Menu

Giải bài toán “có tiền nhưng không tiêu được” trong đầu tư công

26/08/2024 19:18:46

Trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế là đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, thì đầu tư công đang là vấn đề rất nóng. Đây là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng hiện nay, tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được” khiến cho tỷ lệ giải ngân thấp. Tính đến hết tháng 7, cả nước mới giải ngân được khoảng 34% kế hoạch năm 2024.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: PV) 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến 31/7/2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt 232,091 nghìn tỷ đồng, bằng 34,68% kế hoạch cả năm, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 cả về tỷ lệ và số tuyệt đối (giải ngân 7 tháng năm 2023 là 267,63 nghìn tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch). Tính theo tỷ lệ giải ngân, chỉ có 7 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (trên 40% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong khi có tới 33 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Trong đó, một số địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 được giao chiếm tỷ trọng lớn nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng rất lớn tới tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Một số địa phương có số giải ngân thấp hơn cùng kỳ; đơn cử, TP. Hồ Chí Minh được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 79,3 nghìn tỷ đồng, nhưng ước giải ngân 7 tháng đầu năm là 11,3 nghìn tỷ đồng (giảm khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023); tỉnh Quảng Ninh được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 14,3 nghìn tỷ đồng, ước giải ngân 7 tháng là 3,8 nghìn tỷ đồng (giảm khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023)… 

Các vướng mắc, nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 vẫn là do công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt; trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.

Tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2024, phiên thứ 3 – Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công diễn ra vào ngày 15/8, ông Lê Bách Cương - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đầu tư xây dựng phụ trách phía Nam thuộc Cục Quản lý Đầu tư xây dựng đã dẫn số liệu của Giao thông vận tải (GTVT) rằng, đến tháng 7/2024, ngành giao thông đã giải ngân hơn 30.0000 tỉ đồng, đạt khoảng 50% kế hoạch của năm, tập trung vào các dự án cao tốc Bắc – Nam. Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã dành nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên tới năm 2025 cả nước sẽ đạt khoảng 3.000km đường cao tốc và đây là mục tiêu Bộ đang cố gắng hoàn thành. Để làm được như vậy, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, cho phép triển khai một số cơ chế đặc thù để rút ngắn từ bước trình tự, thủ tục đầu tư. Sự quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của bộ, ngành, Bộ GTVT ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư đã sớm hoàn thiện hồ sơ thiết kế ở bước từ dự án đầu tư để bàn giao cho các địa phương. 

Theo khẳng định của ông Lê Bách Cương, khâu giải phóng mặt bằng là khâu khó khăn nhất. Để thúc đẩy đầu tư công, có khoảng 70% các đầu việc để các địa phương có thể đẩy nhanh trong đó quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng.

Tương tự, ông Vũ Xuân Nguyên - Trưởng Phòng Kế hoạch - Hợp đồng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh cũng nói rằng, khi triển khai dự án công tác giải phóng mặt bằng cần giải quyết ngay từ đầu, tránh dẫn đến phát sinh chi phí, ưu tiên giải quyết dứt điểm, phối hợp các sở, ngành, địa phương tốt, hiệu quả.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, trong công tác giải ngân đầu tư công, hiện nay quy trình thủ tục còn phức tạp, nhiều cấp, nhiều bên tham gia… trong bối cảnh, cán bộ công chức đâu đó vẫn còn tâm lý sợ sai. Đặc biệt, khâu giải phóng mặt bằng, định giá đất hiện đang gặp rất nhiều khó khăn và nhạy cảm; nhiều dự án gặp khó khăn trong khâu nguyên vật liệu, nhất là về cát san lấp… thậm chí nhiều dự án khi đang triển khai còn vướng quy hoạch.

Từ đó, các chuyên gia đề xuất cần phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tập trung vào một đầu mối quyết định. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc xác định giá đất, điều chỉnh quy hoạch. Cần có cơ chế cho phép nhà thầu, chủ đầu tư chủ động phối hợp với địa phương khai thác nguồn vật liệu, sử dụng vật liệu mới. Xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án đầu tư liên vùng, phân bổ nguồn vốn hợp lý. Ngoài ra, cần khuyến khích áp dụng các mô hình đầu tư mới như BT, BOT với cơ chế quản trị rủi ro và phân chia lợi ích hợp lý.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội nói, ngoài những vấn đề ngắn hạn như: Tập trung vào các khía cạnh như thủ tục, cơ chế tháo gỡ, điều phối chung; giải phóng mặt bằng; liên quan đến mỏ vật liệu cơ bản như đất, cát, sỏi và tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn vốn kết hợp, ODA… cũng cần có điều chỉnh kịp thời các quy hoạch. Chẳng hạn, vấn đề của cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng hiện nay, một địa phương giải phóng xong mặt bằng, nhưng còn một bên lại chưa xong, lẽ ra đã phải đồng bộ những việc này từ sớm nhưng thực tế giữa các địa phương lại chưa chú trọng.

“Việc quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất giao thông lại chậm hơn so với tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng, Do đó, về ngắn hạn, cần giải quyết khâu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để giải phóng mặt bằng, giao đất…”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Về dài hạn, theo vị này, công tác quy hoạch nói chung, trong đó có quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch về giao thông cũng phải cải tiến, để khi quy hoạch đất sử dụng dự án cho giao thông phải đồng bộ, đi trước.

Có thể thấy, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, tích cực và chủ động của các bộ, ngành, các đơn vị liên quan trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.  Không nên để xảy ra tình trạng tắc ở một khâu mà làm nghẽn cả dây chuyền. Đặc biệt, cần tập trung vào 1 đầu mối, đơn giản hóa quy trình, thủ tục.

Minh Phương

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/giai-bai-toan-co-tien-nhung-khong-tieu-duoc-trong-dau-tu-cong-675902.html

 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.