Bỏ giấy chuyển tuyến bệnh hiểm nghèo để người dân bớt khổ
Chính phủ đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao. Tuy nhiên, việc bỏ hay giữ giấy chuyển tuyến đối với bệnh nhân đang gây nhiều tranh luận tại Quốc hội.
Chính phủ đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, dự luật quy định người bệnh được tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục bệnh, kỹ thuật quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế: thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng quy định.
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế của Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội lại đề nghị “giữ nguyên” thủ tục chuyển tuyến.
Đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao được coi như tháo gỡ nút thắt cho người dân bấy lâu nay, giải quyết bài toán giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho người dân và BHYT.
(Ảnh minh họa: Đỗ Thoa)
Theo đại biểu này, giấy chuyển tuyến cung cấp các thông tin hành chính và cả tình trạng bệnh, lịch sử điều trị... giúp cơ sở tiếp nhận chuẩn bị thông tin kịp thời để điều trị hiệu quả và nhanh chóng.
Ngoài ra, các đại biểu này đề xuất Bộ Y tế cần bổ sung định nghĩa “bệnh hiếm” và danh mục các bệnh hiểm nghèo được cấp giấy chuyển tuyến một lần cho toàn bộ quá trình điều trị, thay vì cấp theo từng năm tài chính như hiện nay.
Yêu cầu luật hóa định nghĩa bệnh hiếm và danh mục bệnh hiểm nghèo là đúng và cần làm. Tuy nhiên, giữ nguyên thủ tục chuyển tuyến đối với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo trong bối cảnh bây giờ thì xem ra không còn phù hợp, cần thiết phải bỏ như đề xuất của Chính phủ vì rất nhiều lý do.
Thủ tục chuyển tuyến vẫn gây phiền hà cho người bệnh
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho biết, hiện nay, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, việc đăng ký cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu là theo địa giới hành chính. Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc thù như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo người dân lại chưa được tự đi khám và điều trị ở tuyến trên, trong khi tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn để điều trị và phải thực hiện chuyển tuyến.
Một số bệnh mãn tính chưa được đưa vào y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc của tuyến trên. Từ đó làm hạn chế quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và phức tạp về thủ tục không cần thiết.
Ngoài ra, các quy định về đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính, chưa thuận lợi khi người bệnh đi khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh khác ở tuyến tương đương hoặc tuyến thấp hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) nhận xét: Hiện nay, thủ tục chuyển tuyến vẫn gây phiền hà cho người bệnh tại một số nơi, thậm chí phát sinh tiêu cực, gây bức xúc cho người bệnh và gia đình. Ảnh: QH
Theo đại biểu Trân, hiện nay, thủ tục chuyển tuyến vẫn gây phiền hà cho người bệnh tại một số nơi, thậm chí phát sinh tiêu cực, gây bức xúc cho người bệnh và gia đình.
Từ ngày 1/1/2016 thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) giữa trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện tuyến huyện; từ ngày 1/1/2021 thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với KCB nội trú.
Việc thông tuyến này gây ra một số vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến dẫn đến quá tải đối với tuyến trên và giảm tỉ lệ KCB ban đầu tại y tế cơ sở.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định 03 cấp chuyên môn kỹ thuật (gồm KCB ban đầu, KCB cơ bản và KCB chuyên sâu kỹ thuật cao) thay cho tuyến chuyên môn kỹ thuật, hạng bệnh viện dẫn đến quy định tính giá dịch vụ KCB căn cứ trên tuyến chuyên môn kỹ thuật/hạng bệnh viện không còn hiệu lực. Do đó, đại biểu Trân đề nghị sửa đổi, điều chỉnh các nội dung liên quan đến tuyến chuyên môn kỹ thuật hạng bệnh viện trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo thống nhất trong quản lý bảo hiểm y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đề xuất người mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo được sử dụng giấy chuyển tuyến trọn quá trình điều trị
Trong khi đó, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, Dự thảo Luật quy định cơ chế thông tuyến cho phép người bệnh đến khám chữa bệnh ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến nghe có vẻ hỗ trợ cho người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên khám, chữa bệnh tại tuyến cao hơn, kể cả trong trường hợp không cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến giảm hiệu suất, thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế.
Theo đại biểu Trần Khánh Thu, nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi khám chữa bệnh BHYT do khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển tuyến của nhóm đối tượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo; hoặc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên trong khi điều trị cùng 1 bệnh.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đề xuất người mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo được sử dụng giấy chuyển tuyến trọn quá trình điều trị. Ảnh: QH
"Bản chất quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc xử lý khám, chữa bệnh cho người dân. Giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp các thông tin hành chính còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị... giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện" - đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, đại biểu Thu đề nghị giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến KCB BHYT hiện nay nhưng điều chỉnh bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành định nghĩa bệnh hiếm và danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến 1 lần dùng trọn quá trình điều trị chứ không phải có thời hạn trong 1 năm tài chính như hiện nay.
Cùng với đó, tăng cường củng cố năng lực cho hệ thống y tế cơ sở để có thể điều trị cấp thuốc điều trị ngoại trú cho một số bệnh mãn tính đồng nhất trên các cấp chuyên môn ở các cơ sở y tế và tăng cường giải quyết triệt để các bức xúc trong cấp giấy chuyển viện.
Đại biểu ví dụ người bệnh được chẩn đoán ung thư tại Bệnh viện K rồi thì tiếp tục nhập điều trị đến hết phác đồ chứ không phải yêu cầu người bệnh quay về xin giấy chuyển tuyến như hiện nay nữa; hay người bệnh bị tai nạn được đưa vào bệnh viện thì được tiếp nhận xử lý và điều trị luôn.
Đối với một số ý kiến cho rằng nên bỏ giấy chuyển tuyến trong bảo hiểm y tế, với nhiều năm công tác trong ngành y tế, đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết, giấy chuyển tuyến trong ngành y là rất cần thiết, nếu không dễ dẫn đến tình trạng tuyến y tế cơ sở không có bệnh nhân, còn tuyến trên thì trong tình trạng quá tải, khi đó y tế cơ sở không còn đủ kinh phí hoạt động, khiến vai trò của hệ thống y tế cơ sở giảm đi.
Ngoài ra, giấy chuyển tuyến có một vai trò rất quan trọng, đó là tóm tắt bệnh án, khi người bệnh vào tuyến cơ bản hoặc tuyến ban đầu, bệnh nhân có những biểu hiện, triệu chứng và đã ghi lại lịch sử can thiệp biện pháp gì, dùng thuốc nào. Những thông tin này rất quan trọng khi chuyển lên tuyến chuyên sâu, bác sĩ biết được quá trình diễn biến bệnh tóm tắt để có phương án điều trị phù hợp.
“Trong ngành y, có những triệu chứng xuất hiện ở thời điểm này, nhưng đến thời điểm sau lại mất đi giá trị chẩn đoán, nếu mình không có giấy chuyển tuyến thì mình không biết được bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng đó, khi đó mình vô tình làm hại thêm bệnh nhân. Với việc phát triển công nghệ thông tin, tôi cho rằng giấy chuyển viện rất thuận lợi”, đại biểu Nguyễn Tri Thức nêu quan điểm.
Thời điểm trước, các bệnh viện tuyến cơ sở được giao một khoản ngân sách để thực hiện chi trả khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nên khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, bệnh viện tuyến trên dùng bao nhiêu tiền, thì bệnh viện tuyến chuyển bệnh nhân phải chịu, nên các bệnh viện ngại chuyển bệnh nhân. Nhưng hiện đã bỏ quy định này nên các bệnh viện cũng tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho biết thêm.
Có thể nói, người dân ốm đau thông thường vào bệnh viện khổ một thì ốm đau liên quan đến bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo khổ mười, khổ một trăm. Khổ, không chỉ về thể chất mà còn về tài chính, bởi chỉ cần một người mắc bệnh nặng, gia đình có thể lâm vào cảnh kiệt quệ về kinh tế.
Nên đề xuất bỏ giấy chuyển tuyến đối với bệnh nhân mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không chỉ là giải pháp hợp lý mà còn nhân văn, giúp giảm bớt gánh nặng và lo âu cho người bệnh cũng như thân nhân của họ!.
Bích Hà
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/y-te/bo-giay-chuyen-tuyen-benh-hiem-ngheo-de-nguoi-dan-bot-kho-682230.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi
- Kết nối doanh nghiệp thực hiện mục tiêu quốc gia về sức khỏe cộng đồng
- TP Hồ Chí Minh công bố dịch sởi
- Gia tăng ca mắc sởi, ho gà, Bộ Y tế yêu cầu chủ động phòng, chống dịch
- Gần 900 thuốc, vaccine được Bộ Y tế cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành
- Dịch sốt xuất huyết có xu hướng đến sớm hơn chu kỳ hàng năm
- Người dân nên cẩn trọng khi mua thuốc chữa bệnh trên mạng