Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: 50 năm nhìn lại và tầm nhìn, định hướng phát triển mới
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản là minh chứng hết sức sinh động về những nỗ lực bền bỉ, kiên trì, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khai phá mở đường để xây dựng một hình mẫu quan hệ hết sức tốt đẹp giữa hai nước.
Ngày 18/1, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: 50 năm nhìn lại và tầm nhìn, định hướng phát triển mới” với sự tham dự của nhiều nhà khoa học Nhật Bản, đại diện JICA tại Việt Nam, các nhà quản lý, nhà khoa học của Việt Nam và hơn 300 đại biểu.
Dự và chủ trì Hội thảo có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Hội thảo khoa học quốc tế: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: 50 năm nhìn lại và tầm nhìn, định hướng phát triển mới” là sự kiện có rất nhiều ý nghĩa, nằm trong chuỗi hoạt động phong phú, sôi nổi kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, trong suốt nửa thế kỷ qua, Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu, là một trong những quốc gia tài trợ ODA lớn nhất, góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Gần đây, ngày 27/11/2023, hai nước đã ký tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới”. Việc nâng cấp quan hệ sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước, đặc biệt sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản rộng lớn và tiềm năng, đồng thời, giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản một cách thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, cùng với sự tương đồng về văn hóa, truyền thống và sự gần gũi về địa lý, cùng chung ý tưởng về tình bạn tốt, chúng ta tin tưởng rằng hai nước sẽ luôn đi cùng nhau, ủng hộ và giúp đỡ nhau cùng phát triển.
"Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản là minh chứng hết sức sinh động về những nỗ lực bền bỉ, kiên trì, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khai phá mở đường để xây dựng một hình mẫu quan hệ hết sức tốt đẹp giữa hai nước: với lợi ích ngày càng tương đồng; lĩnh vực hợp tác ngày càng toàn diện; và lòng tin chiến lược ngày càng sâu sắc", GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nói.
Hội thảo được tổ chức thông qua 02 phiên làm việc với 10 tham luận được trình bày trực tiếp và trực tuyến, cùng nhiều ý kiến phát biểu thảo luận và tọa đàm bàn tròn
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tổng kết, đánh giá sâu sắc hơn quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong hơn 50 năm qua, làm cơ sở để xây dựng tầm nhìn và định hướng phát triển của quan hệ hai nước trong giai đoạn mới trên những vấn đề chủ yếu: Tiếp tục tăng cường niềm tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh theo hướng: hai nước cần ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương và hợp tác song phương, làm đầu mối kết nối với các tổ chức quốc tế mà mỗi quốc gia là thành viên, thống nhất nhận thức và hành động trong bảo vệ Hiến chương liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của cộng đồng quốc tế, các hoạt động bảo vệ an ninh và an toàn trên biển, nhất là Biển Đông; Phát huy thật tốt những cơ hội phát triển mà việc nâng tầm hiệp định đối tác chiến lược toàn diện mang lại; đẩy mạnh thương mại, đầu tư, hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ cùng với các quá trình chuyển đổi quan trọng như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi nguồn nhân lực; Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mê kông... Tiếp tục tăng cường hợp tác đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng kỹ thuật hiện đại, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam; hỗ trợ nhau phát triển công nghệ cao thuộc thế mạnh của Nhật Bản. Tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao với các hình thức đa dạng, sâu rộng, để nhân dân hai nước ngày càng xích lại và hiểu nhau hơn; tích cực giáo dục, tuyên truyền để các thế hệ tương lai hiểu và gìn giữ tình hữu nghị bền vững của hai dân tộc và nhân dân hai nước.
Tại Hội thảo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng, yếu tố làm cho quan hệ Nhật Bản và Việt Nam gắn bó ngày càng mật thiết như hiện nay là nhờ quan hệ đặc biệt giữa hai nước, cụ thể là “sự đồng cảm và chia sẻ” kỳ lạ được hình thành từ lịch sử lâu đời và sự gắn kết về mặt văn hóa giữa hai nước. “Yếu tố Đông Bắc Á” được hình thành một cách vô thức ở mỗi nước trong suốt tiến trình lịch sử lâu đời đã sinh ra “sự đồng cảm và chia sẻ” giữa người dân Nhật Bản và Việt Nam. Những điểm tương đồng giữa hai nước dựa trên tinh thần này đã thúc đẩy sự gắn kết giữa người với người và tình cảm tốt đẹp giữa người dân hai nước. Đây chắc chắn là tài sản quý báu nhất khi nhắc đến quan hệ Nhật Bản – Việt Nam.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio phát biểu tại Hội thảo
Đại sứ Yamada Takio nhấn mạnh, quan hệ Nhật Bản – Việt Nam ngày càng gắn bó mật thiết nhanh chóng, được cho là đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay, chính là nhờ có sự gắn kết giữa người dân hai nước, đồng cảm và chia sẻ với nhau. Việc giữ gìn và làm sâu sắc hơn nữa sự gắn kết này là nền tảng vững chắc để xây dựng quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới. Xét về yếu tố lịch sử và văn hóa, giữa Nhật Bản và Việt Nam đã và đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để xây dựng và đưa quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp nhất chưa từng có. Nhật Bản và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ tốt đẹp này lên một tầm cao mới.
Có thể nói rằng bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hiện nay tác động không nhỏ đến việc nâng cao ý nghĩa chiến lược trong hợp tác Nhật Bản – Việt Nam. Một trong những điểm đến của tiến trình này chính là việc hai nước đã nâng cấp quan hệ lên quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới” trong cuộc hội đàm cấp cao Nhật Bản – Việt Nam được diễn ra nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân vào tháng 11/2023, Đại sứ bày tỏ.
Đại sứ Yamada Takio cho rằng, khi các thế hệ mai sau nhìn lại bước đường hình thành và phát triển sự gắn kết sâu sắc mang tính lịch sử, văn hóa lâu đời và giao lưu giữa nhân dân hai nước, năm 2023 – năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, sẽ được đánh giá là năm quan trọng đưa quan hệ hai nước có nhiều bước tiến mạnh mẽ vượt bậc hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới trên cương vị là các nước cùng chung vị thế.
Hội thảo khoa học quốc tế: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: 50 năm nhìn lại và tầm nhìn, định hướng phát triển mới” được tổ chức thông qua 02 phiên làm việc với 10 tham luận được trình bày trực tiếp và trực tuyến, cùng nhiều ý kiến phát biểu thảo luận và tọa đàm bàn tròn với 03 nhóm nội dung chính: Bối cảnh mới tác động đến quan hệ Việt Nam – Nhật Bản; Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh chiến lược và các cơ chế đa phương; Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế và một số lĩnh vực khác./.
Minh Châu
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/quan-he-viet-nam-nhat-ban-50-nam-nhin-lai-va-tam-nhin-dinh-huong-phat-trien-moi-658125.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Thủ tướng đề nghị Việt Nam - Dominicana tăng hợp tác trên 6 lĩnh vực ưu tiên
- Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia
- Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ tích cực của Đảng MIU vì lợi ích chung
- Thông cáo báo chí số 21, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Thủ tướng đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa đói nghèo trên toàn cầu
- Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brasil lên Đối tác chiến lược
- Mỗi người là một đại sứ, là cầu nối, vun đắp quan hệ Việt Nam - Brazil