Menu

Hiểu thực chất hội nhập để hội nhập thực chất

17/08/2024 14:34:14

Hội nhập là quá trình chủ động, tích cực kết nối và thâm nhập sâu, toàn diện kinh tế quốc gia vào kinh tế thế giới. Đây là sự nghiệp toàn dân (Nghị quyết 07 về hội nhập, 2001) và mang lại lợi ích quan trọng trong phát triển lâu dài, bền vững. Hiểu thực chất hội nhập để hội nhập thực chất, góp phần đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hội nhập tạo áp lực buộc chủ thể giành đối xử tốt nhất (đãi ngộ tối huệ quốc) lẫn nhau và không có sự phân biệt. Một hệ thống cam kết minh bạch, bình đẳng, thống nhất được các quốc gia xây dựng và tuân thủ triệt để. Các loại rào cản được loại bỏ và sự lãng phí xã hội được chuyển hóa thành lợi ích quốc gia và cả cộng đồng. Lợi ích hội nhập trở thành nội động lực thúc đẩy các chủ thể quyết liệt hành động để tận dụng kịp thời cơ hội. Hội nhập gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau, mở rộng tiềm năng phát triển ra bên ngoài, tăng thâm nhập lợi ích lẫn nhau dẫn đến tính phức tạp trong phân chia lợi ích các bên. Quá trình hợp tác và đấu tranh diễn ra liên tục, theo đó, năng động hóa kinh tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Việt Nam và khối ASEAN (Ảnh tư liệu)

Theo đó, các quốc gia đều xây dựng lộ trình và thể hiện quyết tâm bảo vệ đến cùng lợi ích và gia tăng tối đa lợi ích sản phẩm, doanh nghiệp, ngành và quốc gia, ngắn hạn và dài hạn. Điều đó cho thấy tính chất “tối thượng” của lợi ích quốc gia dân tộc mà không một quốc gia nào chịu từ bỏ và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Lợi ích quốc gia là lợi ích bao trùm, cơ bản và lâu dài, trực tiếp tác động đến uy tín và vị thế quốc gia.

Việt Nam đã khẳng định quan điểm lợi ích quốc gia là tối thượng trong hội nhập trong văn kiện chính trị cao nhất (Văn kiện Đại hội XII) từ năm 2016. Đây là sự khẳng định nhận thức đầy đủ nhất  thực chất hội nhập và trở thành nguyên tắc xuyên suốt trong hội nhập.

Ngoại lực được chuyển hóa thành nội lực vững chắc

Kể từ khi tiến hành đổi mới (1986), nhất là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới  (WTO) vào năm 2007, đến năm 2024, nền kinh tế Việt Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về quy mô, vị thế và mức độ ảnh hưởng trong khu vực và thế giới, nhất là năng lực vượt qua được các cuộc khủng hoảng khu vực và thế giới cũng như đại dịch COVID-19.

Thứ nhất, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hoàn thiện liên tục và nội lực được phát huy về tài nguyên, lao động, vốn. Các cam kết quốc tế trong các hiệp định quốc  tế nhất là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP đang tạo chỗ dựa để hoàn  thiện thể chế theo chiều sâu theo xu hướng khu vực.

Thứ hai, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) duy trì bình quân 6-7%năm, Việt Nam đang chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp (2011) lên thu nhập trung bình cao (2030), tầng lớp trung lưu tăng nhanh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng liên tục, đứng nhóm đầu các nước ASEAN và và xếp thứ 20 thế giới vào năm 2020.

Thứ ba, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân trưởng thành đáng kể và từng bước chuyển thành lực lượng sáng tạo giá trị cao trong nền kinh tế. Việc vươn mạnh ra nước ngoài góp phần phát triển tư duy chiến lược quốc tế, tìm kiếm miền giá trị mới ngoài quốc gia kết hợp khai thác thị trường 100 triệu dân trong nước là động lực thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp  lớn mạnh cả số lượng và chất lượng.  

Những thành công về kinh tế tạo nền tảng củng cố lòng tin của quốc tế vào năng lực hội nhập chủ động, tích cực của Việt Nam, thực sự là đối tác đáng tin cậy và có năng lực để đảm nhiệm trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế. Rõ ràng, hội nhập trực tiếp phục vụ mục tiêu dân giàu, nước  mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tăng thực chất của chủ động, tích cực hội nhập

Những thành công hội nhập chủ động, tích cực góp phần khai thác nhiêu cơ hội và vượt qua nhiều thách thức, chuyển dịch từ ngoại lực thành nội lực hiệu quả, chiều sâu và tạo sức mạnh cốt lõi phản ánh đúng thực chất hội nhập. Nguyên tắc lợi ích quốc gia là tối thượng được tuân thủ tuyệt đối.

Thực tế cho thấy, những lĩnh vực thế hiện sức mạnh và động lực lớn nhất của hội nhập là thương mại và đầu tư quốc tế đang có điểm cần điều chỉnh. Vốn đầu tư nước ngoài đang ở giai đoạn thứ 3 có xu hướng chiếm giữ những lĩnh vực công nghệ cao và có khả năng sinh lợi lớn. Khoảng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài, năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân được được triệt để phát huy.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh được cải thiện, song chưa tạo động lực đủ mạnh để khuyến khích tinh thân doanh nhân hiệu quả, chưa tạo được làn sóng khởi nghiệp đủ để thay đổi cơ cấu kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc tế. Môi trường kinh doanh mặc dù được cải thiện nhưng chưa tạo sức chống chịu phù hợp với độ mở rất cao của nền kinh tế (khoảng 180%) cho nên nền kinh tế dễ bị tổn thương khi sự thay đổi đột ngột từ bên ngoài.  

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ bằng 93% năm 2022 do tình trạng suy giảm đơn hàng từ nước ngoài. Đến năm 2024, tình trạng này đã có sự chuyển hướng tích cực khẳng định chiều hướng vươn lên không ngừng của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 1986 đến năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng lên 34 lần. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa có thời điểm đạt trên 730 tỷ đô la Mỹ và con số này kỳ vọng tăng lên trên 1000 tỷ đô la Mỹ trước năm 2030. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt con số 230 tỷ đô la Mỹ. Việt Nam đã ký kết và triển khai thực hiện 16 hiệp định thương mại tự do. Động lực phát triển từ bên ngoài đang chuyển dịch dần thành nội lực theo phương châm “nguồn lực bên trong đóng vai trò quyết định, nguồn lực bên ngoài đóng vai trò quan trọng”.

Điều đó cho thấy hội nhập tích cực, chủ động là chủ trương đúng đắn, phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện đất nước song chưa thật đầy đủ, cần coi trọng hơn nữa đến cải thiện tăng tính thực chất của hội nhập để nội lực và tính vững vàng của sản phẩm, doanh nghiệp, ngành, nền kinh tế đất nước có sức mạnh liên tục gia tăng.

Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trên bản đồ thế giới (Ảnh tư liệu) 

Kiên định hội nhập thực chất

Thực chất hội nhập là chuyển hóa ngoại lực thành quá trình tích lũy liên tục nội lực hiệu quả. Hội nhập thực chất sẽ là phương thức chuyển từ đãi ngộ “tối huệ” trong ứng xử giữa các quốc gia thành lợi ích “tối thượng”. Đây là nhận thức nhất quán cần được tuân thủ triệt để và nâng cao. Chuyển hóa triệt để cam kết quốc tế trực tiếp từ các hiệp định thương mại thành chương trình hành động cụ thể, chính sách, quy định và cơ hội, động lực phát triển mới đối với các ngành, doanh nghiệp. Đồng thời, cần chủ động chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đón nhận và thích ứng sáng tạo các cam kết mới gắn với giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, cam kết thuế tối thiểu toàn cầu 15%, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng giảm tỷ trọng năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Phát triển mạnh đội ngũ doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp thành làn sóng lớn để phát huy tiềm lực của thị trường 100 triệu dân đang trên đà phát triển, xây dựng các mô hình kinh doanh mới do người Việt làm chủ. Coi trong đầu tư nghiên cứu và phát triển để tạo ra những sản phẩm trí tuệ, sản phẩm sáng tạo mang bản sắc Việt Nam đi đối với việc tiếp nhận chuyển giao, giải mã bí quyết công nghệ nước ngoài vào người Việt. Huy động tiềm lực đổi mới sáng tạo trong mọi tầng lớp dân cư và lực lượng người Việt ở nước ngoài để nhân lên sức mạnh đổi mới sáng tạo trong nước.

Cần có thể chế thúc đẩy tính thực chất hội nhập, cần đổi mới mô hình tăng trưởng, tinh giản bộ máy quản lý dựa trên nền tảng công nghệ số và tăng tính minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình, cải thiện quyết liệt môi trường kinh doanh các cấp, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững, phù hợp xu hướng thế giới, tăng tính tin cậy của dự báo và có cơ chế phòng ngừa rủi ro hợp lý.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lang - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/hieu-thuc-chat-hoi-nhap-de-hoi-nhap-thuc-chat-675130.html

 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.