Xây dựng hình ảnh du lịch Huế xanh, thân thiện môi trường
Quần thể Di tích Cố đô Huế, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách với nhiều sản phẩm, tour tuyến du lịch xanh và thân thiện môi trường, nhiều hoạt động và giải pháp về giao thông, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, túi nilon…
Từ năm 2023 đến nay, dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (do WWF tài trợ) đã tổ chức lắp đặt 9 trạm nhà chờ tiếp nước phục vụ cộng đồng và du khách tại các di tích tham quan, điểm đến du lịch ở thành phố Huế, trong đó có 5 điểm tại các di tích như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Đồng Khánh, chùa Thiên Mụ.
Du khách đạp xe tham quan tại di tích lăng Gia Long. (Ảnh: BM)
Theo bà Hoàng Ngọc Tường Vân, cán bộ quản lý dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”: “Sau khi triển khai trạm chờ tiếp nước ở các di tích tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, chúng tôi nhận thấy rằng đây là hoạt động bền vững, phù hợp với nhu cầu của du khách và cộng đồng. Khách du lịch có thể mang theo bình đựng cá nhân để lấy nước tại trạm chờ tiếp nước, hoặc có thể sử dụng nước uống trực tiếp tại vòi. Qua đó, hạn chế việc dùng nước chai nhựa sử dụng một lần, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Thời gian qua, việc triển khai trạm chờ tiếp nước ở các di tích Huế đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực và xây dựng hình ảnh du lịch Huế xanh, thân thiện môi trường”.
Từ tháng 4/2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng với đối tác là Công ty TNHH Việt PM và Công ty Gbike (Hàn Quốc) đã đưa vào vận hành và khai thác dịch vụ xe đạp điện trợ lực GCOO tại quần thể di tích lăng Gia Long để phục vụ du lịch. Với hiệu quả từ dịch vụ này ở lăng Gia Long, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục triển khai xe điện GCOO tại khu di sản Hoàng cung Huế từ tháng 7.2024 và đã đón nhận được những hiệu quả tích cực. Theo ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: “UNESCO đã có khuyến nghị đối với các khu di sản là phải hạn chế tối đa tác động bất lợi như tiếng ồn, độ rung, khói bụi đến khu di sản. Thế nên, việc triển khai tuyến du lịch xanh, cùng với hoạt động giảm nhựa sẽ là hành động cụ thể của đơn vị thực hiện cam kết đối với UNESCO. Đồng thời, xây dựng hình ảnh và quảng bá điểm đến di tích Huế thân thiện, xanh, sạch đến du khách trong nước và quốc tế”.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 2,1 triệu lượt khách đến tham quan các điểm di tích Huế, trong đó khách quốc tế là khoảng 855.000 lượt, nguồn thu từ bán vé tham quan đạt hơn 318 tỉ đồng.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 2,1 triệu lượt khách đến tham quan các điểm di tích Huế, trong đó khách quốc tế là khoảng 855.000 lượt, nguồn thu từ bán vé tham quan đạt hơn 318 tỉ đồng. Cùng với việc khai thác các sản phẩm văn hóa du lịch bằng công nghệ, tour du lịch xanh, trải nghiệm xe điện tại các điểm tham quan khu di sản Huế đã và đang hướng đến sự phát triển xanh và bền vững theo xu hướng chung của thế giới và Việt Nam.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã làm việc với Công ty TNHH Việt PM để lên kế hoạch triển khai vận hành rộng rãi xe đạp điện trợ lực phục vụ cộng đồng và du khách trên địa bàn TP Huế. Dự kiến, sẽ bổ sung thêm 260 chiếc xe điện GCOO, tập trung nhiều ở các điểm đến tham quan di tích và các khu vực xung quanh Hoàng thành Huế như: Ngọ Môn, Thượng Thành, Eo Bầu Nam Xương, Eo Bầu Nam Thắng, đường Đoàn Thị Điểm, đường Lê Huân, đường Đặng Thái Thân… Đặc biệt, việc vận hành xe đạp này sẽ góp phần phát triển du lịch ở khu vực Thượng Thành hiện đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế chỉnh trang, xây dựng sản phẩm du lịch.
Trạm cấp nước miễn phí tại lăng Gia Long. (Ảnh: BM)
Nhiều năm qua, với định hướng xây dựng điểm đến xanh - sạch - sáng, tại các điểm tham quan thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế đã triển khai các giải pháp về bảo vệ môi trường như: Các điểm bán hàng lưu niệm nói không với túi nilon và sử dụng túi giấy để đựng quà, hàng cho du khách; các điểm kinh doanh dịch vụ, giải khát hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần; bố trí các thùng rác thân thiện tại các điểm tham quan để tập kết, phân loại rác theo quy định… Cùng với đó, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ và đồng hành triển khai những hoạt động góp phần hạn chế rác thải nhựa, giữ gìn không gian xanh tại các điểm di tích Huế./.
Hoàng Oanh
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/xay-dung-hinh-anh-du-lich-hue-xanh-than-thien-moi-truong-682691.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm "Tôi vẽ Hà Nội"
- Lễ hội Putaleng năm 2024 - “Về miền đỗ quyên” huyện Tam Đường
- Lễ Cấp sắc của người Dao Đỏ giữa đại ngàn Sapa
- Căm Mường - Hành trình về nguồn cội và tín ngưỡng của người Lự
- Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” khơi dậy dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc
- Lan tỏa vẻ đẹp của trang phục Việt cổ
- Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2024