Menu

Việt Nam tăng 2 bậc xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024

27/09/2024 08:13:30

Với vị trí xếp hạng 44/133 quốc gia và nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023, Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 và là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp.

 Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024. Nguồn: Bộ KH&CN

Thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chiều tối ngày 26/9 (giờ Việt Nam), tại Thụy Sĩ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2024 - GII) năm 2024. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia và nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện.

Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới

Theo Báo cáo GII 2024, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo (ĐMST) - tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53 (đầu vào ĐMST gồm 5 trụ cột: Thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường); đầu ra ĐMST tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36 (đầu ra ĐMST gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo).

Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 39. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là: Trung Quốc (xếp hạng 11), Malaysia (xếp hạng 33), Thổ Nhĩ Kỳ (xếp hạng 37), Bulgari (xếp hạng 38), và Thái Lan (xếp hạng 41). Còn lại tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các nước có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam). Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST. Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột 2 về nguồn nhân lực và nghiên cứu.

Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại). Đây là lần đầu tiên chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới.

 Thứ hạng của các quốc gia khu vực ASEAN 2017-2024. Ảnh: Bộ KH&CN

Có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới cũng được WIPO đánh giá là điểm mạnh của Việt Nam gồm: Tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 3); Số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (xếp hạng 7) và phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải/tổng chi nghiên cứu và phát triển (xếp hạng 9).

Về cơ sở hạ tầng (Trụ cột 3), Việt Nam xếp hạng 56, tăng 14 bậc từ vị trí 70 năm 2023. Kết quả này đạt được do WIPO thay đổi phương pháp. Theo đó, WIPO đã bỏ chỉ số chất lượng môi trường và sử dụng chỉ số mới là tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng phát thải các-bon thấp (Việt Nam đạt 26,8%, xếp hạng 46). Hai chỉ số về năng lượng khác ở trụ cột này cũng có cải thiện tích cực là chỉ số sản lượng điện, GWh/triệu dân tăng 5 bậc, từ 75 năm 2023 lên 70 và chỉ số GDP/đơn vị năng lượng sử dụng tăng 4 bậc, từ 72 lên 68.

Về trình độ phát triển của thị trường (Trụ cột 4), Việt Nam xếp hạng 43, tăng 6 bậc từ hạng 49 năm 2023. Trong trụ cột 4, chỉ số cải thiện tích cực nhất là số thương vụ các nhà đầu tư mạo hiểm đã thực hiện/PPP$GDP với mức tăng 10 bậc so với năm 2023, hiện xếp hạng 50. Chỉ số tín dụng nội địa cho khu vực tư nhân, % GDP tăng 6 bậc, lên vị trí 15, chỉ số này được WIPO coi là một trong những điểm mạnh của Việt Nam. Ngoài ra, có hai chỉ số cải thiện 3 bậc là giá trị vốn hóa các công ty niêm yết (% GDP) từ vị trí 36 lên 33 và số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm/tỉ PPP$GDP tiếp tục có xu hướng tăng, từ 54 năm 2021 lên 48 năm 2022, xếp 47 năm 2023, năm 2024 tiếp tục tăng 3 bậc lên vị trí 44.

Tiến bộ về xếp hạng chỉ số GII của Việt Nam 2017 - 2024. Ảnh: Bộ KH&CN

Về trình độ phát triển của thị trường (Trụ cột 5), Việt Nam xếp hạng 46, tăng 3 bậc so với năm 2023. Trong đó điểm mạnh nhất vẫn là chỉ số nhập khẩu công nghệ cao (% tổng giao dịch thương mại), tăng 3 bậc, trở về vị trí dẫn đầu thế giới (hạng 01). Chỉ số trả tiền bản quyền, % tổng giao dịch thương mại tăng 5 bậc, từ thứ hạng 85 năm 2023 lên 80. Ngoài ra, các chỉ số trong nhóm chỉ số về liên kết sáng tạo đều có sự cải thiện tích cực, đóng góp vào sự tăng hạng của nhóm chỉ số này từ hạng 43 năm 2023 tăng 2 bậc lên 41.

Về đầu ra sản phẩm tri thức và công nghệ (Trụ cột 6), Việt Nam xếp hạng 44, tăng 4 bậc so với năm 2023. Trong đó, hai chỉ số tiếp tục là điểm mạnh của Việt Nam gồm: chỉ số xuất khẩu công nghệ cao (% tổng giao dịch thương mại) đã đứng đầu thế giới sau khi xếp hạng 3 năm 2023; chỉ số tốc độ tăng năng suất lao động (GDP/người lao động) xếp hạng 3, tăng 01 bậc so với năm 2023.

Về đầu ra ĐMST, sản phẩm sáng tạo (Trụ cột 7), Việt Nam tăng 2 bậc, từ thứ hạng 36 năm 2023 lên 34. Trong đó, nhóm chỉ số sản phẩm và dịch vụ sáng tạo là điểm sáng khi thứ hạng tăng mạnh 11 bậc, từ hạng 29 năm 2023 lên 18. Sự cải thiện này chủ yếu nhờ chỉ số xuất khẩu sản phẩm sáng tạo (% tổng giao dịch thương mại) lần đầu tiên đứng đầu thế giới, tăng 6 bậc, từ vị trí 7 năm 2023 lên vị trí dẫn đầu. Ngoài ra, chỉ số xuất khẩu dịch vụ văn hóa và sáng tạo dù thứ hạng còn thấp nhưng đã tăng 6 bậc từ hạng 87 năm 2023 lên 81.

Đổi mới sáng tạo là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, những kết quả này có được là nhờ những chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức KH&CN, các tổ chức hỗ trợ ĐMST và cộng đồng doanh nghiệp trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang có sự phục hồi tương đối sau tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh và ĐMST, thể hiện rất rõ về tỉ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp chiếm phần lớn trong tổng chi nghiên cứu và phát triển, tăng cường liên kết viện - trường - doanh nghiệp, liên kết cụm.

Theo Bộ trưởng, để duy trì và tiếp tục cải thiện thứ hạng GII một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào của ĐMST, trong đó, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số hiện còn chưa tốt. Đặc biệt, cần có các đột phá trong cơ chế, chính sách, tạo động lực cho phát triển KH,CN&ĐMST và ứng dụng kết quả KH,CN&ĐMST vào sản xuất để phát triển KH,CN&ĐMST thực sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của doanh nghiệp về tiếp thu, làm chủ và từng bước tham gia tạo ra công nghệ. Tăng cường nhập khẩu và năng lực tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới; ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, có tiềm năng đóng góp lan tỏa, liên kết với doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, trong đó quan tâm đến các khởi nghiệp sáng tạo có tác động tích cực đến môi trường và xã hội.

Bộ trưởng cho rằng, các bộ, ngành, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 02/NQ-CP hằng năm và theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần xác định và triển khai những giải pháp căn cơ, đồng bộ, dài hạn nhằm cải thiện các chỉ số GII có thứ hạng thấp trong nhiều năm liền; đồng thời có giải pháp hiệu quả, nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu dữ liệu, dữ liệu không cập nhật để kết quả đánh giá sát thực hơn. Các địa phương cần tích cực có các giải pháp cải thiện chỉ số PII qua đó góp phần cải thiện chỉ số GII.

GII là một bộ công cụ đánh giá năng lực ĐMST quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình.

Thời gian qua, Chính phủ đã sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lý điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương cùng có trách nhiệm cải thiện chỉ số. Trong đó, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 44 năm 2024. 

Bích Liên

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/viet-nam-tang-2-bac-xep-hang-chi-so-doi-moi-sang-tao-toan-cau-nam-2024-678997.html

 
 
 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

TRÀ VIỆT - VĂN HOÁ VÀ DI SẢN: Vinh danh doanh nhân, doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững ngành trà Việt Nam

Mạng lưới phát triển doanh nhân văn hoá sáng tạo Việt Nam - ASEAN (thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội) phối hợp cùng Cộng đồng Yêu trà Việt chính thức công bố chương trình: Vinh danh...