Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh
Chiều 4/3, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43); Nghị quyết 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đến năm 2023 (Nghị quyết 57).
Quang cảnh buổi giám sát. (Ảnh: Việt Dũng)
Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì tiếp Đoàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43, TP Hồ Chí Minh cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng GRDP năm 2022 ước đạt 9,03%; năm 2023 ước đạt 5,81%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới và trong khu vực. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Khu vực thương mại dịch vụ năm 2023 có mức tăng trưởng 6,79% so với năm trước. Tính chung năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng 4,3% so với cùng kỳ.
TP Hồ Chí Minh thực hiện một số chính sách miễn, giảm thuế, như: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng, đạt 39.308 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã giải ngân tín dụng ưu đãi cho 4.013 khách hàng với số tiền 174,5 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với tổng kinh phí đã thực hiện quyết toán năm 2022 và năm 2023 là hơn 977 tỷ đồng cho 800.709 người lao động. Chính sách hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đến cuối năm 2023 với tổng số tiền đã hỗ trợ lãi suất (2%/năm) lũy kế đạt 439,7 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% về số tiền đã hỗ trợ của cả nước…
TP Hồ Chí Minh thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội. Tăng cường kết nối cung - cầu, phát triển thị trường lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Bên cạnh đó, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, ngoại giao kinh tế được triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, đi vào chiều sâu và thực chất hơn.
Tuy nhiên, Thành phố vẫn còn một số hạn chế, như mức độ quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội chậm được xử lý, ngày càng gia tăng và gặp nhiều thách thức trên các lĩnh vực. Tình hình tội phạm về kinh tế, ma túy, tội phạm công nghệ cao còn diễn biến phức tạp. Năm 2023, mặc dù các ngành kinh tế có sự tăng trưởng nhưng GRDP và thu ngân sách Thành phố chưa đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt kế hoạch.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì tiếp đoàn giám sát. (Ảnh: Việt Dũng)
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, có phương án ứng phó, điều chỉnh kịp thời với các tình huống cấp bách, bất ngờ. Bên cạnh đó, quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt, vận dụng các cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thành phố. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính.
UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế suất VAT trong luật thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% cho tất cả hàng hóa, dịch vụ để kích cầu tiêu dùng; nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với các nước trong khu vực. Đồng thời, kiến nghị sớm ban hành Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế.
UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành 11 nội dung. Trong đó, đề xuất Chính phủ nghiên cứu bổ sung thêm các hình thức khen thưởng trên doanh thu xuất khẩu, mở thị trường mới; tăng mức hỗ trợ chi phí gian hàng tham gia hội chợ, triển lãm, chi phí xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Khi ban hành chính sách hỗ trợ liên quan đến người lao động nên thực hiện theo hướng phương thức chi trả một lần với số tiền cụ thể…
Về thực hiện Nghị quyết 57, dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 qua địa bàn TP Hồ Chí Minh dài khoảng 47,51km với 2 dự án thành phần.
UBND TP Hồ Chí Minh nhận xét, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quyết định phê duyệt phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đã được triển khai thực hiện theo quy định. Đến ngày 30-12-2023, dự án thành phần 2 đã thực hiện thu hồi được 399,090ha/410,439ha (đạt 97,23%), đã chi trả cho các trường hợp bị ảnh hưởng với giá trị hơn 7.629.981 tỷ đồng/10.441,989 tỷ đồng (đạt 73,07%). Tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo theo yêu cầu…
UBND TP Hồ Chí Minh nhìn nhận còn một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án. Do đó, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN-MT tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc điều phối nguồn vật liệu xây dựng (nguồn cát san lấp và đất đắp) đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Tại buổi làm việc, các đồng chí thành viên đoàn giám sát đã có những chia sẻ, đóng góp ý kiến đối với TP Hồ Chí Minh trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết trên. Qua ý kiến góp ý của thành viên trong đoàn giám sát của Quốc hội, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp thu ý kiến để hoàn thiện hồ sơ báo cáo, đánh giá có chiều sâu, tiếp thu ý kiến đoàn giám sát trong quá trình điều hành thực hiện Nghị quyết, các chính sách có liên quan trong thời gian tới và sẽ lưu ý thanh tra kiểm tra để thực hiện các Nghị quyết này cho đúng.
Về Nghị quyết 43/2022/QH15, đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận, Nghị quyết ra đời không chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến tác động của COVID-19, mà còn giải quyết các tác động của suy giảm kinh tế thế giới, các vấn đề nội tại thuộc động lực tăng trưởng của từng địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận tại buổi giám sát (Ảnh: Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh)
Do vậy, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đề nghị trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi, cần tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam, kinh tế Việt Nam trong các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, cần có chính sách quốc gia thúc đẩy việc này. Chính sách của chúng ta không chỉ là chính sách về tài chính kinh tế mà còn phải chú ý trên lĩnh vực xã hội.
Đối với Nghị quyết 57, đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá rất thành công và hiệu quả, đây là cách tiếp cận giải quyết đặc thù các vấn đề lớn. Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, sắp tới dự án Vành đai 4 cần mạnh dạn mở thêm cơ chế chính sách để đẩy nhanh phát triển cơ cấu hạ tầng của cả nước.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao kết quả TP Hồ Chí Minh đạt được trong thực hiện 2 nghị quyết. Các kiến nghị của TP Hồ Chí Minh sẽ được Đoàn giám sát nghiên cứu, thể hiện phù hợp trong Báo cáo giám sát và Nghị quyết trình Quốc hội.
Về thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, đồng chí Nguyễn Đức Hải đề nghị Thành phố có những đánh giá sâu hơn tác động của các chính sách miễn, giảm thuế đến người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; Làm rõ hiệu quả và đánh giá tác động của các chính sách an sinh, xã hội, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong Nghị quyết 43/2022/QH15 đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp; Bổ sung đánh giá về nội dung của chính sách tiền tệ trong Nghị quyết 43 như giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, đầu tư trái phiếu Chính phủ;...
Về thực hiện Nghị quyết 57/2022/QH15, đồng chí Nguyễn Đức Hải đề nghị Thành phố đánh giá hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các địa phương; việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ và trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngoài ra, đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm, tính hiệu quả của việc lập, thẩm định vốn bố trí cho dự án dẫn đến không sử dụng hết số vốn bồi thường giải phóng mặt bằng đã dự kiến bố trí cho Dự án, số vốn dư lớn. Đề xuất cụ thể hơn giải pháp bảo đảm nguồn cung về nguyên vật liệu; đánh giá cụ thể hơn về các cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho dự án.
V.Lê
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/doan-giam-sat-cua-quoc-hoi-lam-viec-voi-ubnd-tp-ho-chi-minh-660613.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tại các cơ quan của Quốc hội
- Khai mạc Phiên họp thứ 39 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
- Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Bảo đảm nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Thông cáo báo chí số 11 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV