Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ ba Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội XIV của Đảng
Phiên họp nhằm rà soát các công việc của Tiểu ban, xác định các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và cho ý kiến với dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, trước khi báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến để trình Hội nghị Trung ương lần thứ 10, khóa XIII.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu Ban Kinh tế - xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, chủ trì phiên họp thứ ba của Tiểu ban
Chiều 23/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu Ban Kinh tế - xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, chủ trì phiên họp thứ ba của Tiểu ban. Tham dự phiên họp có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các địa phương là thành viên Tiểu ban; Thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban.
Phiên họp nhằm rà soát các công việc của Tiểu ban, xác định các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và cho ý kiến với dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026 -2030, trước khi báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến để trình Hội nghị Trung ương lần thứ 10, khóa XIII.
Sau Phiên họp thứ hai, Tiểu ban đã chủ động, tích cực, nỗ lực triển khai và hoàn thành nhiều nội dung công tác bảo đảm tiến độ, chất lượng. Trong đó, đã trình Hội nghị Trung ương 9 thông qua Đề cương chi tiết của Báo cáo kinh tế - xã hội; xây dựng Dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội; nghiên cứu, đối chiếu, cập nhật nội dung của Dự thảo Báo cáo Chính trị theo nguyên tắc Báo cáo Chính trị là báo cáo trung tâm, Báo cáo kinh tế - xã hội là báo cáo chuyên đề; rà soát nội dung theo chỉ đạo của Trung ương và nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện ngày 14/8/2024.
Tiểu Ban đã tổ chức các đoàn công tác khảo sát, làm việc với 4 vùng: Trung du miền núi phía bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên; nghiên cứu các báo cáo, đề xuất, kiến nghị có giá trị từ thực tiễn của các địa phương qua các buổi làm việc tại các vùng và các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu của một số bộ, ngành về các lĩnh vực quan trọng, then chốt.
Ngày 21/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Tiểu ban với Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban. Tại cuộc họp này, các thành viên Thường trực Tiểu ban đã có nhiều ý kiến đóng góp và đã được tiếp thu, cập nhật vào dự thảo Báo cáo để trình Phiên họp toàn thể của Tiểu ban.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu Ban Kinh tế - xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng phát biểu mở đầu phiên họp
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban cho biết, sau Phiên họp thứ hai, Tiểu ban đã chủ động, tích cực, nỗ lực triển khai và hoàn thành nhiều nội dung công tác bảo đảm tiến độ, chất lượng. Trong đó, đã trình Hội nghị Trung ương 9 thông qua Đề cương chi tiết của Báo cáo kinh tế - xã hội; xây dựng Dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội; nghiên cứu, đối chiếu, cập nhật nội dung của Dự thảo Báo cáo Chính trị theo nguyên tắc Báo cáo Chính trị là báo cáo trung tâm, Báo cáo kinh tế - xã hội là báo cáo chuyên đề.
Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban kinh tế - xã hội thường xuyên trao đổi nhằm đảm bảo tính thống nhất, cập nhật giữa hai báo cáo. Tiểu Ban đã tổ chức các đoàn khảo sát, làm việc ở các vùng: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên…..
Cùng với nghiên cứu các báo cáo, đề xuất, kiến nghị có giá trị từ thực tiễn của các địa phương ở các Vùng và các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu một số bộ, ngành về các lĩnh vực quan trọng, then chốt, Tổ Biên tập cập nhật xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026 -2030.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại Phiên họp này, các thành viên Tiểu ban tập trung thảo luận, góp ý vào dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026 -2030. Trong đó, phân tích đánh giá bối cảnh quốc tế, khu vực, cập nhật các diễn biến mới, bất thường của tình hình thế giới ảnh hưởng đến nước ta, đặc biệt là đại dịch COVID-19, cạnh tranh chiến lược, xung đột… Trong khi đó, nước ta cũng có những khó khăn, thách thức nội tại và phải xử lý các vấn đề phát sinh, cũng như nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài.
Cùng với đó là đánh giá quá trình quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành, các quyết sách nhằm xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, phòng chống đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, đối ngoại và hội nhập quốc tế; nhất là kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược; xây dựng quy hoạch; phát triển các vùng kinh tế - xã hội…
Thủ tướng chỉ rõ, phải nêu được kết quả các mục tiêu tổng quát, so sánh với với khu vực và quốc tế; khẳng định nhận định của Đại hội lần thứ XIII của Đảng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín, vị thế quốc tế như ngày nay”. Qua đó cho thấy, Việt Nam đã đi theo, tiến cùng và vượt lên trong nhóm những nước đang phát triển, tham gia cùng các nước có trình độ phát triển trong một số lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các thành viên Tiểu ban phân tích, nêu rõ hạn chế, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội; nguyên nhân chủ quan, khách quan của cả kết quả và hạn chế, bài học kinh nghiệm. Cùng với đó, các thành viên Tiểu ban đề xuất bổ sung quan điểm, mục tiêu chủ yếu, nội hàm mới phù hợp với bối cảnh, tình hình, nhất là giải pháp đột phá để đạt mục tiêu cơ bản, có tính chất chiến lược, phấn đấu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tại Phiên họp, các thành viên Tiểu ban đã rà soát các công việc, kết quả hoạt động của Tiểu ban
Tại Phiên họp, các thành viên Tiểu ban đã rà soát các công việc, kết quả hoạt động của Tiểu ban; đồng thời tập trung góp ý đối với dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026 - 2030, trước khi báo cáo Bộ Chính trị và trình Hội nghị Trung ương lần thứ 10, khóa XIII.
Trong đó, các thành viên Tiểu ban phân tích bối cảnh tình hình; đánh giá kết quả đạt được, nhất là các điểm nhấn của nhiệm kỳ; những khó khăn, hạn chế; nguyên nhân của cả kết quả và hạn chế; các bài học kinh nghiệm. Đặc biệt, các đại biểu đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với bối cảnh tình hình mới, nhất là giải pháp mang tính đột phá để nước ta đạt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tạo nền tảng để đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao…
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban hoan nghênh, đánh giá cao Tổ Biên tập đã chủ động, nỗ lực để xây dựng dự thảo Báo cáo, cơ bản đảm chất lượng, tiến độ; ghi nhận các kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, toàn diện của các thành viên Tiểu ban; yêu cầu Thường trực Tổ Biên tập khẩn trương tiếp thu ý kiến đóng góp của Tiểu ban và tập trung hoàn thiện dự thảo Tờ trình, Báo cáo để gửi Văn phòng Trung ương.
Đối với dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026 - 2030, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, dự thảo Báo cáo đã bám sát Đề cương được Trung ương thông qua, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các văn kiện của Đảng, đặc biệt là nhất quán với Báo cáo Chính trị về những tư tưởng, quan điểm lớn, nội dung trọng tâm.
Dự thảo Báo cáo mang tầm tư tưởng chỉ đạo lớn, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra; có cái nhìn toàn diện, khách quan, thẳng thắn, cầu thị, đổi mới sáng tạo, có đột phá, giải pháp mới đúng, trúng, khả thi, phù hợp với xu thế, dòng chảy của thời đại, phát huy tối đa nguồn lực đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn sắp tới.
Đặc biệt, Báo cáo đã phải bám sát và nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đây và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện ngày 14/8/2024.
Theo Thủ tướng, dự thảo Báo cáo đã đánh giá được tình hình trong tổng thể, xu thế chung phát triển của đất nước cũng như dòng chảy thế giới; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu được những nét mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai và kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức mới vượt dự báo; xác định nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình thời gian tới. Trên cơ sở đó đề ra các định hướng, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận Phiên họp
Trong đó, dự thảo Báo cáo nêu được trong bối cảnh khó khăn phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nước ta đã đạt được cơ bản những mục đề ra: ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát…
Để hoàn thiện thêm dự thảo Báo cáo trình Bộ Chính trị và Trung ương, Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc xây dựng Báo cáo cần phải phân tích kỹ hơn về bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực, với những biến đổi nhanh, phức tạp, khó lường; ở trong nước nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động kép” của những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài…
Nội dung đánh giá kết quả đạt được cần bổ sung các thông tin, số liệu để minh chứng rõ nét một số kết quả nổi bật, nhất là trong kiểm soát thành công COVID-19; nhanh chóng chuyển trạng thái, đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường; đảm an sinh xã hội; lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng nguồn lực gần 350 nghìn tỷ đồng; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...
Báo cáo phải nêu được kết quả xuất siêu liên tiếp, thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới; bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt trong giới hạn cho phép; tiết kiệm được 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách cải cách tiền lương; môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện; thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng.
Nội dung cần nêu kết quả nổi bật trong việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi như AI, chip bán dẫn...; kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược; thúc đẩy cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06… Đặc biệt, tập trung xử lý, tháo gỡ nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài; hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án điện lớn, quan trọng…
Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, lao động, môi trường đạt nhiều thành tựu. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Công tác dân tộc, tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc được chú trọng. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Đối ngoại, hội nhập quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, ổn định, bền vững trên tất cả lĩnh vực; vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng cao…
Báo cáo thể hiện những kết quả nêu trên, góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta trong gần bốn thập kỷ đổi mới; nước ta từ làm theo đến tiến cùng và vượt lên so với các nước đang phát triển có cùng điều kiện, tham gia tích cực vào các xu hướng lớn trên thế giới; khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới, hội nhập và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Báo cáo phải đánh giá đúng về tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để xác định nguyên nhân chủ yếu, đúc rút các bài học kinh nghiệm để phát triển bứt phá trong giai đoạn tới; yêu cầu tiếp tục làm rõ hơn, bổ sung, phát triển nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phân tích kỹ, thuyết phục về mục tiêu, cơ sở để đạt mục tiêu, các kịch bản, nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, thể hiện mục tiêu vừa có tính khả thi vừa có tính phấn đấu để tất cả cùng nỗ lực đạt được.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Báo cáo phải thể hiện được nội dung: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng Chính phủ liêm chính, vì nhân dân phục vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Quán triệt quan điểm “lấy phát triển đột phá để ổn định và lấy ổn định để thúc đẩy quá trình đổi mới”, Thủ tướng yêu cầu dự thảo Báo cáo cần nêu bật nhiệm vụ phải thực hiện đột phá mạnh mẽ hơn nữa về thể chế theo hướng thông thoáng, về hạ tầng theo hướng thông suốt, về quản trị quốc gia theo hướng thông minh.
Báo cáo cần đề xuất đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới; cơ chế phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; xây dựng được các tập đoàn kinh tế dân tộc mạnh; phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội; thực hiện chính sách an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, tổng thể, hội nhập, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; đảm đảm quốc phòng - an ninh và thúc đẩy đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Giao Tổ Biên tập nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Tiểu ban, khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Báo cáo để gửi Văn phòng Trung ương theo đúng tiến độ đề ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, thời gian đến khi diễn ra Hội nghị Trung ương 10 còn rất ngắn, Tổ Biên cần tập phát huy hơn nữa tinh thần tích cực, chủ động; khẩn trương triển khai công việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, xây dựng báo cáo đạt chất lượng tốt nhất./.
Mạnh Hùng
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/thu-tuong-chu-tri-phien-hop-thu-ba-tieu-ban-kinh-te-xa-hoi-dai-hoi-xiv-cua-dang-675817.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Thông cáo báo chí số 24, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Thủ tướng đề nghị Việt Nam - Dominicana tăng hợp tác trên 6 lĩnh vực ưu tiên
- Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia
- Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ tích cực của Đảng MIU vì lợi ích chung
- Thông cáo báo chí số 21, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Thủ tướng đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa đói nghèo trên toàn cầu
- Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brasil lên Đối tác chiến lược