Menu

Tỉnh Ninh Bình tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng

24/03/2024 19:28:41

Ngày 24/3, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã long trọng diễn ra lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng (924 - 2024).

Lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng (924 - 2024).

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng nhân dân ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công lao to lớn của vua Đinh Tiên Hoàng; ý nghĩa sự ra đời, vị trí và vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt - thời Nhà Đinh trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Tham gia lễ kỷ niệm, người dân và du khách thập phương đã được hòa mình vào các nghi lễ quan trọng, phần hội với nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ rước kiệu của các địa phương trong và ngoài huyện; hội thi Lễ vật dâng vua; thi mâm ngũ quả tiến vua; trưng bày thư pháp, thi cắm hoa, cờ người, thi diều sáo...

Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Gia Viễn cho biết: Phát huy truyền thống của các bậc tiền nhân, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Viễn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Kinh tế của huyện tăng trưởng mạnh, giai đoạn 2015 - 2020 trung bình đạt 29,16%/năm, cao hơn so với toàn tỉnh. Nhiều dự án lớn về công nghiệp ô tô, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp hoạt động hiệu quả, tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng là dịp để tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, công lao to lớn của vua Đinh Tiên Hoàng - vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời kỳ Bắc thuộc kéo dài, người đã lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt, mở ra kỷ nguyên độc lập, gắn liền với thiết chế nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc cũng như vai trò, giá trị lịch sử, văn hóa của Nhà nước Đại Cồ Việt. Do đó lễ kỷ niệm không chỉ có ý nghĩa đối với huyện Gia Viễn mà còn đối với tỉnh Ninh Bình và cả nước. 

“Lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh của Đinh Tiên Hoàng Đế là dịp để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của ngài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc.

Ngoài ra, đây cũng là dịp để địa phương quảng bá tiềm năng thế mạnh về kinh tế - xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, danh lam thắng cảnh nổi tiếng về đất và người Gia Viễn - vùng đất "sinh vương sinh thánh (gồm: vua Đinh Tiên Hoàng và thánh Nguyễn Minh Không)" - Chủ tịch tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.

Tại lễ kỷ niệm, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và lãnh đạo huyện Gia Viễn cùng nhân dân đã dâng hương tưởng nhớ vị vua khai sinh ra Nhà nước Đại Cồ Việt tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn.

Một tiết mục nghệ thuật tái hiện cảnh vua Đinh Tiên Hoàng lập nước Đại Cồ Việt.

 

Vua Đinh Tiên Hoàng tên thật là Đinh Bộ Lĩnh (sinh ngày 15/2/924), quê ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

Năm 944, Ngô Vương Quyền mất, triều Ngô lục đục, bất lực. Một số quan, tướng nổi dậy cát cứ xưng hùng xưng bá, đất nước loạn lạc, sử cũ gọi là loạn 12 sứ quân. Lúc này, Đinh Bộ Lĩnh dấy cờ khởi nghĩa, nuôi ý chí dẹp loạn, thu giang sơn về một mối, thiết lập triều đình. Việc thu non sông về một mối thành công vào cuối năm 967. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta, đóng đô ở Hoa Lư (nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình).

Ngay sau khi thành lập nước, vua Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, xây dựng cung điện, thiết chế triều nghi, thực hiện chế độ quân sự "ngụ binh ư nông". Chia nước Đại Cồ Việt thành 10 đạo, cử người tài giỏi đức độ cai quản. Nhà vua thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, tập trung phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng một nền văn hóa đặc sắc, thuần Việt, có đồng tiền riêng bằng đồng có tên Thái Bình Hưng Bảo.

Tin, ảnh: Trần Chiến

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tinh-ninh-binh-to-chuc-ky-niem-1100-nam-ngay-sinh-vua-dinh-tien-hoang-661832.html

 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.