Đánh giá rủi ro, thách thức khi sớm đưa các luật vào cuộc sống
Ủng hộ việc sớm thi hành các luật, nhưng các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nhận diện rõ, đầy đủ các rủi ro, thách thức, hệ quả tiêu cực để có giải pháp kiểm soát, khắc phục.
Chiều 21/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Băn khoăn khi chưa đánh giá lợi ích, vướng mắc
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) phát biểu ý kiến
Ủng hộ tinh thần của Chính phủ khẩn trương muốn đưa luật sớm đi vào cuộc sống, song đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho biết có nhiều điều băn khoăn.
Cụ thể, đại biểu cho biết, hiện nay chưa đủ điều kiện để đảm bảo thi hành pháp luật, đến ngày 18/6/2024 chỉ có một nội dung được quy định chi tiết, còn 28 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản chưa được ban hành. Đồng thời, nhiều nội dung giao chính quyền địa phương quy định chi tiết trong khi văn bản của trung ương chưa ban hành. Mặt khác, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dù cho có rút gọn sẽ rất khó khăn đảm bảo tất cả các quy định chi tiết khi luật có hiệu lực sớm ngày 1/8/2024.
Vấn đề khác khiến đại biểu băn khoăn là nội dung trình dự án luật chưa có báo cáo đánh giá tác động lợi ích, hiệu quả, rủi ro, khó khăn, vướng mắc và các phương án để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đó khi luật có hiệu lực sớm.
Trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao nhất đối với đất nước, với Nhân dân, đại biểu kiến nghị, đối với nội dung chưa rõ, chưa hướng dẫn, chưa ban hành chi tiết Quốc hội yêu cầu trong thời gian tháng 8/2024 thì Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương có báo cáo đầy đủ, chi tiết cho đại biểu Quốc hội trong việc hoàn thành các văn bản này.
Bên cạnh đó, đối với đánh giá tác động lợi ích, rủi ro, phương án giải quyết rủi ro đó khi dự án luật này có hiệu lực sớm hơn và cần lấy ý kiến đối với các đối tượng chịu sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức và các địa phương và báo cáo cho đại biểu Quốc hội.
Đại biểu cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 2 phương án khảo sát, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội thông qua. Đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền về vấn đề này, đánh giá toàn diện mọi mặt các vấn đề nếu thật sự cần thiết. Quốc hội có thể họp bất thường theo hình thức trực tuyến sau kỳ họp thứ 7 để xem xét, thông qua nội dung này một cách chất lượng và khả thi.
Tại kỳ họp này Quốc hội thảo luận rất nhiều về vấn đề sợ trách nhiệm, sợ sai của cán bộ, công chức, viên chức. Nêu điều này, đại biểu cho rằng “một khi Quốc hội ấn nút thông qua, bất cứ vấn đề nào chúng ta đều phải chịu phần lớn trách nhiệm trước Đảng, đất nước và Nhân dân. Không có đủ cơ sở và điều kiện minh chứng cho thấy luật này có hiệu lực sớm sẽ có lợi ích, hiệu quả lớn hơn là thiệt hại thì chắc hẳn mỗi đại biểu Quốc hội sẽ rất băn khoăn, lo lắng việc mình quyết định có ảnh hưởng gì cho sự phát triển của đất nước, của người dân, của doanh nghiệp hay không”.
Cho rằng Quốc hội cũng không thể nào giao khoán hoàn toàn trách nhiệm này thuộc về Chính phủ, đại biểu nhấn mạnh “thận trọng, có đủ điều kiện và căn cứ vững chắc sẽ giúp cho Quốc hội quyết định vấn đề này một cách chính xác và hiệu quả hơn”.
Đảm bảo chất lượng, tiến độ các văn bản hướng dẫn
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) phân tích, các luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập.
“Nhiều cán bộ Nhà nước vi phạm pháp luật, vướng vào phòng lao lý cũng có một phần của sự bất cập đó. Nhiều cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cũng có lý do từ bất cập đó. Vì vậy, các luật có hiệu lực sớm ngày nào tình trạng trên được cải thiện sớm ngày đó” - đại biểu nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu cũng cần nhận diện, đánh giá đầy đủ các ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là sự phản ứng, tâm lý của xã hội.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) phát biểu ý kiến
Về điều kiện bảo đảm, tại Tờ trình của Chính phủ khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng khi các luật này có hiệu lực từ ngày 01/8/2024. Nhấn mạnh đây được coi là điểm tựa để các đại biểu bấm nút thông qua, song điều khiến đại biểu băn khoăn là tiến độ ban hành các văn bản đó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của các bộ, ngành ở trung ương.
Trước ý kiến của một số đại biểu thảo luận tổ còn băn khoăn là tại sao Quốc hội bấm nút thông qua mà lại yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành của điều khoản chuyển tiếp và của các luật. Đại biểu cho rằng việc xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật, Chính phủ đề xuất và phải chịu trách nhiệm là đúng. Nhưng theo đại biểu “mỗi vị đại biểu Quốc hội đã bấm nút thì cũng phải có trách nhiệm với quyết định của mình”.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị trước khi thông qua luật, các cơ quan soạn thảo nên gửi tới Quốc hội những vấn đề có thể phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm, nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết. “Có như thế, khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, đại biểu cũng có cơ sở chắc chắn để trả lời với cử tri” - đại biểu nói.
Cũng ủng hộ quyết tâm của Chính phủ, song đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ bổ sung nên có báo cáo tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc trách nhiệm của địa phương. Đánh giá rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, tạo khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, ảnh hưởng đến đối tượng bị tác động của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực và các điều khoản chuyển tiếp.
Để đảm bảo luật thi hành sớm có hiệu quả tác động lớn đến người dân, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt bộ, ngành, địa phương nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thuộc thẩm quyền của mình, đảm bảo chất lượng, tiến độ, không để xảy ra bất cập do thiếu văn bản cụ thể hóa trình cấp thẩm quyền ký ban hành kịp thời, sau khi các luật này được thông qua ngày 01/8/2024.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) lưu ý, khi xây dựng các nghị định, nghị quyết, Chính phủ cần xác định rõ đâu là việc cần ưu tiên làm trước, đâu là việc làm sau để kịp thời hướng dẫn địa phương và địa phương cũng yên tâm triển khai thực hiện./.
Tú Giang
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/danh-gia-rui-ro-thach-thuc-khi-som-dua-cac-luat-vao-cuoc-song-667772.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tại các cơ quan của Quốc hội
- Khai mạc Phiên họp thứ 39 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
- Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Bảo đảm nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Thông cáo báo chí số 11 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV