Menu

Dự kiến giảm khoảng 50% đơn vị hành chính cấp tỉnh sau khi sắp xếp

12/03/2025 08:31:05

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, chiều 11/3, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, tiếp tục cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, hoàn thiện thêm một bước Đề án để trình cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, tiếp tục cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại các Kết luận 126-KL/TW ngày 14/2/2025 và Kết luận số 127 KL/TW ngày 28/2/2025, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã xây dựng và trình xin ý kiến Bộ Chính trị Đề án sắp xếp tổ chức lại hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trên cơ sở ý kiến của bộ Chính trị, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ họp để hoàn thiện thêm một bước Đề án sắp xếp tổ chức lại hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để báo cáo Bộ Chính trị.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tiêu chí sắp xếp các đơn vị hành chính; phương án, định hướng sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính; dự kiến tên gọi, phương án lựa chọn nơi đặt trung tâm chính trị, hành chính của đơn vị hành chính mới được thành lập; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế chính quyền cấp tỉnh, cấp xã...

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu với việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp là tăng cường thẩm quyền, nêu cao hơn nữa tính tự lực, tự chủ, tự cường của cấp địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, đại đa số các ý kiến, dư luận nhân dân đồng tình cao với chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, để phù hợp tình hình mới, khả năng quản lý hiện nay khi điều kiện hạ tầng giao thông, hạ tầng số được cải thiện mạnh mẽ, đồng thời tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.

Về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đó là cấp tỉnh (gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở, phiên họp thống nhất dự kiến trình cấp có thẩm quyền phương án sau khi sắp xếp sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm khoảng 60 - 70% đơn vị hành chính cấp cơ sở so với hiện nay.

Các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung của Đề án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trên cơ sở phân tích các nguyên tắc, tiêu chí, nhất là về dự kiến sắp xếp, tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, xem xét các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng... Đặc biệt, việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có tính kế thừa; việc chọn trung tâm hành chính - chính trị phải cân nhắc các yếu tố lịch sử, địa lý, kết nối hạ tầng, không gian phát triển, quốc phòng, an ninh và hội nhập.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu với việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp là tăng cường thẩm quyền, nêu cao hơn nữa tính tự lực, tự chủ, tự cường của cấp địa phương; chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn, giải quyết công việc cho dân thuận lợi hơn; mang lại lợi ích cho người dân nhiều hơn, nhân dân ngày càng hạnh phúc và ấm no; tạo sự đồng thuận của người dân.

Hà Văn

(theo baochinhphu.vn)

Nguồn: https://baochinhphu.vn/du-kien-giam-khoang-50-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-sau-khi-sap-xep-102250311173949904.htm

Bài viết cùng chuyên mục

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Vdiarybook: Mạng Xã Hội Nhật Ký Cuộc Sống - Đổi Mới và Bảo Tồn Văn Hóa Việt

Ngày 29/12/2024, tại Hà Nội, Doanh nghiệp Khoa học công nghệ - Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Idea & Startup đã tổ chức chương trình ra mắt mạng xã hội Nhật ký cuộc sống Vdiarybook với chủ...

Phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.