Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ
Chiều 31/7, tại New Delhi, trong chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ và dự khánh thành trụ sở Đại sứ quán tại đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ.
Báo cáo về tình hình người Việt Nam và hoạt động của Đại sứ quán, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải cho biết, cộng đồng người Việt tại Ấn Độ tuy không đông, khoảng 500 người, song luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, đời sống cơ bản ổn định. Đại sứ quán thường xuyên tổ chức các hoạt động cùng bà con tăng cường đoàn kết, giữ gìn văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam, hướng về Tổ quốc. Mới đây, Đại hội Hội người Việt Nam tại Ấn Độ nhiệm kỳ 2024-2027 đã được tổ chức thành công tốt đẹp.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải cho biết, cộng đồng người Việt tại Ấn Độ tuy không đông, khoảng 500 người, song luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, đời sống cơ bản ổn định.
Đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ bày tỏ vui mừng và tự hào trước những thành tựu to lớn của đất nước, bước phát triển vượt bậc trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thời gian qua; khẳng định tự hào là người Việt Nam, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và tương lai tươi đẹp của đất nước.
Bà con xúc động trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều chính sách tạo điều kiện cho kiều bào gắn bó, đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước. Bà con cũng vui mừng khi có nhiều ngôi chùa Việt Nam đã được xây dựng tại Ấn Độ, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh cho người Việt Nam xa Tổ quốc.
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chuyển tới bà con lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã cử quan chức cấp cao sang dự lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Quốc hội Ấn Độ đã dành thời gian tưởng niệm Tổng Bí thư - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta. Điều này thể hiện tình cảm của những người bạn thân thiết dành cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và đất nước Việt Nam, cũng như truyền thống hữu nghị quý báu giữa hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ.
Chia sẻ với bà con những nét lớn về tình hình đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều đau khổ, mất mát nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp mặt.
Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Nhờ đó, sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; đã ký 16 FTA với hơn 60 nước. Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD. Nền kinh tế duy trì xu hướng quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2024, kinh tế quý II/2024 tăng trưởng 6,93%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn nỗ lực, đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ vào những thành tựu của đất nước thời gian qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng nhận thấy cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng tại Ấn Độ ngày càng phát triển, luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau, nhất là những lúc khó khăn, hoạn nạn, được phía Ấn Độ ghi nhận có đóng góp tích cực cho xã hội sở tại.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ban hành các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi nhất cho bà con làm việc, sinh sống, học tập và đóng góp cho đất nước, như các chính sách về đất đai, nhà ở, visa…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong chuyến thăm này, ông và các nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ thảo luận, đề ra phương hướng đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có việc tạo thuận lợi cho bà con sinh sống, học tập, làm việc.
Thủ tướng đề nghị cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, truyền thống "con Lạc cháu Hồng", luôn tự hào là người Việt Nam, hướng về quê hương, tiếp tục đóng góp cho đất nước, cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Ghi nhận, biểu dương những kết quả hoạt động của Đại sứ quán, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Đại sứ quán tiếp tục quan tâm tới bà con bằng những cử chỉ, hành động cụ thể, thiết thực, không hình thức, "coi công việc của bà con như việc nhà mình, coi bà con như người thân ruột thịt của mình; làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân, phát huy vai trò là cầu nối giữa hai nước, làm tốt công tác dự báo, tham mưu, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh".
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận các đề xuất của bà con và cho biết sẽ giao các cơ quan có liên quan để xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đồng thời trao đổi với phía Ấn Độ để nghiên cứu hướng xử lý phù hợp nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác dự lễ khánh thành trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ ở thủ đô New Delhi.
* Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã dự lễ khánh thành trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ ở thủ đô New Delhi.
Công trình tọa lạc trên mảnh đất có vị trí đẹp, diện tích rộng gần 3.500 m2, gồm hai hạng mục Trụ sở làm việc và Nhà ở cho cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, với tổng số diện tích sàn gần 6.000 m2 kể cả tầng hầm. Công trình cùng với hệ thống trang thiết bị, kỹ thuật, công nghệ đi cùng là một phần hỗ trợ quan trọng trong việc xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trải qua thời gian dài chiến tranh giành độc lập dân tộc, xuất phát điểm của Việt Nam thấp. Nhưng đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới. Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước được thiết lập trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Có thành quả đó, có một phần đóng góp của ngành Ngoại giao, trong đó có cán bộ, nhân viên các Đại sứ quán.
Cho biết Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng và chăm lo cho công tác ngoại giao, cả về năng lực, trí tuệ và cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chế độ cho cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương nỗ lực các bộ, ngành, đơn vị của Việt Nam và cảm ơn sự giúp đỡ của bạn bè Ấn Độ để công trình trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đi vào hoạt động, phục vụ công tác.
Với trụ sở làm việc khang trang, Thủ tướng tin tưởng, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán có thêm động lực, cảm hứng để làm việc hiệu quả hơn, góp phần tăng cường Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, cũng như đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
PV
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/thu-tuong-gap-go-cong-dong-nguoi-viet-nam-tai-an-do-673897.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Thông cáo báo chí số 24, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Thủ tướng đề nghị Việt Nam - Dominicana tăng hợp tác trên 6 lĩnh vực ưu tiên
- Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia
- Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ tích cực của Đảng MIU vì lợi ích chung
- Thông cáo báo chí số 21, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Thủ tướng đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa đói nghèo trên toàn cầu
- Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brasil lên Đối tác chiến lược