Menu

Xác thực truy xuất nguồn gốc - 'thuốc đặc trị' chống hàng giả

08/07/2025 16:58:38

Khi nền kinh tế số đang trở thành một trong những trụ cột phát triển của đất nước, thì yêu cầu về tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: VGP/HM

Ngày 8/7, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, Bộ Công an tổ chức Hội thảo "Xác thực truy xuất nguồn gốc - Động lực phát triển bền vững của kinh tế số Việt Nam".

Hội thảo được tổ chức nhằm hưởng ứng nhiệm vụ triển khai các chính sách quốc gia về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời cụ thể hóa các định hướng trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản pháp luật liên quan đến chuyển đổi số, logistics, nông nghiệp, thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu.

Hội thảo cũng hướng tới mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và tổ chức công nghệ trong việc phát triển các giải pháp truy xuất nguồn gốc, góp phần hình thành nền tảng dữ liệu và công nghệ phục vụ thương mại số, y tế, nông nghiệp, logistics và các chuỗi cung ứng thông minh, an toàn…

Vì sao hàng giả vẫn "sống"?

Tại hội thảo, Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia (C12), Bộ Công an, cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trên cả nước đã xử lý hơn 40.000 vụ buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, với tổng giá trị xử phạt lên tới 6.500 tỷ đồng.

Trong đó, nổi cộm là tình trạng hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Theo Đại tá Phạm Minh Tiến, một số bất cập đang xảy ra ở nước ta. Đó là chưa có sự thống nhất mã định danh trên toàn quốc; dữ liệu phân tán theo các bộ ngành, lĩnh vực chưa tập trung; việc truy xuất nguồn gốc hiện nay có thực hiện nhưng mới chỉ là hình thức, chưa thể hiện được chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu, sản xuất đến người tiêu dùng; chưa kiểm soát hiệu quả hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử; người tiêu dùng chưa có một công cụ cụ thể để xác thực.

Đại tá Phạm Minh Tiến phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/HM

Bên cạnh đó, nguyên nhân còn được chỉ ra từ phía cơ quan chức năng là xử lý còn thủ công, bị động, chưa có kiểm soát chặt chẽ; doanh nghiệp không bắt buộc phải tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hoá; thiếu liên thông giữa truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng hàng hoá; không có cơ sở dữ liệu tập trung để đánh giá và kiểm soát hàng hoá.

Đối với lĩnh vực quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhấn mạnh, hàng giả là vấn nạn nhức nhối trong thời gian dài. Trước đây, các cơ quan quản lý toàn phát hiện hàng giả toàn bằng mắt thường nên việc xử phạt các đơn vị, cửa hàng bán hàng giả không dễ dàng.

Lấy ví dụ từ một cửa hàng bán túi xách giả những thương hiệu lớn, uy tín, ông Trần Hữu Linh cho biết, rõ ràng nhìn bằng mắt thường, ai cũng biết đó là túi giả (hàng nhái) nhưng chủ cửa hàng khăng khăng cho rằng, dựa vào đâu mà khẳng định đó là hàng giả. Khi đó, cơ quan chức năng sẽ hỏi về giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ…

Tuy nhiên, có một thực tế rằng, để chứng minh được hàng giả thì cần phải có xác nhận của chủ hãng túi xách thương hiệu lớn đó thì mới khẳng định là hàng giả và khi đó, các cơ quan chức năng mới được phép xử phạt cửa hàng bán túi giả. Thậm chí, trong 24 giờ, cơ quan chức năng phải đưa ra kết luận chứng minh là hàng giả, nếu không sẽ phải trả lại hàng.

"Đây là những bất cập trong việc xử phạt hàng giả, hàng nhái thời gian qua, đó cũng là lý do những vụ việc này vẫn xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đã bắt đầu sử dụng công nghệ để hỗ trợ phát hiện hàng giả. Các công cụ này vừa hỗ trợ người dân xác định hàng giả, vừa giúp cơ quan quản lý thực thi trách nhiệm của mình", đại diện Bộ Công Thương chia sẻ.

Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh việc phải truy xuất để xác thực nguồn gốc hàng hoá và truy xuất để quản lý hàng hóa - Ảnh: VGP/HM

Cần bắt buộc xác thực nguồn gốc hàng hoá?

Từ thực tế này, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh việc phải truy xuất để xác thực nguồn gốc hàng hoá và truy xuất để quản lý hàng hóa. Đặc biệt, công việc này phải là điều kiện bắt buộc vì nếu không bắt buộc thì việc này rất khó thực hiện.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về dữ liệu, Đại tá Phạm Minh Tiến cũng cho rằng, việc triển khai các nền tảng truy xuất nguồn gốc hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến như blockchain, sẽ là giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn thị trường và tăng cường tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Điều đáng ghi nhận là những nền tảng này được phát triển từ chính các doanh nghiệp, kỹ sư công nghệ người Việt, phù hợp với đặc thù thị trường trong nước và ngày càng được hoàn thiện theo hướng chuẩn hóa, tích hợp với hạ tầng dữ liệu quốc gia.

Đặc biệt, khi Việt Nam đẩy mạnh giao thương quốc tế và xuất khẩu, việc chứng minh được nguồn gốc, chất lượng, quy trình sản xuất sản phẩm thông qua hệ thống truy xuất sẽ giúp các đối tác quốc tế yên tâm, đồng thời tăng cường năng lực giám sát thị trường trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính.

Theo ông Nguyễn Huy, việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc cần bắt buộc - Ảnh: VGP/HM

"Hộ chiếu số" cho hàng hoá

Ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia, Bộ KH&CN cũng cho biết, hiện nay các loại hình hàng giả chủ yếu được chia làm 3 nhóm. Đó là giả thương hiệu, giả chất lượng và giả xuất xứ.

Riêng trong năm 2024, các cơ quan quản lý đã xử lý 47.000 vụ. Các vụ điển hình như vụ thuốc giả ở TPHCM, sữa giả ở Hà Nội, thiết bị điện tử giả ở Hà Nội, mỹ phẩm giả ở Ngệ An… Những vụ này đã và đang ảnh hưởng đến việc sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam và ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia.

Hiện nay, các nước trên thế giới như Mỹ, Canada và châu Âu cũng đang thực hiện việc truy xuất nguồn gốc được mã hóa định danh trên toàn chuỗi sản xuất, đến khâu xuất khẩu, rất hiệu quả.

Chính vì vậy, ông Chính cho rằng, giải pháp sử dụng mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm là rất quan trọng. Đây cũng chính là cách để định danh sản phẩm, kê khai một cách minh bạch với sự giám sát của toàn dân. Đồng thời, nó cũng được ví như "hộ chiếu số" cho sản phẩm, hướng đến thị trường quốc tế, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu hàng hóa, nâng tầm quốc gia.

Và để truy xuất nguồn gốc hàng hoá, ông Bùi Bá Chính nhấn mạnh, chúng ta cần kết nối dữ liệu của các bộ ngành và địa phương trên toàn tuyến.

Đến nay, Việt Nam đã công bố 35 tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các tiêu chuẩn này cần được áp dụng và đi sâu vào chuỗi cung ứng sản phẩm.

Đề xuất xác thực nguồn gốc sản phẩm ở cấp quốc gia

Là doanh nghiệp hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm nhập khẩu ủy thác, phân phối thuốc - thực phẩm chức năng và hệ thống nhà thuốc bán lẻ, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ của Eco Pharma cũng chia sẻ, công ty đã đưa ra các giải pháp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm như mã QR. Tuy nhiên, hàng giả như "ma trận" nên buộc công ty phải đưa ra nhiều biện pháp khác.

Song, những giải pháp xác thực hiện nay chủ yếu do doanh nghiệp tự mày mò hoặc từ các công ty công nghệ nhưng chưa được cơ quan nhà nước kiểm chứng. Các nền tảng hiện nay còn phân mảnh, chưa liên thông nên doanh nghiệp phải đầu tư nhiều, gây tốn chi phí vận hành. Các doanh nghiệp cũng chưa liên thông dữ liệu và kết nối với dữ liệu quốc gia…

Vì vậy, ông Hoàng Tuấn Anh đề xuất, cần xác thực truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở cấp quốc gia và khách hàng có thể xác thực ngay từ điểm bán sản phẩm.

Ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia khẳng định, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm không phải là vấn đề mới, nhưng gần đây trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Thực tế, đúng là đã có những quy định, đã có những tổ chức, doanh nghiệp triển khai việc này nhưng còn rất manh mún, rời rạc và hiện chưa có một cơ chế xuyên suốt thống nhất toàn quốc. Hiện nay, từng doanh nghiệp đều có những giải pháp riêng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn đã có công nghệ, có hệ thống cho sản phẩm và xác thực sản phẩm, nhưng lại chưa dựa trên tiêu chuẩn đồng nhất trên cả nước cũng như liên thông quốc tế. Đặc biệt, bộ tiêu chuẩn đó không được xác thực bởi cơ quan nhà nước, mà đơn giản chỉ là kết nối trong nội bộ của từng doanh nghiệp.

"Trong bối cảnh cả nước thực hiện chuyển đổi số, số hóa nền kinh tế, việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện từ trên xuống dưới, có sự quản lý đồng bộ từ Trung ương tới địa phương và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Có như vậy mới định danh, xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được", ông Huy nhấn mạnh.

Hiền Minh

(theo baochinhphu.vn)

Nguồn: https://baochinhphu.vn/xac-thuc-truy-xuat-nguon-goc-thuoc-dac-tri-chong-hang-gia-102250708142334263.htm

Bài viết cùng chuyên mục

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Cứ 5 giây thế giới lại có một người chết vì tiểu đường, các nhà khoa học đang tìm cách ngăn chặn điều đó, bằng một phương pháp hứa hẹn chữa trị tận gốc căn bệnh này.

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Idea & Startup Make in Vietnam tham gia Lễ hội khởi nghiệp Ấn Độ

Từ ngày 3 đến 5/4/2025, Ấn Độ tổ chức Lễ hội khởi nghiệp - Startup Mahakumbh tại New delhi. Đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác...