Menu

Phố Trung thu Hàng Mã: Hồi ức tuổi thơ giữa lòng Hà Nội

16/09/2024 12:56:01

Phố Hàng Mã từ lâu đã trở thành biểu tượng về Tết Trung thu cổ truyền ở Thủ đô, nơi người dân đổ về mua sắm lồng đèn, đồ chơi và cùng nhau hòa mình vào không khí lễ hội náo nhiệt, rực rỡ sắc màu, để tìm hiểu và cảm nhận những nét tinh túy về Tết Trung thu truyền thống ở Hà Nội.

Nằm giữa lòng khu phố cổ Hà Nội, chợ Trung thu Hàng Mã đã trở thành điểm hẹn không thể thiếu mỗi mùa trông trăng, phá cỗ đêm rằm, nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ ngọt ngào của nhiều thế hệ người Hà Nội. Những ngày cận Tết Trung thu, con phố cổ trở thành một bức tranh đầy màu sắc và âm thanh. Khi bước vào phố, mỗi người dễ dàng bị cuốn hút bởi hàng trăm chiếc lồng đèn với đủ hình dáng, màu sắc. Tiếng trống múa lân vang lên rộn rã, tiếng cười nói của trẻ em, và tiếng người mua kẻ bán tạo nên một bầu không khí tấp nập, rộn ràng. Mỗi góc phố như trở thành một câu chuyện nhỏ, kể về niềm vui, sự háo hức khi trẻ em háo hức lựa chọn những món đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi, đầu lân.

Phố Hàng Mã không chỉ là nơi mua sắm, mà còn là không gian để mọi người tìm lại những giá trị văn hóa truyền thống. Giữa những gian hàng hiện đại, vẫn còn đó rất nhiều những món đồ thủ công, được làm tỉ mỉ từ bàn tay người nghệ nhân. Chợ Trung thu Hàng Mã là nơi người lớn hồi tưởng về ký ức tuổi thơ, nơi để các em nhỏ hòa mình vào không gian lễ hội đầy sắc màu, học hỏi và trân quý những nét đẹp xưa.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, một du khách yêu thích văn hóa truyền thống đến từ thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên bày tỏ: “Trải nghiệm không gian đậm chất dân gian của chợ Hàng Mã vào dịp cuối tuần, các cháu nhỏ trong gia đình tôi rất thích thú trước những món đồ chơi như đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi. Với tôi, chợ Hàng Mã không chỉ là nơi mua sắm mà còn là bảo tàng sống động về văn hóa Việt Nam và của Hà Nội, nơi có thể tìm hiểu và cảm nhận rõ những nét tinh hoa của Tết Trung thu truyền thống”.

Chợ Trung thu đêm trên phố Hàng Mã.

Sức hấp dẫn của chợ Hàng Mã là không khí mùa lễ hội, đối với nhiều những người dân sinh sống tại Hà Nội, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ, đều ưa thích đưa con em đến đây để hòa mình vào không gian đầy màu sắc và âm thanh vui nhộn. Tiếng cười đùa, tiếng trống lân, tiếng người mua bán tạo nên bầu không khí sôi động, khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy phấn khởi và hào hứng.

Đồ chơi ở đây cũng rất đa dạng, từ các món truyền thống đến hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp khách hàng. Những chiếc đèn ông sao đơn sơ, những chú tò he đầy màu sắc, đến đèn kéo quân lấp lánh ánh sáng, mỗi món đồ chơi đều có mức giá phù hợp với túi tiền của từng người. Tuy nhiên, giá trị thực sự không nằm ở con số mà ở niềm vui trẻ thơ khi cầm trên tay món quà truyền thống, và trong ánh mắt rạng rỡ của người lớn khi tìm lại chút hương vị tuổi thơ giữa dòng chảy nhộn nhịp thời hiện đại. Phố Hàng Mã không chỉ bán đồ chơi, mà còn trao gửi những giá trị tinh thần không thể đong đếm.

Phố Trung thu - ký ức và hoài niệm

Khi hoàng hôn buông xuống, phố Hàng Mã bừng sáng trong đêm bởi hàng ngàn chiếc đèn lồng rực rỡ được thắp lên, kéo theo đó là dòng người nườm nượp đổ về, hòa mình vào không khí lễ hội sôi động và ấm áp. Con phố cổ sống động nhờ ánh đèn lung linh phản chiếu trên những món đồ xinh xắn. Đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn cá chép lấp lánh treo kín cả một dãy phố, tạo nên bức tranh đầy màu sắc và hoài niệm. Các gian hàng bày bán đủ loại đồ chơi từ truyền thống đến hiện đại, từ những chiếc mặt nạ giấy bồi đến những mô hình đèn lồng điện tử, làm phong phú thêm sự lựa chọn của người đi chợ đêm.

Trong khung cảnh tấp nập, rộn rã, tiếng trống múa lân, tiếng trẻ con cười đùa vang vọng trong không gian, gợi nhắc về những cái Tết Trung thu của nhiều thế hệ người dân Thủ đô. Đối với người lớn, đây là nơi họ tìm lại chút hương vị tuổi thơ trong từng món đồ chơi xưa. Đối với trẻ em, đó là thế giới kỳ diệu, ngập tràn sắc màu và niềm vui hân hoan khi được chọn cho mình những món đồ yêu thích.

Những món đồ chơi truyền thống trên phố Hàng Mã không chỉ mang giá trị giải trí mà còn là cầu nối đưa thế hệ trẻ hôm nay trở về với những giá trị văn hóa dân tộc, giúp duy trì và phát huy những phong tục tốt đẹp của cha ông. Qua từng món đồ giản dị, người lớn tìm thấy những ký ức xưa, còn trẻ nhỏ thì cảm nhận được không khí ấm áp, vui tươi của ngày hội trăng rằm. Món đồ chơi gần gũi, thân quen trong dịp Tết Trung thu là đèn ông sao tượng trưng cho ánh sáng của tri thức và hy vọng, dẫn lối cho trẻ em hướng đến những điều tốt đẹp. Chiếc đèn năm cánh đơn giản nhưng đầy màu sắc này không chỉ là niềm vui đêm rằm mà còn gợi nhớ về những giá trị truyền thống luôn trường tồn và lan tỏa.

Một món đồ khác là đèn kéo quân mang ý nghĩa về tinh thần đoàn kết, gắn bó của gia đình và cộng đồng. Những hình ảnh sinh động xoay tròn trên đèn kể về các câu chuyện lịch sử, truyện cổ tích, giúp trẻ em tiếp cận những bài học về lòng dũng cảm, hiếu nghĩa và lòng trung thành. Những chiếc mặt nạ được làm thủ công, vẽ tay mô phỏng hình ảnh các nhân vật dân gian như chú Tễu, ông Địa, lân sư. Mặt nạ giấy không chỉ là món đồ chơi mà còn là biểu tượng của sự hồn nhiên, vô tư, giúp trẻ em hóa thân vào thế giới cổ tích, khơi dậy trí tưởng tượng phong phú. Trống bỏi, trống lắc với âm thanh vui nhộn gắn liền với không khí rộn ràng của Trung thu. Trống bỏi là món đồ chơi đơn giản mang thông điệp về sự vui tươi, phấn khởi, khích lệ tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Những món đồ chơi truyền thống khác như thuyền giấy, tàu thủy sắt tây gợi nhắc về ước mơ chinh phục, khám phá thế giới. Chúng không chỉ là trò chơi mà còn là những bài học về sự kiên trì, khả năng sáng tạo và khát vọng vươn xa.

Ông Phạm Văn Điều, 75 tuổi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, ký ức về việc cầm trong tay những chiếc đèn ông sao hay những con tò he ngộ nghĩnh, những buổi tối đi dạo cùng gia đình giữa phố Hàng Mã đông đúc, luôn là những khoảnh khắc đơn sơ mà hạnh phúc. Phố Hàng Mã với từng góc phố, từng mặt hàng, không chỉ là nơi bán đồ chơi Trung thu mà còn là một phần ký ức đẹp đẽ, một miền ký ức tuổi thơ của nhiều người Hà Nội.

Sự góp mặt các sản phẩm thủ công dân gian đầy màu sắc, những đêm trông trăng, phá cỗ đêm rằm góp phần mang đến nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nghệ nhân dân gian. Không gian văn hóa phố Hàng Mã giúp các nghệ nhân làm đồ chơi Trung thu ở Hà Nội và ở một số tỉnh, thành khác tiếp cận với thị trường sản phẩm, từ đó đổi mới, phát huy sáng tạo các sản phẩm thủ công của mình. Thông qua các đồ chơi dân gian, các nghệ nhân đã tham gia vào các sự kiện văn hóa, giúp gắn kết với cư dân địa phương và du khách. Điều này làm giúp tăng giá trị của các sản phẩm và nâng cao nhận thức cộng đồng về văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân Đặng Hương Lan, tại 73 Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội) sản xuất mặt nạ giấy bồi dân gian cung cấp ra thị trường phố Trung thu Hàng Mã.

Dưới ánh đèn lấp lánh và không khí rộn ràng của mùa Trung thu trên phố Hàng Mã, nghệ nhân Đặng Hương Lan chia sẻ: "Chúng tôi không chỉ làm đồ chơi dân gian, mà còn gửi gắm tâm huyết, tình yêu vào từng sản phẩm, mong lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống giữa dòng chảy hiện đại". Các nghệ nhân đồ chơi truyền thống đang giúp lan tỏa niềm tự hào về nghề làm đồ chơi dân gian. Họ không chỉ khéo léo giữ hồn quê đất Việt qua từng nét cắt, từng nếp gấp, mà còn truyền lửa cho thế hệ trẻ về những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Mùa Trung thu trên phố Hàng Mã còn là điểm đến để mọi người chiêm ngưỡng, lưu niệm những khung hình huyền ảo về phố cổ Hà Nội. Những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt lấp lánh của người qua lại làm cho con phố thêm phần rộn rã. Bên cạnh đó, không khí ấm cúng, sum vầy của gia đình, bạn bè khi cùng nhau dạo chơi cùng hòa quyện làm nên sức hấp dẫn của con phố trung thu. Anh Jacques, du khách đến từ thành phố Toulousen, Pháp cho biết: "Tôi đặc biệt ấn tượng với phố Trung thu Hàng Mã, không chỉ là nơi mua sắm mà còn là không gian giao lưu văn hóa đậm nét Á đông. Tôi nhận thấy đây là dịp để người dân địa phương gắn kết hơn, cùng nhau chia sẻ niềm vui, tận hưởng lễ hội. Điều này tạo nên một trải nghiệm văn hóa độc đáo và đáng nhớ".

Tiếp nối mạch nguồn Tết Trung thu trên phố cổ Hà Nội

Trải qua bao năm tháng, phố Trung thu Hàng Mã vẫn giữ được vẻ đẹp riêng, trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức của người Hà Nội mỗi mùa Trung thu về. Đó không chỉ là một con phố đồ chơi, đó còn là nét văn hóa, dòng chảy thời gian đậm chất truyền thống đó mang theo niềm tự hào và tình yêu đối với những giá trị xưa cũ mà vẫn luôn tươi mới qua từng mùa trăng. Dạo bước trên con phố cổ mùa Trung thu, ta không chỉ cảm nhận được sự náo nhiệt của một lễ hội truyền thống, mà còn thấy được sự gắn kết, sum vầy của tình thân, tình làng xóm, và cả một niềm tự hào văn hóa kéo dài suốt bao thế hệ.

Biểu diễn múa lân trên phố Hàng Mã, một sinh hoạt văn hóa gần gũi dịp Trung thu.

Tiếp nối những mạch nguồn văn hóa Tết Trung thu, những năm gần đây, từ đầu tháng 8 âm lịch cho đến rằm Trung thu, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm thường tổ chức Lễ hội Trung thu phố cổ, các hoạt động giữ nguyên phong vị truyền thống đậm đà của một lễ hội dân gian lâu đời, không gian Lễ hội trải rộng trên nhiều phố cổ Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Rươi, Phùng Hưng... Trong đó, phố Hàng Mã là tâm điểm của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Bởi vậy, đến Hà Nội vào dịp tháng 8, thưởng ngoạn không khí Trung thu tại phố Hàng Mã là một trong những trải nghiệm được du khách trong và ngoài nước rất yêu thích.

Lễ hội Trung thu phố cổ có ý nghĩa bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống trong lòng đô thị hiện đại. Sự kiện này cũng mang đến cơ hội để thế hệ trẻ tiếp xúc với văn hóa cổ truyền, tìm hiểu về những giá trị tinh thần mà ông bà, cha mẹ đã gìn giữ qua bao thế hệ. Việc duy trì Lễ hội Trung thu phố cổ cũng góp phần kích cầu du lịch, thúc đẩy kinh tế và gắn kết cộng đồng dân cư; nhất là ý nghĩa  tôn vinh, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại khu Phố cổ Hà Nội, giúp đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân và du khách./.

Bài, ảnh: N Dương

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/pho-trung-thu-hang-ma-hoi-uc-tuoi-tho-giua-long-ha-noi-675482.html

 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.