Menu

Xem xét những định hướng phát triển Hà Nội thông qua quy hoạch

24/02/2024 11:44:36

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có quy mô, phạm vi nghiên cứu rất rộng, với tính chất bao quát hầu hết các lĩnh vực, được tích hợp từ nhiều phương án đề xuất của các ngành, lĩnh vực và địa bàn.

Chiều 23/2, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cùng các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh là đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ và các chuyên gia là ủy viên phản biện.

Tham dự phiên họp, về phía lãnh đạo thành phố Hà Nội có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND Thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã của Thành phố Hà Nội.

Các đại biểu tham dự phiên họp 

Phát biểu tại Phiên họp, đồng chí Nguyễn Chí Dũng thông tin, quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, hiện nay đã có 21 quy hoạch cấp quốc gia và 08 quy hoạch tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã được phê duyệt; quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng mà Thủ đô Hà Nội là một trong các cực tăng trưởng của vùng đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng thông qua, đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3/2024.

Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, Thành phố Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 bộ, cơ quan Trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập quy hoạch. Bên cạnh đó, Quy hoạch Thủ đô cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý quý báu tại Hội thảo tham vấn ý kiến được tổ chức vào ngày 09/01/2024.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Muốn phát triển vững mạnh, Thành phố Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước.

6 điểm mới, đột phá mạnh mẽ trong quy hoạch Thủ đô

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh 

Thông tin thêm về quy hoạch, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển thời gian qua, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.

Thứ nhất, quy hoạch đề xuất mục tiêu phát triển thành phố là Thủ đô văn hiến – văn minh - hiện đại, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước và nhân loại; là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đi đầu về giáo dục - đào tạo theo chuẩn quốc tế; hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại; đời sống an sinh được bảo đảm toàn diện; có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực. Quy hoạch cũng đưa ra 06 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông, xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ thành phố và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm.

Thứ hai, quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: (i) Văn hóa và di sản; (ii) Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; (iii) Hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; (iv) Xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; (v) Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và 04 khâu đột phá chiến lược bao gồm: (i) Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; (ii) Phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ; đặc biệt là đường sắt đô thị; (iii) Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; (iv) Phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.

Với các trụ cột phát triển và khâu đột phá chiến lược trên, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đề xuất phát triển theo hướng thông minh và kinh tế số; chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm cơ sở dữ liệu lớn, hoạt động xã hội được vận hành và quản lý trên nền tảng số, điều hành thông minh.

Thứ ba, quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các loại giống cây con có vai trò dẫn dắt phát triển nông nghiệp các tỉnh phía Bắc; phát triển dịch vụ và kinh tế đô thị là trụ cột kinh tế với việc phát triển các trung tâm thương mại phức hợp cung cấp các dịch vụ tổng hợp, không gian ngầm là nơi kinh doanh, buôn bán tổng hợp thay cho các hoạt động buôn bán trên vỉa hè, đường phố; phát triển các ngành, lĩnh vực khác (y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao; lao động, việc làm, an sinh xã hội; khoa học và công nghệ; an ninh, quốc phòng, đối ngoại) đảm bảo cân đối, hài hòa.

Hồ Hoàn Kiếm - một trong các địa danh lịch sử gắn với thủ đô 

Thứ tư, quy hoạch tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 05 trục động lực trong đó trục sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng với định hướng hình thành không gian văn hóa, lễ hội, thể thao, phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế ban đêm và các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc người cao tuổi dọc hai bên sông. Khai thác có hiệu quả 05 tuyến hành lang và vành đai kinh tế Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan toả nội vùng và liên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển, khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN kết nối với Trung Quốc. Tổ chức hài hòa, khai thác hợp lý 05 không gian phát triển và phát triển mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại, sáng tạo với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô bao gồm 01 đô thị trung tâm và 04 thành phố thuộc Thủ đô. Phát triển hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ thuộc khu vực nông thôn; phát triển các khu chức năng và kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng thông minh, hiện đại.

Thứ năm, quy hoạch đề cập phát triển hạ tầng giao thông kết nối 04 phương thức vận tải bao gồm hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng. Tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị đủ khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân và kết nối trung tâm Thủ đô với các trung tâm đô thị trong vùng Thủ đô. Mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài ở mức giới hạn hiệu quả; xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô để mở rộng không gian phát triển khu vực phía Nam.

Thứ sáu, quy hoạch cũng đề nghị phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc sắc của Thủ đô gắn với phục dựng các di tích lịch sử, di sản văn hóa kết hợp truyền thống với ứng dụng công nghệ để tái hiện lịch sử trong không gian thực tế ảo và hình thành không gian văn hóa sông Hồng với con đường di sản bai bên sông để tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước.

Có thể thấy, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, xác định rõ đây là việc mới, việc khó nhưng đây cũng là cơ hội lớn để tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới của đất nước, vùng và địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 Để Hà Nội trở thành cực tăng trưởng của cả nước nhanh, bền vững

Với khẩu hiệu “Mơ xa, nghĩ lớn; khát vọng vươn lên; tầm nhìn chiến lược; giải pháp thông minh; hành động quyết liệt; kết quả thực chất, phục vụ nhân dân”, cấp ủy và chính quyền thủ đô quyết tâm cao hoàn thiện bản quy hoạch thật hiệu quả góp phần định hướng phát triển thủ đô tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước.

Đồng quan điểm này, TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để Hà Nội trở thành cực tăng trưởng của cả nước nhanh, bền vững cần xác định rõ Hà Nội đứng ở đâu và nằm ở vị trí nào trong danh sách chung của cả nước, từ đó, có hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế gia tăng mức tăng trưởng theo hướng tăng công nghiệp và dịch vụ trong đó có du lịch.

Trong khi đó, TS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải khuyến nghị cần làm rõ khâu đòi hỏi cấp bách của thủ đô để TP thực sự trở thành “điểm đến, yêu và đáng sống” với một cảnh quan đô thị môi trường đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Cũng ủng hộ việc khắc phục vấn đề môi trường, cảnh quan, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Tổng cục Du lịch đề xuất Hà Nội cần làm tốt và quảng bá hiệu quả hơn thế mạnh về di tích lịch sử đông đảo và đặc biệt mà không địa phương nào theo kịp, thậm chí nhiều di sản văn hóa thế giới để phát triển du lịch đồng thời quy hoạch nguồn xả thải hiệu quả, góp phần vào mục tiêu “net-zero” mà Chính phủ cam kết triển khai.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Tiếp thu giải trình các ý kiến của thành viên, ủy viên Hội đồng thẩm định, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bày tỏ cảm ơn trước nhiều gợi ý thiết thực sát sao với quy hoạch thủ đô cũng như gợi mở một số định hướng cho Thành phố phát triển với tầm nhìn mới, tạo ra giá trị và cơ hội mới. Quy hoạch Thủ đô đã có những cách làm mới, sáng tạo và xác định rõ các nội dung trọng yếu nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận còn một số điểm cần rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện tốt nhất.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia của các thành viên, ủy viên Hội đồng thẩm định và các đại biểu tham dự phiên họp, cơ quan lập quy hoạch sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm báo cáo xin ý kiến của Quốc hội và trình phê duyệt theo quy định. Kết quả cụ thể, 31/31 thành viên hội đồng đồng ý thông qua hồ sơ quy hoạch thủ đô trình thẩm định; 30/30 thành viên hội đồng đồng ý thông qua báo cáo ĐMC quy hoạch thủ đô và 30/30 thành viên hội đồng đồng ý thông qua dự thảo báo cáo thẩm định quy hoạch thủ đô.

Theo đó, quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030./.

Tin, ảnh: Lê Anh

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/xem-xet-nhung-dinh-huong-phat-trien-ha-noi-thong-qua-quy-hoach-659993.html

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.