Menu

Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức

14/08/2024 20:36:57

Để thương mại điện tử phát triển bền vững, tạo động lực phát triển mới cho kinh tế số cần có cơ chế, chính sách khơi thông các điểm nghẽn, kinh tế số cần đổi mới sáng tạo.

Ngày 14/8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề ''Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức'' với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp…

Các khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: ĐT 

Hơn 1,1 triệu hộ kinh doanh có doanh thu từ giao dịch thương mại điện tử

Các đánh giá cho thấy, trong dòng chảy mạnh mẽ và mãnh liệt của thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số đang được xem là một trong những động lực quan trọng hàng đầu để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. Đón đầu xu thế này, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế số ở từng ngành, lĩnh vực trọng tâm, trong đó, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiêu biểu, điển hình của kinh tế số.

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD

Hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử, nông sản có khoảng 5,2 triệu hộ nông dân mở cửa hàng. Hằng năm có hơn 1,1 triệu hộ kinh doanh có doanh thu từ bán nông sản qua hình thức giao dịch thương mại điện tử. Cùng đó, kênh giao dịch điện tử, nền tảng số trung gian, như: Shopee, Lazada đang đóng góp vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Với đà hiện nay, mục tiêu đặt ra là doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là có thể đạt được.

Hoàn thiện chính sách, đổi mới sáng tạo từ khâu sản xuất để thúc đẩy kinh tế số

Tại Tọa đàm, PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ: “Thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15 - 17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19. Đưa các hoạt động bán buôn, bán lẻ, lên nền tảng thương mại số, thương mại điện tử trở thành xu hướng lớn, chiếm 19,6% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu. Còn tại Việt Nam, mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 và chúng ta có thể đạt được mục tiêu này”.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế cho hay: "Ngoài độ hấp dẫn của Việt Nam, dân số trẻ, tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online gắn với gen Z, thương mại điện tử tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập. Thương mại điện tử phát triển ở khu vực nông thôn cũng rất mạnh mẽ, gần tiệm cận với thành phố. Tuy nhiên, việc thúc đẩy thương mại điện tử hay kinh tế số còn nhiều điểm cần lưu ý vì "màu hồng" nào cũng đi liền với chính sách".

Theo ông Võ Trí Thành, trong quá trình phát triển, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp. Đó là một phần của quá trình phát triển nhưng cũng có thể tạo ra những tác động không mong muốn.

"Chúng ta cần quan tâm về mặt chính sách để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, điểm lưu ý thứ hai liên quan đến những câu chuyện về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó làm sao để phát triển đem lại lợi ích tốt nhất chứ không phải lúc nào cũng màu hồng" - ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Nhận định tiềm năng, dư địa phát triển thương mại điện tử còn rộng lớn, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, thương mại điện tử đang là lĩnh vực có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khu vực với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí họ có thể phát triển bình đẳng với doanh nghiệp lớn.

Theo bà Lại Việt Anh, việc hiện thực hóa kì vọng xuất khẩu thương mại điện tử đạt hơn 11 tỉ USD vào năm 2027 là một bài toán đường dài. Theo đó, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ các nền tảng thương mại điện tử cũng như từ cơ quan quản lí nhà nước.

"Ngoài ra, hiện nay tiêu dùng xanh và bền vững là xu hướng nổi trội trên toàn thế giới. Để hàng hóa Việt Nam vươn ra ra thị trường toàn cầu, cần cân nhắc đến yếu tố phát triển bền vững. Chính vì vậy, thương mại điện tử nên ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho những yêu cầu về truy xuất hàng hóa; áp dụng số hóa vào chuỗi quy trình sản xuất, chuỗi giá trị. Từ đó có thể đảm bảo những quy định về bảo vệ môi trường, chống rác thải..." - bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.

Bà Lại Việt Anh cho hay, tới đây, để tạo đột phá cho thương mại điện tử, một trong những vấn đề quan trọng đó là cần gắn những định hướng phát triển chuỗi cung ứng trong thương mại điện tử với những quy hoạch phát triển vùng, hệ thống phân phối, dịch vụ logictics. Đây là những việc Bộ Công Thương đã làm trong giai đoạn vừa qua và sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới. Mắt xích quan trọng nhất là thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm, để xác định được những địa phương nào có những ưu thế về hàng hoá, logictics.

Bên cạnh đó, theo bà Lại Việt Anh, định hướng kế hoạch phát triển thương mại điện tử trong 5 năm tới mà Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ đó là hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế; trong đó xây dựng những giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới và xuất khẩu nói chung. Ngoài ra, thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật của thị trường./.

Kha Thoa

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-co-hoi-dong-luc-va-thach-thuc-675021.html

 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.