Menu

Khai mạc Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

10/12/2024 15:56:32

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước mắt phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để triển khai ngay các Luật được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV thông qua, rút ngắt thời gian các khâu chuẩn bị văn bản hướng dẫn để các quy định mới đi vào thực tiễn nhanh nhất, khơi thông các dòng tín dụng, ngân sách, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Sáng 10/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 40.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 02 ngày 10 và 11/12/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: TL) 

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các chương trình công tác cho năm 2025, bao gồm: (1) Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025; (2) Xem xét, thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình hoạt động đối ngoại hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Đồng thời, xem xét đề nghị bổ sung 06 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 gồm: dự án Luật Phá sản (sửa đổi); dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật Báo chí (sửa đổi); dự án Luật Luật sư (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, theo dự kiến, cuối tháng 2/2025 Quốc hội sẽ họp nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến công tác tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)...

Tại phiên họp thứ 40 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Ninh Bình và 06 nội dung về tài chính, ngân sách, bao gồm: bổ sung dự toán chi thường xuyên cho Ủy ban Sông Mê công Việt Nam năm 2024; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; bổ sung dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương và bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024; giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 11/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2024); cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư; cho ý kiến về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh.

Toàn cảnh Phiên họp. (Ảnh: TL)

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong trường hợp các cơ quan chuẩn bị kịp tài liệu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định mức chi phí tổ chức và hoạt động quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025 - 2027.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước mắt phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để triển khai ngay các Luật được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV thông qua, rút ngắt thời gian các khâu chuẩn bị văn bản hướng dẫn để các quy định mới đi vào thực tiễn nhanh nhất, khơi thông các dòng tín dụng, ngân sách, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội (dự kiến các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết kỳ 8 là: 122 văn bản, trong đó có 60 nghị định, 06 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 56 thông tư).

Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thành các phương án, đề án, sửa đổi các luật để tiến hành đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu.

Để phiên họp được tiến hành hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan, tiếp tục đóng góp ý kiến sâu sắc, thẳng thắn trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu. Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan bố trí thành phần dự họp đúng thẩm quyền, nhiệm vụ được giao để đảm bảo hoàn thành chương trình phiên họp.

Ngay sau khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2024)./.

Vy Anh

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/khai-mac-phien-hop-thu-40-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-686006.html

 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.