Triển khai Chương trình hành động quốc gia giải quyết vấn đề rác thải nhựa
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tập trung vào thúc đẩy đối thoại chính sách, đổi mới sáng tạo, các cơ hội đầu tư, khơi dòng tài chính đối với những giải pháp thiết thực nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BL
Ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) tại Việt Nam.
NPAP tại Việt Nam được chủ trì bởi UNDP tại Việt Nam, chương trình là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được thiết lập dựa trên hợp tác chính thức giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cho phép thực hiện hợp tác giữa Chính phủ và các đối tác quan trọng khác để chuyển những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thành hành động.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Năm 2024 đánh dấu quá trình 4 năm triển khai NPAP tại Việt Nam với các hoạt động sôi nổi, tích cực. Thông qua các trụ cột chiến lược, NPAP tập trung vào thúc đẩy đối thoại chính sách, đổi mới sáng tạo, các cơ hội đầu tư, khơi dòng tài chính đối với những giải pháp thiết thực nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam trong thời gian qua.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, NPAP tại Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thực tiễn, gắn liền với hiện trạng và sự cần thiết tại các vùng, các khu vực là điểm nóng về rác thải nhựa; thúc đẩy phổ biến chính sách và truyền thông thay đổi nhận thức và hành động của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác khu vực để chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hành động nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa xuyên biên giới.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BL
Để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, theo TS Nguyễn Mỹ Hằng, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Việt Nam cần thực hiện đánh giá tổng thể về thực trạng ô nhiễm nhựa nói chung và ô nhiễm nhựa đại dương ở Việt Nam nói riêng. Nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng các mô hình đô thị giảm nhựa. Tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn tài chính, phát triển nhựa thân thiện với môi trường, nhựa thay thế, tái chế,...
Tại hội thảo đã thông báo quyết định kiện toàn Nhóm công tác NPAP theo Quyết định số 1922/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 12-7-2024. Quyết định kiện toàn này thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy kết nối giữa các thành viên, mở rộng phạm vi tác động và tăng cường vai trò chủ quản của cơ quan Chính phủ. Nhóm công tác gồm 33 đại diện từ các bộ, ngành, đối tác phát triển, doanh nghiệp, tổ chức và viện nghiên cứu sẽ chung tay hợp tác để thực hiện lộ trình quốc gia về giảm thiểu chất thải nhựa cũng như thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn./.
Bích Liên
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/trien-khai-chuong-trinh-hanh-dong-quoc-gia-giai-quyet-van-de-rac-thai-nhua-678012.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Đề xuất giải pháp quản lý thu gom, xử lý chất thải rắn để bảo vệ môi trường
- Những quan điểm mới về vụ việc sân Golf Đồi Cù
- Xử phạt vi phạm tại sân Golf Đồi Cù – Đà lạt (Lâm Đồng): Tháo dỡ hay tháo gỡ?
- Còn lúng túng, bất cập trong phân loại rác thải tại nguồn
- Hà Nội: Dự án vườn sinh thái thành nơi nuôi bò
- Dự án chống sạt lở khẩn cấp tại huyện Quan Hóa - Dấu hiệu “lãng phí” trong đầu tư công ?
- Việt Nam đặt kế hoạch đến năm 2030 mục tiêu sẽ giảm 75% rác thải nhựa đại dương