Để kinh tế vùng Trung Bộ phát triển và hội nhập
Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Đây là vùng giữ vị trí, vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển thời gian vừa qua tại đây cho thấy, kinh tế vùng Trung Bộ đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng và hiện cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Các số liệu và đánh giá tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam từ giai đoạn đổi mới đến nay (1986 - 2023)” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phối hợp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng mới đây cho thấy: Mặc dù có nhiều lợi thế và tiềm năng trong phát triển kinh tế, song tỷ trọng đóng góp trong GDP cả nước của vùng Trung Bộ còn khá “khiêm tốn”, năm 2022 chỉ vào khoảng 16,5% (trong khi vùng lại chiếm đến 20,8% tổng dân số và 28,9% tổng diện tích cả nước). Mặc dù cơ cấu kinh tế chung của vùng đã dịch chuyển theo hướng tiến bộ, song cơ cấu kinh tế của từng địa phương nội vùng lại có sự khác biệt đáng kể, tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp trong GDP của một số địa phương vẫn cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người của vùng còn thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước.
TS. Hoàng Hồng Hiệp và ThS. Nguyễn Hoàng Yến (Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ) cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân toàn vùng giai đoạn 2019 - 2022 vào khoảng 4,8%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, nhìn chung, do tác động của dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng kinh tế toàn vùng có sự sụt giảm đáng kể, nhất là một số "đầu tàu" tăng trưởng của vùng như: Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Hai ý kiến trên cũng khẳng định, với quy mô GDP còn thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao, vùng Trung Bộ đang gặp nhiều khó khăn để tạo “bứt phá” trong phát triển nền kinh tế theo hướng độc lập, tự chủ. Cạnh đó, hiện cũng đang có sự khác biệt đáng kể về quy mô kinh tế giữa các địa phương vùng Trung Bộ. Trong đó, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi là các địa phương chiếm tỷ trọng cao trong cấu thành GRDP vùng, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng của các dự án công nghiệp nặng (ngoại trừ thành phố Đà Nẵng). Điều này cũng đồng nghĩa, tăng trưởng kinh tế của vùng hiện nay vẫn đặt trên “vai” của một số ít địa phương, của các ngành công nghiệp nặng có phát thải carbon cao, có nhiều rủi ro và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Về GRDP bình quân đầu người vùng Trung Bộ, TS. Hoàng Hồng Hiệp cho biết, năm 2018, GRDP bình quân đầu người vùng đạt 50,2 triệu đồng, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân chung của cả nước (khoảng 73,5 triệu đồng); năm 2022, GRDP bình quân đầu người vùng tăng lên 70,2 triệu đồng, chỉ bằng 73% GRDP bình quân đầu người của cả nước. Đặc biệt, chỉ có Đà Nẵng và Quảng Ngãi có GRDP bình quân đầu người cao hơn không đáng kể so với mức bình quân chung của cả nước, 12 địa phương còn lại của vùng đều thấp hơn đáng kể mức bình quân chung của cả nước. Đáng lưu ý, các địa phương nội vùng có sự chênh lệch lớn về GRDP bình quân đầu người. Điều này cho thấy, thu nhập và mức sống bình quân của người dân trong vùng còn thấp. Nói cách khác, năng lực nội sinh của nền kinh tế vùng còn rất hạn chế.
TS. Hoàng Hồng Hiệp cũng cho biết, mặc dù cơ cấu kinh tế ngành của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã có sự dịch chuyển đáng kể theo hướng tiến bộ, hiện đại với sự gia tăng đóng góp của ngành công nghiệp - dịch vụ, tương đồng với cơ cấu kinh tế ngành của cả nước, song cơ cấu kinh tế ngành của các địa phương nội vùng có sự khác biệt đáng kể, trong đó có 9/14 địa phương có tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp trong GRDP còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, cá biệt các địa phương Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận có tỷ lệ này cao hơn 20%.
Theo TS. Hoàng Hồng Hiệp, nhiều địa phương vùng Trung bộ còn chưa tự cân đối ngân sách. Đây là thực trạng đáng báo động về sự hạn chế của năng lực tài chính nội sinh của vùng Trung Bộ. (Ảnh: Đình Tăng)
Bên cạnh những phân tích, đánh giá trên, các số liệu đưa ra tại Hội thảo cũng cho thấy, năm 2022, tổng thu ngân sách toàn vùng Trung Bộ đạt khoảng 557 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 31% tổng thu ngân sách của cả nước; trong khi đó tổng chi ngân sách của vùng vào khoảng 442,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng thu ngân sách của cả nước. Theo đó, cán cân ngân sách toàn vùng đạt tình trạng thặng dư ngân sách 114 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Quảng Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận là 3 địa phương thường xuyên đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách. “Thực tế, nếu loại trừ các khoản hỗ trợ ngân sách từ Trung ương trong cơ cấu tổng thu thì các địa phương vùng Trung bộ luôn đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách. Nếu loại trừ các khoản hỗ trợ ngân sách từ Trung ương (13,4% tổng thu ngân sách toàn vùng vào năm 2019; 16,9% năm 2020; 13,8% năm 2021), ngân sách vùng kinh tế trọng điểm miền Trung liên tục thâm hụt với quy mô khá lớn, các khoản thu nội địa và thuế quan của vùng không đảm bảo được các khoản chi “cứng” mang tính bắt buộc, nhiều địa phương vùng Trung bộ còn chưa tự cân đối ngân sách. Đây là thực trạng đáng báo động về sự hạn chế của năng lực tài chính nội sinh của vùng Trung bộ” - TS. Hoàng Hồng Hiệp chia sẻ.
Nói về tính bền vững trong mô hình tăng trưởng của vùng Trung bộ, TS. Hoàng Hồng Hiệp và ThS. Nguyễn Hoàng Yến thông tin, mức độ tập trung kinh tế và các nguồn lực mang tầm vùng tại Trung Bộ còn rất hạn chế, dư địa các nguồn lực phục vụ tăng trưởng tại một số địa phương trong vùng gần chạm ngưỡng tới hạn. Hệ thống doanh nghiệp tại đây cũng còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Trong đó, số doanh nghiệp bình quân trên 1.000 dân của vùng Trung bộ chỉ vào khoảng 5,9 doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với con số bình quân 9,2 doanh nghiệp của cả nước. Đặc biệt, đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ có quy mô vốn thấp; hiệu suất sinh lợi ROE và ROS thấp. Động lực tăng trưởng quan trọng của vùng Trung Bộ hiện có xu hướng dựa vào các ngành công nghiệp nặng phát thải cao, có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vùng (tự nhiên và xã hội). Hoạt động sản xuất tại các khu kinh tế, khu công nghiệp vùng Duyên hải miền Trung mang đậm tính chất “tăng trưởng nâu”, chưa có nhiều địa phương chuyển đổi theo hướng xanh, sinh thái. Đặc biệt, biến đổi khí hậu có ảnh hưởng to lớn đến tăng trưởng kinh tế của các địa phương trong vùng. “Như vậy, mô hình tăng trưởng của vùng Trung bộ còn mang đậm mô hình “tăng trưởng nâu”, hàm chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững” - TS. Hoàng Hồng Hiệp và ThS. Nguyễn Hoàng Yến nhận định.
Từ những phân tích, đánh giá trên, Hội thảo đã thống nhất đưa ra một số giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế vùng Trung bộ theo hướng độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, cần thiết kế chính sách phát triển đột phá (tầm cao) cho vùng động lực Trung Trung bộ. Cụ thể, phải nhanh chóng xây dựng và ban hành chính sách “đột phá” trong phát triển kinh tế - xã hội cho vùng động lực Trung Trung bộ đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Chính sách phát triển vùng cần phải đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, tính kịp thời và tính tuân thủ, thực thi cao. Đồng thời với đó, việc xây dựng chính sách phát triển chung cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần đứng trên cách tiếp cận vùng, trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh (cả lợi thế so sánh động và tĩnh) của mỗi địa phương nội vùng trong phát triển kinh tế, cần đặt các thành tố cấu thành các nền kinh tế địa phương trong mối tương tác và liên kết vùng. Cần có định hướng phát triển lâu dài các khu đô thị công nghiệp, khu công nghiệp chuyên ngành (cụm công nghiệp chuyên ngành) ở những địa phương, vị trí phù hợp. Đặc biệt, cần loại bỏ tư duy thu hút đầu tư và phát triển “bằng mọi giá” trong quá trình phát triển vùng.
Hội thảo thống nhất với nhận định các địa phương nội vùng Trung bộ cần loại bỏ tư duy “tăng trưởng bằng mọi giá”, thu hút đầu tư “bằng mọi giá”. (Ảnh: Đình Tăng)
Hội thảo cũng đề nghị dựng chính sách đặc biệt để thúc đẩy nhanh sự tích tụ và tập trung kinh tế tại vùng động lực Trung Trung bộ thông qua xây dựng sớm đường sắt cao tốc nội vùng trước năm 2030. Đẩy nhanh quá trình xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Bình Định, nhằm tạo tính “nội liên” trong vùng kinh tế trọng điểm cũng như tính liên thông thị trường vùng kinh tế trọng điểm và khu vực miền Trung - cơ sở để phá vỡ tính chia cắt của địa hình, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tại miền Trung về Đà Nẵng thụ hưởng các dịch vụ kinh tế tài chính cao cấp, các dịch vụ du lịch nghĩ dưỡng, du lịch giải trí cấp cao. Tiếp tục hiện đại hóa một số công trình giao thông nội vùng “trọng điểm” nhằm tạo tính liên thông mạnh giữa các trung tâm kinh tế, trung tâm du lịch giữa các tỉnh nội vùng. Tập trung và huy động nguồn lực xây dựng thành phố Đà Nẵng hiện đại với sự phát triển của các ngành dịch vụ, du lịch, giải trí. Hoàn thành tuyến đường du lịch ven biển nối liền các trung tâm du lịch nội vùng nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư tạo tiền đề hình thành chuỗi du lịch ven biển. Tập trung phát triển thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận trở thành trung tâm cung cấp các dịch vụ cao cấp phục vụ nhu cầu giải trí, nghĩ dưỡng, dịch vụ tài chính,… cho các nhà đầu tư và đối tác kinh doanh tại khu vực miền Trung.
Các ý kiến tại Hội thảo cũng đề xuất xây dựng cơ chế chính sách đột phá nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho hệ thống doanh nghiệp vùng Trung bộ; hoàn thiện môi trường đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn tư nhân, nhất là các nguồn vốn FDI; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững.
“Các địa phương nội vùng cần loại bỏ tư duy “tăng trưởng bằng mọi giá”, thu hút đầu tư “bằng mọi giá”; đưa tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh vào mọi hoạt động điều hành nền kinh tế, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cảng, du lịch; xây dựng bộ tiêu chí đo lường phát triển xanh cho một số ngành, lĩnh vực trọng điểm của địa phương; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích chuyển đổi các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng xanh, sinh thái; kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm môi trường nhằm nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật môi trường tại địa phương; tích hợp nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, cần chú trọng thực thi các chính sách xã hội song hành với các chính sách phát triển kinh tế. Trong đó, chú trọng phát triển xã hội cần chú trọng hơn các chính sách tầm vùng. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở cấp vùng cần chú trọng và lồng ghép giải quyết bất bình đẳng thu nhập, giảm sự phân cực quá mức về thu nhập giữa các nhóm cư dân, giữa các khu vực lãnh thổ” - TS. Hoàng Hồng Hiệp lưu ý thêm./.
Đình Tăng
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/de-kinh-te-vung-trung-bo-phat-trien-va-hoi-nhap-678927.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Online Friday 2024: Bước nhảy vọt của hàng Việt trong kỷ nguyên thương mại điện tử
- Sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ
- Thúc đẩy hợp tác kinh tế trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Giải ngân vốn đầu tư công: Cần những bước đột phá mạnh mẽ
- Bổ sung nhiều quy định về hoạt động thu phí đường bộ
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Brazil
- Tăng hiệu quả quản lý thuế nhờ hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền