Menu

Thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời: Đừng để người dân mòn mỏi “cõng”

03/04/2024 13:31:29

Tại buổi Họp báo thường kỳ chiều 29/3 diễn ra tại Bộ Tài chính, Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí Trương Bá Tuấn thông tin, do biến động CPI chưa đến 20% cũng như chờ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính hiện chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Thuế thu nhập cá nhân đang bộc lộ nhiều hạn chế.  

Sau ý kiến này, dư luận xôn xao và nhiều người đang nộp thuế tỏ rõ sự thất vọng vì một số quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong đó có mức giảm trừ gia cảnh đã rất lỗi thời và lạc hậu so với thực tế cuộc sống trước mắt sẽ chưa có thay đổi. Và nhiều người lao động phải xác định tiếp tục “còng lưng” cõng thuế TNCN không phù hợp.

Từ năm 2009, khi Luật Thuế TNCN có hiệu lực, mức giảm trừ gia cảnh ban đầu khi áp dụng luật đối với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng. Năm 2012 nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng; đến năm 2020 nâng lên 11 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh căn cứ vào sửa luật hoặc khi chỉ số giá tiêu dùng biến động 20%.

Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế TNCN quy định khi CPI biến động trên 20% so với lúc luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Qua theo dõi từ năm 2020 đến nay, CPI chưa biến động đến mức 20%. Ngoài ra, năm 2025 sẽ sửa đổi tổng thể Luật Thuế TNCN. Lúc đó sẽ sửa tổng thể các nội dung gồm thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế, mức giảm trừ gia cảnh...

Trước đó ngày 18/3/2023, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) về phản ánh cử tri cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho cá nhân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc khi tính thu nhập chịu thuế được áp dụng từ ngày 1/7/2020 đến nay không còn phù hợp trong bối cảnh chỉ số lạm phát tăng nhanh. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhất trí với vấn đề đại biểu Bảo Trân nêu, cũng như báo chí đã đề cập nhiều khi giá cả ngày một tăng cao. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn phải thực hành theo quy định của pháp luật về thuế TNCN. Muốn thay đổi được mức giảm trừ gia cảnh phải sửa Luật Thuế TNCN, mà trong chương trình là trong năm 2025.

Đề cập đến nội dung này, một số chuyên gia cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện đang áp dụng đã quá lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai nêu quan điểm, mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng đã duy trì từ tháng 7/2020. Mức này không còn phù hợp so với biến động liên tục mặt bằng giá chung, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế. Theo bà Mai, hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, khoảng 20-30% từ sau dịch COVID-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên, trong khi thu nhập không tăng, thậm chí giảm. Tại các khu đô thị, nhiều người dân phải thuê nhà trọ, khi tiền điện, tiền nước và giá cả hàng hóa đều tăng, thì áp lực lên đời sống là quá lớn, lại cáng thêm thuế TNCN thì sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, gia đình có con em đi học cũng phải gánh thêm nhiều chi phí…

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính thì cho rằng, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chỉ thực hiện khi lạm phát thay đổi 20% là quá cứng nhắc. Không nên điều hành thuế theo lạm phát vì theo mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên. Người làm chính sách thuế cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người lao động sáng tạo.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là quá thấp và không phù hợp với thực tế. Hơn chục năm qua, giá cả sinh hoạt, đặc biệt tại các thành phố lớn, người dân có thể dễ dàng cảm nhận được giá cả phải tăng gấp đôi. Trong khi đó, mức thu nhập nộp thuế chỉ tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng, tương đương 20%. Mức tăng không tương xứng với CPI, dù CPI chưa phản ánh hết giá cả của nền kinh tế.

Chưa hết, ông Phạm Thế Anh còn phân tích thêm, nếu như một gia đình tại thành phố cho con học trường tư thì mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng này không thể đủ, trong khi hệ thống trường công không đủ. Những người phải nộp thuế TNCN mà con học trường tư rất thiệt thòi vì không được hưởng giáo dục miễn phí từ các cấp học phổ thông trong khi khoản chi phí cho con học trường công đó cũng không được giảm trừ khi tính thuế…

Một số ý kiến khác cũng chỉ ra, cách tính mức giảm trừ gia cảnh chỉ căn cứ vào biến động CPI là chưa đủ mà còn phải tính theo xu hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện nay nhiều chính sách thuế biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Chẳng hạn Thuế TNCN hiện hành với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, việc phân chia bậc lũy tiến hay mức giảm trừ gia cảnh không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, của giá cả, của lạm phát. Có nội dung lạc hậu cả chục năm và đây là những bất cập rất lớn.

Vì vậy, nếu Luật Thuế TNCN phải chờ thêm nữa thì rất nhiều người dân sẽ phải chịu cảnh thu nhập không đủ các nhu cầu thiết yếu, thậm chí thu nhập thấp mà vẫn phải đóng thuế. Điều này không những ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn giảm đi ý nghĩa của các chính sách thuế. Bởi thuế TNCN được coi là công cụ giúp điều tiết kinh tế vĩ mô, góp phần tăng phúc lợi xã hội thông qua việc giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những người thu nhập thấp hơn.

Thực tế trong 10 năm qua cho thấy, tính từ khi áp dụng Luật Thuế TNCN (sửa đổi năm 2012), lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch COVID-19 nên không tăng), từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được một lần vào giữa năm 2020. Khi thay đổi thuế TNCN, cần phải đề cập và tính toán luôn các khoản giảm trừ làm cơ sở tính khoản thu nhập chịu thuế của người lao động.

Một vấn đề khác còn bất cập cũng được nhiều người đề cập. Đó là Thuế TNCN đang áp dụng gồm 7 bậc lũy tiến từ 5% đến 35%, áp dụng từ 2007 đến nay là chưa đảm bảo phù hợp với thực tế. Mặc dù là nước có thu nhập trung bình thấp nhưng nếu nhìn vào biểu thuế này, các mức thuế suất của Việt Nam cao như những nước có thu nhập cao, thậm chí cao hơn… Mặt khác, khi giảm bớt số bậc thuế sẽ giúp kê khai, thu nộp và quản lý thuế dễ dàng hơn…

Từ thực tế nêu trên, nhiều người đề nghị, các cơ quan chức năng cần cân nhắc thêm những yếu tố khác như mức tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỉ lệ lạm phát hằng năm..., để sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp...,  Bởi những quy định về thuế chỉ phát huy được hiệu quả và giá trị khi động viên, khuyến khích được các nguồn thu. Nếu thu nhập không phù hợp với các mức thuế tương tự thì chính sách thuế sẽ thành gánh nặng, kéo lùi đời sống Nhân dân.

Thiết nghĩ, từ những phân tích nêu trên, việc đề ra các phương án xét tăng mức giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế TNCN thời gian tới và các bậc lũy tiến của các bậc thuế cần được nhanh chóng triển khai mềm dẻo, linh hoạt trong xây dựng chính sách mà vẫn đúng với các quy định hiện hành. Việc sửa đổi cũng phải quyết liệt, nhanh chóng khi không còn phù hợp, để các chính sách thuế phù hợp, động viên người nộp thuế tăng cường sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.

 

Trung Anh

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/noi-hay-dung/thue-thu-nhap-ca-nhan-da-loi-thoi-dung-de-nguoi-dan-mon-moi-cong-662320.html

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.