Menu

Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn mang tính cơ học

19/08/2024 20:02:11

Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn mang tính cơ học. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao...

Sáng 19/8, tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018 - 2023”. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công

Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát cho biết, về kết quả đạt được, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng -  Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát báo cáo tại phiên họp

Nổi bật là việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đạt kết quả tích cực, nhất là giai đoạn 2015 - 2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33%/chỉ tiêu 10%). Các ĐVCNSL sau sắp xếp, tổ chức lại đã phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) của ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý; giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67%/chỉ tiêu 10%); số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định.

Chính sách xã hội hoá việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từng bước phát huy hiệu quả; góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của người dân và giảm áp lực, quá tải trong hoạt động của ĐVSNCL.

Việc đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các ĐVSNCL chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả hơn. Việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công trong các ĐVSNCL được chú trọng, góp phần khắc phục tình trạng lãng phí...

Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp

Đoàn giám sát cũng chỉ ra việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc thể chế hoá chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của ĐVSNCL còn chưa đầy đủ, kịp thời; quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của ĐVSNCL còn phân tán, tính thống nhất có phần còn hạn chế; việc triển khai thực hiện một số văn bản còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL chủ yếu còn mang tính cơ học. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao.

Chính sách thúc đẩy xã hội hoá cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường còn chưa đồng bộ. Việc chuyển ĐVSNCL đủ điều kiện thành công ty cổ phần tiến hành chậm, kết quả rất thấp. Còn nhiều vướng mắc trong thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học.

Cùng với đó, việc hướng dẫn và áp dụng mô hình quản trị như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư còn lúng túng, chưa hiệu quả. Chủ trương thành lập hội đồng trường ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập còn bất cập…

Phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm, bài học kinh nghiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng -  Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát cho biết, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, có nhiều nguyên nhân chủ quan như: nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ, toàn diện, còn tư duy trông chờ, ỷ lại vào nhà nước; chưa chú trọng việc xây dựng, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách về ĐVSNCL; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, thiếu kiểm tra, đôn đốc; công tác quản lý nhà nước còn thiếu đồng bộ, chưa phân định rõ vai trò quản lý nhà nước với việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công…

Báo cáo kết quả giám sát cũng nêu cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, chính quyền địa phương cấp tỉnh đối với các hạn chế nêu trên và rút ra 09 bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới./.

Tú Giang

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/sap-xep-to-chuc-lai-cac-don-vi-su-nghiep-cong-lap-con-mang-tinh-co-hoc-675427.html

 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.