Menu

Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo phát triển nông nghiệp xanh, bền vững của tỉnh Ninh Bình

30/09/2024 12:11:42

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, với tiềm năng phát triển nông nghiệp xanh và bền vững tỉnh Ninh Bình có thể khai thác thông qua các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, áp dụng công nghệ, giúp quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đặc sản địa phương.​

Ngày 29/9, tại Ninh Bình, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo khoa học: “Khởi tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) hội nhập quốc tế tại Ninh Bình - Vấn đề và giải pháp”.

Phát triển mô hình "xanh" dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, cùng với cả nước, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần của Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" tỉnh đã tích cực triển khai nhiều Chương trình, chính sách để hỗ trợ cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TL

Bước đầu, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh cơ bản đã được hình thành và có bước phát triển. Nhiều doanh nghiệp mới đã được thành lập, nhiều dự án khởi nghiệp có nội dung đổi mới sáng tạo, có ứng dụng khoa học và công nghệ, khai thác tài sản trí tuệ, các mô hình kinh doanh mới đã được hình thành và phát triển, nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã được hình thành để đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, cũng còn tồn tại một số hạn chế như: Tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo lớn mạnh, môi trường khởi nghiệp chưa thực sự sôi động, các cơ sở vật chất và dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh vẫn còn mới trong giai đoạn bắt đầu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp vẫn còn khó khăn và hạn chế, đặc biệt hội nhập quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa được quan tâm đúng mức…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “…thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Ninh Bình đã xác định, lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột gồm: Lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn; Lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy một số ngành công nghiệp công nghệ cao; Lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; Lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.

“Để góp phần quan trọng phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục duy trì tốc độ phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; tỉnh Ninh Bình xác định phải đẩy mạnh hơn nữa công cuộc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không ngừng ứng dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ vào đời sống kinh tế - xã hội. Hội thảo khoa học “Khởi tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại Ninh Bình - Vấn đề và giải pháp” là một sự kiện thể hiện sự quyết tâm đó”, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho hay.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình mong muốn, thông qua sự kiện này, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, cộng đồng khởi nghiệp có thể trao đổi, chia sẻ những tư duy mới, tầm nhìn mới về xu hướng, giải pháp công nghệ mới, những sản phẩm của tương lai. “Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm/dịch vụ khoa học công nghệ và sản phẩm chủ lực, kết nối sản phẩm đến người tiêu dùng, nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp... cũng như hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ của tỉnh”.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về ĐMST, KNST

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhấn mạnh: Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia hiệu quả, liên kết chặt chẽ giữa các thành phần đang là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách. Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo lập hơn 3.800 doanh nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ, đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TL

Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển năng động, hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái; văn hóa, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo lan tỏa mạnh mẽ, khát vọng vươn lên. Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và gần 20 Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo của các địa phương; 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang trở thành các tổ chức dẫn dắt, kết nối nguồn lực. Năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tăng 2 bậc, vươn lên vị trí thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink.

Theo Thứ trưởng, quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Ninh Bình đã xác định, lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột. Đây chính là những điểm tựa quan trọng để Ninh Bình đẩy mạnh đổi mới sáng tạo (ĐMST), khởi nghiệp sáng tạo (KNST) gắn với đặc thù của địa phương trong các lĩnh vực chủ chốt nhưa: Tận dụng lợi thế về văn hóa và di sản để phát triển các dự án khởi nghiệp du lịch xanh, du lịch cộng đồng, và các sản phẩm thủ công truyền thống kết hợp công nghệ hiện đại, hướng tới thị trường quốc tế; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý di sản và phát triển kinh tế để biến Ninh Bình trở thành địa phương tiên phong trong bảo tồn và khai thác giá trị di sản, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp KNST trong lĩnh vực này…

Bên cạnh đó, với vai trò là trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô đang phát triển mạnh, tỉnh cũng có tiềm năng thúc đẩy các hoạt động ĐMST trong lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô thông minh, ứng dụng công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI). Đồng thời, tiềm năng phát triển nông nghiệp xanh và bền vững của Ninh Bình có thể được khai thác thông qua các mô hình KNST áp dụng công nghệ IoT, AI, blockchain, giúp quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đặc sản địa phương.

 Thứ trưởng Hoàng Minh thông tin, hiện nay Bộ KH&CN đang xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2025). Trong đó sẽ thống nhất, đồng bộ hóa, luật hoá các vấn đề lớn, có tính cơ bản như chính sách sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, mô hình quỹ quốc gia về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; chính sách ưu đãi về thuế, sử dụng tài sản công...

Thứ trưởng đề nghị tỉnh Ninh Bình và các địa phương đồng hành, phối hợp xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, góp phần tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sôi động, bền vững, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực, đột phá chiến lược nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế./.

Bích Liên

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/thuc-day-khoi-nghiep-sang-tao-phat-trien-nong-nghiep-xanh-ben-vung-cua-tinh-ninh-binh-679192.html

 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.