chia sẻ về dịch vụ thông tin thông minh phục vụ đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc – KMAP; đánh giá công nghệ, nghiên cứu thương mại hóa công nghệ, nghiên cứu chiến lược đầu tư công nghệ.
ThS Đào Mạnh Thắng - Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia giới thiệu dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, kết nối với các hệ thống quản lý R&D khác và hệ thống thông tin KH&CN cấp tỉnh.
Được biết, hội thảo là sự tiếp nối cho sự thành công của Khóa họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (JCM9) tháng 10 vừa qua. Theo đó, phía Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về thông tin KH&CN, chuyển giao các hệ thống phân tích thông tin tiên tiến của Hàn Quốc cho Việt Nam./.
Khôi nguyên
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/phat-trien-du-lieu-quoc-gia-ve-kh-cn-va-dich-vu-thong-tin-thong-minh-ho-tro-doi-moi-sang-tao-653130.html
Bài viết cùng chuyên mục
- “Ngày hội quảng bá sản phẩm và kết nối đầu tư"
- Khai thác tiềm năng trí tuệ nhân tạo thúc đẩy phát triển AI tại Việt Nam
- Phấn đấu 80% công nghệ, giải pháp quản lý, quy trình kỹ thuật đóng góp giảm thiểu khí nhà kính
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
- Kỳ 5. Đổi mới sáng tạo: Động lực then chốt cho sự phát triển bền vững của ngành chè Việt Nam
- Đề xuất nhà khoa học là viên chức được tham gia điều hành doanh nghiệp
- Sẽ xây dựng 17 tiêu chuẩn quốc gia về trí tuệ nhân tạo