Menu

Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia: Nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng

14/10/2024 19:29:31

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, việc xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu cần hết sức cân nhắc, nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng để quy định cho phù hợp.

Chiều 14/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu.

Phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia

Trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình 

Nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật là quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia. Thẩm tra nội dung này, Uỷ ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội (UBQPAN) cơ bản nhất trí quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia.

Có ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng Quỹ này; làm rõ về các nguồn tài chính hình thành Quỹ; quy định rõ những hoạt động được chi từ ngân sách Nhà nước, hoạt động được chi từ Quỹ bảo đảm rõ ràng, minh bạch.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát các hoạt động được ưu tiên chi từ Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia quy định tại khoản 3 Điều 29 để tránh trùng với các hoạt động được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển phục vụ công nghiệp công nghệ số tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đảm bảo công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng Quỹ

Liên quan đến quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia tại Điều 20 và Sàn giao dịch dữ liệu tại Điều 53, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, trong một chừng mực phạm vi, lĩnh vực nhất định, đặc biệt là dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo lập bằng ngân sách nhà nước, dữ liệu cần được xem là tài nguyên quan trọng quốc gia, cần được khai thác, quản lý và bảo vệ theo những cơ chế đặc thù.

Quang cảnh phiên họp 

Do đó, việc xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu cần hết sức cân nhắc, nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng để quy định cho phù hợp.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị cân nhắc quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, về nguyên tắc, vấn đề xây dựng đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia đã được nghị quyết của Chính phủ xác định rõ, theo đó về cơ bản do ngân sách nhà nước đảm bảo.

“Dự kiến, thành lập Quỹ huy động nguồn lực xã hội để góp phần đầu tư phát triển thì e rằng không hiệu quả, nếu dựa vào nguồn này mà không xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư kinh phí cũng như đảm bảo nguồn lực để đầu tư, phát triển Trung tâm dữ liệu, quản lý khai thác, sử dụng dữ liệu như dự thảo Luật”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Thanh Tùng, dự thảo Luật quy định một số nội dung chi của Quỹ trùng lặp với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.

“Về nguyên tắc, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thì nhiệm vụ chi không được trùng lặp với nhiệm vụ chi từ ngân sách. Chẳng hạn như chi hỗ trợ đào tạo nhân lực làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia thì hoàn toàn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách. Nếu quy định Quỹ cũng chi cho hoạt động này thì bị trùng lặp, không phù hợp”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho hay.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, liên quan đến Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động chuyển đổi số nói chung và việc xây dựng, phát triển dữ liệu nói chung hiện còn hạn chế. Do vậy, Quỹ này để thúc đẩy ứng dụng dữ liệu, thu hút nguồn lực xã hội cho xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia.

bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc hình thành Quỹ này là cần thiết, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Cơ quan soạn thảo sẽ rà soát, chỉnh lý quy định theo hướng rõ nguyên tắc hoạt động của Quỹ để đảm bảo không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch và hỗ trợ cho hoạt động xây dựng, triển khai, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng khẳng định, hoạt động của Quỹ không trùng lặp với các hoạt động chi của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và một số quỹ khác./.

 

 

 

 

Tú Giang

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/quy-phat-trien-du-lieu-quoc-gia-nghien-cuu-than-trong-danh-gia-tac-dong-ky-luong-680598.html

 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.