Menu

Sửa đổi Luật Đầu tư công: Thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền

29/10/2024 11:15:22

Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 29/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
 

Nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”… 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự án luật.

Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 109 Điều (sửa đổi 44 điều, trong đó có 16 điều chỉ sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không làm thay đổi nội hàm chính sách so với Luật Đầu tư công năm 2019; bổ sung 15 điều; bãi bỏ 7 điều), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn.

Trong đó, đối với nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng, những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu bao gồm cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C).

Quy định thẩm quyền của Thủ tướng giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Chủ tịch UBND cấp tỉnh được lựa chọn giao một UBND cấp huyện làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền.

Cho phép bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương.

Ở nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu bao gồm phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương (NSTW) giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ.

Phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn NSTW, các khoản vốn NSTW chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành.

Phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý.

Phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý.

Đồng thời, phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn NSTW từ Thủ tướng cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp. 

Theo đó, đối với vốn NSTW, các dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C có tổng mức đầu tư dưới 10.000 tỷ đồng thì gia hạn thời gian bố trí vốn không quá 01 năm, nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng không quá 02 năm. Ngoài thời gian trên, Thủ tướng quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn NSTW.

Phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp.

Quy định đảm bảo kiểm soát quyền lực, hạn chế lạm quyền

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra.

Về một số nội dung cụ thể, về việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án thành phần độc lập trong tổng thể dự án đối với tất cả các nhóm dự án. 

Tuy nhiên, đề nghị quy định chặt chẽ tại các điều, khoản để đảm bảo công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 2 dự án thành phần độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện dự án.

Về phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn.

Bên cạnh đó, việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án là vấn đề quan trọng của địa phương, nên Luật Đầu tư công hiện hành giao HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực, hạn chế việc lạm quyền. 

Vì vậy, đa số ý kiến đề nghị, đối với dự án nhóm A do HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, phân cấp UBND các cấp quyết định đầu tư dự án nhóm B, C. 

Bên cạnh đó, đối với cấp huyện, cần bổ sung giao cho HĐND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, phân cấp UBND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C./.

Tú Giang

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/sua-doi-luat-dau-tu-cong-the-hien-sau-sac-tinh-than-dot-pha-cai-cach-phan-cap-phan-quyen-681750.html

 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.