Menu

KHI NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ

03/03/2020 11:33:19

Đang nằm ngủ trưa, ông Ba nghe tiếng bà thu mua đồng nát rao the thé  ngoài ngõ: “Giày cũ, giày kép, ba ly bạc, cặp sách, nilon rách, xăm lốp xe đạp bán đê!”. Ông bực mình chửi tục: Mẹ kiếp, con mụ bán đồng nát hôm nào cũng làm bố mất ngủ, ngày mai còn rao nữa, bố cho biết tay.

Ông Ba vốn là bộ đội chống Mỹ năm 1969 ở mặt trận Đông Nam Bộ. Năm 1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ông bị một mảnh đạn bắn xuyên chân trái, được xếp thương binh loại A, mất sức 4/4, tỷ lệ thương tật 22%. Vợ mất sớm do mắc một căn bệnh hiểm nghèo khi ông vẫn còn trong quân ngũ. Ngày trở về cha mẹ ông đã khuất núi, căn nhà để lại do chú em trai trông giữ, nay đón người anh trai thương binh trở về trong buồn tủi. Cám cảnh trước tình trạng ông anh thương tật, lương trợ cấp không đủ chi phí cho ăn ở sinh hoạt, bà Mai, vợ ông Tư luôn cằn nhằn:

-  Nhà đã khó khăn, giờ thêm miệng ăn không hiểu nay mai cuộc sống sẽ như thế nào đây?

Thấy vợ hay kêu ca, ông Tư gằn giọng:

- Bà có im miệng đi không, tôi cũng đang nát cả ruột gan lên đây.

Hiểu tính chồng, bà Mai im bặt, đi thẳng ra khu chuồng lợn, vừa đi vừa than thở: Rõ khổ cái thân tôi!

Lại nói chuyện ông Ba, từ ngày trở về sống cảnh đìu hiu cùng vợ chồng người em trai, nhiều lúc ông thấy quẫn trí bởi ngày hai buổi chẳng có việc gì làm, hết nằm rồi lại ngồi hút thuốc lào vặt. Thỉnh thoảng, có ông bạn bên xóm trên đến thăm, hai người đánh với nhau vài ván cờ tướng, nói dăm ba câu chuyện tào lao rồi ai lại về nhà nấy.

(Ảnh minh họa: Internet)

Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như hôm đó không xảy ra một sự việc trớ trêu. Hôm trước, chú Tư vào Bình Dương thăm vợ chồng cậu con trai thứ hai xây nhà. Ở nhà chỉ còn ông với cô em dâu, hai thằng con trai con  đang học cấp ba trên huyện, không ở nhà. Buổi trưa hôm đó, đang thiu thiu ngủ trong buồng, bỗng giọng bà đồng nát lại rao lanh lảnh: “Giày cũ, giày kép, ba ly bạc, cặp sách nilon rách, xăm lốp xe đạp bán đê!”...

Bực mình vì lại bị quấy rầy, ông chạy ra ngoài sân chửi toáng lên:

- Con mẹ chết dẫm kia, có đi chỗ khác rao cho ông ngủ không?

Bà bán đồng nát cũng không vừa, đốp chát lại:

- Tôi có mồm tôi nói, ông cấm tôi à!

Chỉ chờ có vậy, ông vùng dậy đi thẳng ra ngoài sân, tháo xích thả con chó cái đang nằm gần bục cửa chạy ra sủa ầm ỹ rồi lao về phía bà đồng nát. Hoảng sợ, bà ta vứt đồ nghề chạy thục mạng, được thể con chó đẻ càng lao tới cắn tới tấp vào chân mụ, máu chảy be bét. Mụ ta la lớn: Bớ làng nước ơi chó nhà lão Ba cắn tôi chết  rồi!

Từ trong bếp, bà Mai tất tưởi chạy ra, nhìn cảnh tượng hãi hùng, nói líu cả lưỡi:

- Trời ơi sao anh Ba lại xua chó cắn bà đồng nát vậy?

Ông Ba từ lúc gây ra chuyện động trời, giờ lại nghe cô em dâu chì chiết, mặt từ chỗ đỏ gay chuyển sang tím tái:

- Biết rồi để tôi ra đó xem sao!

Lúc này, bà con lối xóm mỗi lúc kéo đến một đông, bà đồng nát càng được thể:

          - Mả cha nó chứ, hôm nay bà phải kiện lên xã cho hắn biết tay!

- Có giỏi bà cứ đi mà kiện, có mà kiện cái củ khoai! Nói rồi ông bỏ đi thẳng vào nhà.

-Thôi không cãi nhau nữa, mọi người đưa bà này lên trạm xá xã tiêm phòng dại trước đi đã, phải trái nói chuyện sau - Giọng người đàn ông vừa dứt, ba thanh niên đứng bên xăng xái thay nhau cõng bà đồng nát lên trạm xá. Đám đông lát sau cũng giải tán ai về nhà nấy. Lúc này, ông Ba mới hoàn hồn quay vào nhà ngồi thụp xuống chiếc ghế thở hổn hển. Nghĩ lại, ông thấy hối hận vì việc đã làm, nhỡ bà ấy có mệnh hệ gì thì mình chết đầu nước.

Đang suy nghĩ, bỗng ngoài ngõ có tiếng ai đó nói vọng vào:

- Có ai ở nhà không?

Bà Mai từ trong bếp vồn vã chạy ra vẻ khúm núm:

- Có chuyện chi vậy chú?

- Ủy ban xã mời ông Ba lên trụ sở làm việc. Vậy ông Ba có nhà không cho tôi gặp?

- Dạ anh Ba đang trong nhà, để tôi nói anh ấy ra gặp chú.

Bà Mai đi vào nhà, lát sau ông Ba xuất hiện trong bộ quân phục xanh lá cây nhàu nhĩ.

- Anh Ba, ủy ban xã có giấy mời anh ra trụ sở làm việc.

Ông Ba im lặng rồi lững thững đi theo sau anh cán bộ xã ra sân kho hợp tác.

Khi hai người bước vào phòng làm việc, đã thấy một công an viên, cô cán bộ tư pháp xã và bà thu mua đồng nát ngồi chờ sẵn ở đó.

- Mời ông ngồi xuống! Vị đại diện công an xã lên tiếng:

- Ông bị bà Lam, ngành nghề thu mua đồng nát, tố cáo thả chó cắn bà bị thương. Chiểu theo điểm B khoản 2, điều 7, Nghị định 90CP/ 2017, ông bị xử phạt hành chính 800.000đ vì lỗi để chó không rọ mõm, cắn người gây thương tích. Nhận thấy ông là thương binh có thành tích trong chiến đấu nên chúng tôi đã hòa giải với bà Lam rút đơn kiện, chỉ yêu cầu ông đền bù tiền thuốc men chữa trị cho bà ấy, ông nghĩ sao?

Nghe vị công an xã giảng giải, ông Ba phát hoảng :

- Xin các anh nương nhẹ cho, tôi biết mình sai nhưng số tiền đó quá lớn đối với một thương binh!

Nghe ông trình bày, hai vị quan xã ngơ ngác nhìn nhau rồi đưa ra kết luận: Ông Ba phải đền bù cho bà Lam năm trăm ngàn đồng tiền chi phí thuốc men phục hồi sức khỏe.

Ngày tháng dần trôi và chẳng còn ai nhắc đến chuyện ông Ba thương binh, xuýt chó cắn bà Lam bán đồng nát nữa.

Vào một ngày cận tết, ông Ba nhờ cậu bạn hàng xóm đèo xe máy lên phố huyện dự đám giỗ liệt sỹ Huấn, đồng đội cùng chiến trường, nhân thể đưa kỷ vật mà đơn vị ủy thác cho ông trao cho gia đình. Xe vòng vèo trên con đường làng bụi đất, phải mất hơn nửa giờ đồng hồ mới tới được con đường  liên huyện đổ nhựa phẳng lỳ, hai bên đường những rặng cây xà cừ xanh ngắt tỏa bóng mát rượi. Thi thoảng trên đường có những chiếc xe công nông chở vật liệu xây dựng chạy như bay tung bụi cát mịt mù. Xe lượn vòng qua phố huyện, hai bên đường người dân họp chợ bày bán đủ thứ hàng hóa nông sản, chật kín cả lối đi. Vất vả lắm chiếc xe mới lọt vào được một ngã ba, nơi có những ngôi nhà gạch cũ mốc rêu phong, bên cạnh điểm tô thêm mấy cây bàng trơ trụi lá. Dừng xe bên một cửa hàng tạp hóa nhỏ, ông Ba vào hỏi thăm địa chỉ nhà Huấn, bà chủ hiệu tươi cười đưa tay chỉ về dãy phố trước mặt: Nhà bà Lam vợ liệt sỹ Huấn, anh đi thẳng 200 mét, rẽ phải thấy cái bảng hiệu thu mua phế liệu là nhà anh ấy đấy!

Vừa dừng xe, một cô gái nhỏ nhắn, xăng xái chạy ra dắt xe lễ phép:

- Con mời hai bác vào nhà mọi người đang chờ ạ!

Ông Ba cám ơn cô gái rồi vội bước qua bậc tam cấp vào nhà. Nhìn quanh ông thấy trong nhà cỗ bàn bày la liệt mùi thức ăn bốc lên thơm phức béo ngậy. Hai cô phục vụ áo đẫm mồ hôi, thấy khách chào đon đả:

- Mời các bác ngồi vào mâm luôn ạ!

Ông Ba cùng anh bạn ngồi xuống ghế. Trước mắt ông là một nhóm thực khách có vẻ suốt ruột chờ gia chủ tuyên bố lý do nên cứ nhìn chằm chằm vào mâm cỗ mà chẳng để ý đến hai vị khách vừa nhập mâm. Một lúc sau, một ông đầu bạc, cằm nhọn, gò má cao lên tiếng:

  • Các bác chắc là bạn chiến đấu của Huấn?
  • Vâng chúng tôi ở xóm Giếng, bạn cùng quân ngũ với anh ấy!

Lúc này mọi người đã kéo đến đông đủ, mẹ đẻ Huấn, mặt đỏ gay, từ dưới bếp lật đật bước lên miệng xuýt xoa: Hôm nay là ngày giỗ con trai tôi, vợ thằng Huấn lại ốm nằm viện, thay mặt gia đình có chén rượu nhạt, mời các cụ, các bác nâng cốc để tưởng nhớ đến thằng con trai tội nghiệp của tôi. Nói rồi, bà sụt sịt khóc khiến mọi người ái ngại cảm kích. Hôm ấy, chờ cho khách ra về gần hết, ông Ba mới trao cho gia đình kỷ vật mà Huấn để lại trước lúc hy sinh. Lúc ra về, ông chợt nhìn thấy tấm ảnh vợ Huấn chụp cười tươi cùng cô con gái treo trang trọng giữa nhà, ông cảm thấy ngờ ngợ hình như mình đã gặp người đàn bà này ở đâu. Ông nhủ lòng có dịp, sẽ quay lại thăm mẹ con người bạn liệt sỹ một thời khói lửa không bao giờ quên.

Một năm sau, vào một buổi sáng mùa hè oi ả, vừa đi tập thể dục ngoài đình làng về, bỗng ông giật bắn mình khi nhìn thấy bà bán đồng nát ngày nào, ông chợt nhận ra không ai khác, bà đồng nát chính là vợ liệt sỹ Huấn mà ông nhìn thấy trong bức ảnh treo trên tường hôm dự đám giỗ...

     Xốc lại tinh thần, như một người lính quả cảm trong chiến đấu, ông mạnh dạn tiến bước đến trước bà.

  • Xin chào chị, chị còn nhớ tôi không? Tôi là người đã....

Sau phút ngỡ ngàng, người đàn bà nhận ra gã đàn ông năm xưa đã xuýt chó cắn mình. Máu trong người bà sôi lên, định phang cái dép vào mặt gã cho bõ tức, nhưng rồi, bà cố trấn tĩnh lại khi thấy người đàn ông tỏ ra thiện chí. Trong câu chuyện, bà đã hiểu ra tất cả, hóa ra gã đàn ông này là bạn chiến đấu với chồng mình, hôm giỗ đã mang kỷ vật đến trao cho gia đình. Thật là một tình huống dở khóc, dở cười.

 Tối hôm đó, bà Lam, ngồi bên con gái thủ thỉ chuyện trò:

-  Thế là bố con ra đi đã được 20 năm rồi đấy. Ngày về thăm nhà, lúc con mới lên 5 tuổi, bố bế con vào lòng con đã khóc thét lên vì không biết người bế mình là ai. Mà con có nhớ bác thương binh năm trước đến ăn giỗ nhà mình, bạn chiến đấu cùng đơn vị với bố ở xóm Giếng không? Năm ngoái, mẹ đi thu mua phế liệu, chỉ vì mẹ rao quá to mà bác ấy đã xua chó cắn mẹ bị thương đấy! Hôm đó, mẹ hận lắm, định bụng “thù sống để dạ, chết mang theo” nhưng cuộc thời thật trớ trêu, hôm nay gặp lại người đàn ông ấy, mẹ mới biết bác là thương binh, bạn cùng đơn vị với bố, vợ mất sớm, không có con cái, vừa xuất ngũ đang ở với vợ chồng người em trai. Nghĩ cũng thấy tội cho hoàn cảnh của bác ấy

Tháng ngày trôi nhanh như thoi đưa, câu chuyện về ông Ba không ngờ lại có cái kết hay. Sau hôm giỗ nhà Huấn về ông cứ suy nghĩ mãi về gia cảnh người bạn liệt sỹ nhà chỉ còn hai mẹ con, bố mẹ chồng già yếu lại ở xa nên mẹ con côi cút làm ăn nương tựa vào nhau. Ông còn nhớ ánh mắt Huấn trước lúc ra đi nhìn ông như cầu cứu, van xin:” Tao trông cậy cả vào mày, hãy quan tâm săn sóc vợ con cô ấy giúp tao!”. Nói rồi Huấn nhắm mắt từ giã cuộc đời để lại niềm thương tiếc vô hạn cho ông và đồng đội.. Còn nhớ, tháng 3 năm 1975, đơn vị ông cùng với nhiều cánh quân khác đồng loạt đánh chiếm thành phố Ban Mê Thuột, mở màn cho chiến dịch Hồ Chi sMinh lịch sử. Trong trận đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ông cùng đồng đội theo sau đoàn xe tăng tiến vào tiếp quản sân bay thì bất ngờ Huấn bị một mảnh đạn tiểu liên văng trúng ngực trái khiến Huấn ngã đổ gục xuống mặt đường, Ông Ba cùng một chiến sỹ trẻ, chạy lại băng bó vết thương cho Huấn rồi nói: 

  • Mày phải cố gắng sống, ngày toàn toàn thắng của dân tộc đến nơi rồi, còn phải về gặp vợ con, gia đình mày nữa chứ!

Biết không qua khỏi, trước lúc hấp hối, Huấn phều phào nói: “Chắc tao không qua khỏi, mày cố gắng giúp tao một việc, đây là tấm ảnh tao chụp chung với mẹ con cô ấy cùng chiếc lược và cái trâm cài tóc, mày mang về đưa tận tay cho vợ con tao. Còn một điều này, mày phải hứa thay tao chăm sóc mẹ con cô ấy, có được không?” Lúc đó, nước mắt nhòa đi, ông chỉ còn biết gật đầu lia lịa: Tao hứa, tao hứa! Nghe bạn nói, Huấn mở to đôi mắt tỏ vẻ mãn nguyện rồi tắt thở. Ba thét lên ôm chầm lấy Huấn mà khóc: Huấn ơi mày không được bỏ tao!

Một buổi sáng chủ nhật, ông Ba đang lúi húi quét sân thì bắt gặp bà Lam đi gom hàng về qua cổng, ông hăm hở mời bà vào nhà chơi, bà vui vẻ nhận lời rồi theo ông bước qua cổng. Bỗng bà giật thót tim khi thấy con chó hôm cắn mình đang ngẩng cao đầu gầm gừ nhìn bà như thách thức. Hoảng hốt, bà đứng sững lại, ông Ba quát con chó không được hỗn, nó vẫy đuôi ngoan ngoãn nằm xuống nhưng vẫn gầm gừ tỏ ra hậm hực. Hôm đó, có cả vợ chồng chú em ở nhà nên cuộc tiếp khách bất chợt xem ra có phần cởi mở, ấm cúng.

Tình cờ, một lần sang nhà người bạn hàng xóm chơi, ông Ba gặp một cựu chiến binh, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân chuyên cung ứng và xuất khẩu đồ gỗ, qua câu chuyện, biết ông Ba có thâm niên làm kế toán tài vụ trong quân đội nên ông ta thiết tha mời ông về công ty làm việc. Ông Ba vui vẻ nhận lời và rất mừng vì địa điểm công ty chỉ cách nhà bà Lam có vài trăm mét, cơ hội cho ông thường xuyên gần gũi mẹ con bà hơn.

Một buổi chiều, bà Lam đến các điểm thu gom phế liệu, xong việc bà tức tốc phóng xe máy thật nhanh về nhà để tránh cơn giông đang đến rất gần. Đang đi với tốc độ cao, bất ngờ một thằng bé trong một quán nước lao vút qua. Hoảng hốt, bà quẹo nhanh tay lái để tránh rồi đâm sầm vào một thân cây xà cừ bên đường, khiến chiếc xe văng sang một bên, hất tung bà xuống đất. Rất may, lúc đó có hai thanh niên đi làm về, họ liền đưa bà vào quán nước ven đường sơ cứu. Một người, lục túi bà lấy điện thoại tìm trong danh bạ gọi cho người thân thì rất may số máy đó lại là của ông Ba. Nghe tin, ông Ba tức tốc đến khu vực bà bị tai nạn, nhanh chóng đưa bà vào bệnh viện đa khoa huyện cấp cứu. Rất may do bà đội mũ xe máy đạt quy chuẩn nên dù va đập mạnh vào thân cây nhưng đầu bà vẫn an toàn, chỉ bị vết thương phần mềm rách cổ tay trái phải nằm viện điều trị. Những ngày bà nằm viện, ông luôn túc trực bên bà chăm sóc thuốc men, an ủi động viên bà hy vọng bà nhanh chóng bình phục. Bà Lam rất cảm động trước tấm chân tình của người đàn ông bạn chồng mình đã hết lòng săn sóc mình trong những ngày nằm viện. Bà luôn miệng nói: Con gái tôi đang bận thi cử may có ông giúp đỡ chứ mình tôi biết xoay sở làm sao!

Hôm nay, cô con gái Thúy Hằng cùng cậu bạn trai thuê hẳn một chiếc xe 16 chỗ đón bà Lam về nhà sau mười ngày nằm viện dài đằng đẵng. Biết tin hôm nay được ra viện, bà Lam có vẻ tươi tỉnh không bù cho mấy hôm trước bà luôn nhăn nhó vì vết thương lên da non ngứa ngáy khó chịu. Đón bà hôm nay còn có các ông bạn cựu chiến binh bên công ty Phú Cường, nơi ông Ba làm việc và mấy bà bạn thu mua đồ phế liệu. Bà Lam vui vẻ ra mặt khi thấy mình được anh em bạn bè đón rước chu đáo chân tình. Bà Hồng, một góa phụ, trạc tuổi bốn bảy, toét miệng cười:

- Thế hôm nào cho bọn em ăn cỗ đây? Bà chị thật khéo chọn được ông anh vừa hiền lành, tốt bụng lại biết chiều lòng phụ nữ!

- Mày chỉ được cái tào lao, lo kiếm lão nào ế vợ mà lấy chứ sống một mình  hâm ra đấy!

Hồng e thẹn quay sang đấm lưng bà chị thùm thụp, khiến mọi người trong  phòng cảm thấy vui lây.

Đoàn người lỉnh kỉnh kẻ cầm ô, người sách đồ bước ra xe cười nói ríu rít, mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía ông Ba và bà Lam. Ngày hôm nay có lẽ là ngày ông Ba cảm thấy vui nhất vì đã hoàn thành được tâm nguyện của người đồng đội trước lúc đi xa đã gửi gắm.

Cái Hằng cùng thằng bạn trai vừa đi vừa ngoái cổ lại phía sau, gọi rất to: Bố mẹ đẹp đôi lắm!

                                                                                                                  Thành phố Vũng Tàu tháng giêng năm 2017

                                                                                                                               Phạm Công Thắng

Bài viết cùng chuyên mục

Cứ 5 giây thế giới lại có một người chết vì tiểu đường, các nhà khoa học đang tìm cách ngăn chặn điều đó, bằng một phương pháp hứa hẹn chữa trị tận gốc căn bệnh này.

Phát hiện hành tinh cỡ Trái đất có khả năng có sự sống

Ngoại hành tinh TOI 700 e có kích thước xấp xỉ Trái đất, nằm trong vùng có thể ở được và cách chúng ta hơn 100 năm ánh sáng.

Không phải kim cương, đâu là vật liệu đắt nhất trên thế giới?

Vì khó sản xuất nên một số vật liệu có giá trị lên tới hàng triệu, hoặc thậm trí hàng tỷ USD cho mỗi gram.

Lục địa Châu Phi đang trong quá trình tách ra làm đôi, sẽ hình thành thêm một đại dương mới

Các mảng kiến tạo xung quanh châu Phi, vốn đang di chuyển dần xa nhau ra, sẽ phân tách châu lục này thành hai phần và tạo ra một đại dương mới trong hàng triệu năm nữa.