Thông cáo báo chí số 20, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Thứ Tư, ngày 13/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai mươi (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Toàn cảnh phiên họp sáng 13/11/2024. Ảnh: quochoi.vn
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, tiến hành các nội dung sau:
Nội dung 1: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (trong đó, có một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 430 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 89,77% tổng số đại biểu Quốc hội), có 428 đại biểu tán thành (bằng 89,35% tổng số đại biểu Quốc hội), có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,42% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 2: Quốc hội nghe các nội dung: (i) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. (ii) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Sau đó, Quốc hội xem videoclip về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Nội dung 3: Quốc hội nghe các nội dung: (i) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. (ii) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: (i) Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. (ii) Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội. (iii) Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Buổi chiều, nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 432 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 90,19% tổng số đại biểu Quốc hội), có 432 đại biểu tán thành (bằng 90,19% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Tại phiên thảo luận đã có 17 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và 2 ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình nhằm cụ thể hóa thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cam kết quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy; tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng tâm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung sau: mục tiêu của Chương trình và sự phù hợp về tiêu chí xác định Chương trình; các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, các dự án thành phần của Chương trình; phạm vi, thời gian, địa điểm thực hiện Chương trình; quy mô và tổng mức đầu tư Chương trình, các dự án thành phần; nguồn lực thực hiện Chương trình; cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình; cơ chế quản lý, tổ chức và cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình; các giải pháp thực hiện Chương trình. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030. Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nội dung 3: Từ 16 giờ, Quốc hội họp riêng. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe các nội dung: (i) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. (ii) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Từ ngày 14/11/2024 đến hết ngày 19/11/2024, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết./.
TTXVN
Bài viết cùng chuyên mục
- Thủ tướng đề nghị Việt Nam - Dominicana tăng hợp tác trên 6 lĩnh vực ưu tiên
- Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia
- Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ tích cực của Đảng MIU vì lợi ích chung
- Thông cáo báo chí số 21, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Thủ tướng đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa đói nghèo trên toàn cầu
- Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brasil lên Đối tác chiến lược
- Mỗi người là một đại sứ, là cầu nối, vun đắp quan hệ Việt Nam - Brazil