Thu ngân sách nhà nước năm 2022 tăng 28,8% so với dự toán
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, điều hành thu, chi NSNN, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thu ngân sách tăng 28,8%, chi ngân sách bằng 86,9%, bội chi ngân sách giảm 33,7% dự toán.
Chiều 30/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe trình bày các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, căn cứ Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về dự toán NSNN năm 2023..; nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2022 được quyết định như sau:
Dự toán thu NSNN là 1.413.408 tỷ đồng; quyết toán là 1.820.310 tỷ đồng, tăng 406.902 tỷ đồng (28,8%) so với dự toán. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 19,1% GDP, riêng từ thuế và phí đạt 15,16% GDP.
Dự toán chi NSNN là 1.855.641 tỷ đồng; quyết toán là 1.750.790 tỷ đồng, giảm 104.851 tỷ đồng (5,7%) so với dự toán; trong đó quyết toán chi NSTW là 651.408 tỷ đồng, bằng 86,7% so với dự toán; quyết toán chi NSĐP là 1.099.382 tỷ đồng, bằng 99,6% so với dự toán.
Phiên họp của Quốc hội chiều ngày 30/5. Ảnh: QH.
Về bội chi NSNN, dự toán là 442.233 tỷ đồng, trong đó: dự toán bội chi theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 là 372.900 tỷ đồng, bằng 4% GDP; quyết toán là 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07% GDP thực hiện, giảm 148.920 tỷ đồng (33,7%) so với dự toán. Về tổng mức vay của NSNN, dự toán là 642.019 tỷ đồng; quyết toán là 488.406 tỷ đồng, giảm 153.613 tỷ đồng (23,9%) so với dự toán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thẳng thắn chỉ rõ vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức triển khai thực hiện dẫn đến hiệu quả chưa cao; Công tác triển khai chính sách, pháp luật, dự toán NSNN có nơi, có lúc còn hạn chế, bất cập. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ NSNN. Ngoài ra, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân đầu tư công chậm; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm; một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập, xét duyệt, gửi quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời gian quy định;…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trên cơ sở các nội dung báo cáo, Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.713.787 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối NSNN là 2.897.466 tỷ đồng; Bội chi NSNN 293.313 tỷ đồng;…
Trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ: Theo Báo cáo của Chính phủ, dự toán thu NSNN năm 2022 là 1.413.408 tỷ đồng; quyết toán 1.820.310 tỷ đồng, tăng 406.902 tỷ đồng (tăng 28,8%) so với dự toán. Ủy ban TCNS thống nhất và đánh giá cao kết quả tăng thu NSNN năm 2022.
Về dự toán chi NSNN năm 2022 là 1.855.641 tỷ đồng, quyết toán 1.750.790 tỷ đồng, bằng 94,3% dự toán, thấp hơn dự toán 104.851 tỷ đồng. Đa số ý kiến Ủy ban TCNS cho rằng, số quyết toán chi NSNN năm 2022 nêu trên giảm khá nhiều so với dự toán và giảm lớn so với số Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Điều này cho thấy cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về công tác lập dự toán chi NSNN, tổ chức triển khai thực hiện, chấp hành dự toán và theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện chi NSNN chưa sát sau thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN. Việc lập dự toán chi NSNN, tổ chức thực hiện chưa tốt, đánh giá tình hình thực hiện chi NSNN không sát, gây lãng phí nguồn lực, phải vay, trả nợ lãi để bù đắp bội chi nhưng không có khả năng thực hiện, phải hủy dự toán… và ảnh hưởng đến việc xây dựng dự toán NSNN năm 2024 và các năm sau.../.
Vy Anh
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/thu-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2022-tang-28-8-so-voi-du-toan-666090.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Thông cáo báo chí số 24, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Thủ tướng đề nghị Việt Nam - Dominicana tăng hợp tác trên 6 lĩnh vực ưu tiên
- Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia
- Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ tích cực của Đảng MIU vì lợi ích chung
- Thông cáo báo chí số 21, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Thủ tướng đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa đói nghèo trên toàn cầu
- Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brasil lên Đối tác chiến lược