Sửa đổi Luật Di sản văn hoá: Quy định cụ thể, thiết thực để bảo tàng tư nhân phát triển
Các chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa còn khá “vắng bóng” chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển hệ thống bảo tàng tư nhân mà mới chỉ dừng ở mức độ chung chung, chưa rõ nội hàm khuyến khích, tạo điều kiện như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu khi thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều 27/8.
“Vắng bóng” chính sách ưu đãi, khuyến khích bảo tàng tư nhân phát triển
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo luật trình tại hội nghị này đã chú trọng hơn tới bảo tàng tư nhân nằm trong bảo tàng ngoài công lập. Tuy nhiên, bảo tàng tư nhân vẫn chưa được đề cập một cách đúng mức.
Dự thảo vẫn chủ yếu quy định về bảo tàng công lập. Những nhiệm vụ của bảo tàng hoạt động như: sưu tầm, tư liệu hóa hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng, hoạt động kiểm kê hiện vật, hoạt động bảo quản hiện vật của bảo tàng… đều chưa thực sự phù hợp với bảo tàng tư nhân, chủ yếu hướng đến bảo tàng công lập.
“Các chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa cũng còn khá “vắng bóng” chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển hệ thống bảo tàng tư nhân mà mới chỉ dừng ở mức độ chung chung, chưa rõ nội hàm khuyến khích, tạo điều kiện như thế nào” - đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, hiện nay, ở Việt Nam, bảo tàng tư nhân còn khá hiếm hoi, mặc dù đã có rất nhiều các cá nhân sưu tầm và sở hữu lượng cổ vật, di sản văn hóa có giá trị và phong phú về số lượng. Sự hiếm hoi đó do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chưa có đủ hành lang pháp lý để thành lập bảo tàng tư nhân hay thiếu cơ chế khuyến khích, ưu đãi để bảo tàng tư nhân có thể hoạt động hiệu quả hơn.
Trên thực tế bảo tàng tư nhân đã và đang có vai trò vô cùng quan trọng trong việc sưu tập, gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhấn mạnh điều này, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung những quy định riêng, cụ thể về bảo tàng ngoài công lập và bảo tàng tư nhân vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hỗ trợ sự phát triển của bảo tàng tư nhân.
Phân loại công trình trong phạm vi bảo vệ di sản
Quan tâm đến việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, các quy định liên quan đến nội dung này tại điểm a, khoản 1 và điểm a, khoản 2 của Điều 28 cần được tiếp tục hoàn chỉnh, quy định rõ và phân loại tiêu chí, quy mô, loại hình công trình sửa chữa, cải tạo trong khu vực bảo vệ di tích.
Hoặc dự thảo Luật phải xác định được tiêu chí về các thủ tục hành chính thực hiện cấp phép sửa chữa, cải tạo, xây dựng, thời gian trả lời đối với từng loại công trình trong khu vực bảo vệ di tích. Bởi khi thực hiện sửa chữa, cải tạo có những công trình nhỏ, mang tính cấp bách nhằm bảo vệ di tích như sửa chữa hệ thống tiêu thoát nước, lắp đặt các cột thu lôi hay cột phát sóng trong khu vực bảo vệ hai của các di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt rất cần được phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện để kịp thời bảo vệ di tích.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh)
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1, Điều 29 dự thảo Luật, việc chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án đầu tư, xây dựng công trình kinh tế - xã hội trong khu vực bảo vệ của di tích chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thiên nhiên thế giới.
Đối chiếu với quy định giải thích về khái niệm công trình kinh tế - xã hội tại Điều 3 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhận thấy, nếu quy định như khoản 1, Điều 29 thì có khả năng “quét” toàn bộ các công trình xây dựng. Theo đại biểu, cần nghiên cứu quy định cụ thể các công trình kinh tế - xã hội nào chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để bảo đảm Luật thực hiện được đúng và đầy đủ sau khi ban hành.
“Thực tế hiện nay nhiều công trình mất rất nhiều thời gian để triển khai. Rất nhiều cử tri và du khách bức xúc với việc như là giữa Vịnh Hạ Long không có sóng điện thoại, lúc thời tiết bão gió thì không thể nào liên lạc được với các phương tiện tàu thuyền ở trong khu vực của vịnh là do quy định để lắp được cột thu phát sóng thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ” - đại biểu cho biết.
Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cũng cần quy định rõ việc đầu tư, xây dựng công trình kinh tế - xã hội trong khu vực bảo vệ hai của di tích có ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến di tích để làm cơ sở quy định về việc lấy ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người đứng đầu cơ quan chuyên môn văn hóa cấp tỉnh. Đồng thời, bổ sung thêm quy định về các nội dung cần lấy ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người đứng đầu cơ quan văn hóa cấp tỉnh.
Cũng trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)./.
Tú Giang
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/sua-doi-luat-di-san-van-hoa-quy-dinh-cu-the-thiet-thuc-de-bao-tang-tu-nhan-phat-trien-676100.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: Khám chữa bệnh từ xa, tại nhà được thanh toán bảo hiểm y tế
- Rà soát dự thảo các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Đề nghị bổ sung quy định phòng cháy đối với chung cư cao tầng
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024
- Sửa đổi Luật Đầu tư công: Thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền
- Đảm bảo sự thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo trong quy hoạch
- Quy định về cấp, đổi lại các loại Giấy phép lái xe được cấp trước ngày 1/1/2025