Thế giới tuần qua: Nắng nóng gay gắt ở nhiều nước
Trong tuần qua (22-28/4), do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino, thời tiết nắng nóng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực châu Á là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất.
Ghi nhận nắng nóng cao điểm ở các quốc gia châu Á
*Campuchia đang hứng chịu đợt nắng nóng khốc liệt với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể dao động từ 40-42 độ C ở một số khu vực trên phạm vi toàn quốc, giữa cao điểm mùa khô năm 2024. Trong đó, từ ngày 26-27/4, nhiệt độ cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này có thời điểm lên tới 40-42 độ C, đặc biệt là ở vùng cao nguyên phía Bắc và vùng trung du Tây Bắc. Trong số này, tỉnh Tây Bắc Oddar Meanchey là địa phương ghi nhận nền nhiệt cao nhất trong đợt nắng nóng với nhiệt độ có thể lên đến 42 độ C, trong khi nhiệt độ ở thủ đô Phnom Penh lên tới 40 độ C.
Trẻ em tắm ao tránh nắng tại Dhaka, Bangladesh (Ảnh: AFP/TTXVN)
*Trong bối cảnh nhiệt độ tiếp tục gia tăng trên khắp đất nước, Bộ Y tế Myanmar khuyến cáo người dân nước này thực hiện những biện pháp đề phòng để bảo vệ sức khỏe. Theo báo cáo của Cơ quan khí tượng Myanmar, nhiều khu vực trên cả nước ghi nhận nền nhiệt tăng đột biến, trong đó không ít địa phương báo cáo mức nhiệt trên 40 độ C. Dự báo nhiệt độ ở miền Trung và vùng đồng bằng nước này có thể sẽ tiếp tục tăng cao trong hai ngày 28 - 29/4.
*Thái Lan đã trải qua một đợt nắng nóng gay gắt trong tuần qua, với nhiệt độ 44,2 độ C được ghi nhận tại tỉnh Lampang ở phía Bắc hôm 22/4 - chỉ thấp hơn 0,4 độ C so với kỷ lục 44,6 độ C mà nước này ghi nhận trong năm ngoái. Trong khi đó, chính quyền thành phố Bangkok đã đưa ra cảnh báo nắng nóng cực độ vì chỉ số nhiệt - có tính đến độ ẩm, tốc độ gió và các yếu tố khác - dự kiến sẽ vượt ngưỡng 52 độ C. Theo số liệu do Bộ Y tế Thái Lan mới công bố, ít nhất 30 người đã tử vong do sốc nhiệt từ ngày 1/1-17/4 năm nay.
*Tại Philippines, cảnh báo chỉ số nắng nóng đạt mức “nguy hiểm” với nhiệt độ vượt quá 42 độ C, được đưa ra đối với nhiều khu vực bao gồm vùng thủ đô Manila. Bộ Y tế Philippines ngày 24/4 cho biết từ đầu năm cho đến ngày 18/4, nước này đã ghi nhận ít nhất 34 trường hợp mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng, trong đó đã có 6 ca tử vong.
*Malaysia đã phát cảnh báo thời tiết nắng nóng trong mùa Hè 2024 và Bộ Giáo dục nước này khuyến cáo những biện pháp bảo vệ sức khỏe đối với học sinh, sinh viên trên cả nước trong bối cảnh nước này lần đầu tiên nâng cảnh báo nắng nóng lên mức 1 tại 10 khu vực.
*Trong tuần qua, hàng triệu học sinh ở Bangladesh đã phải nghỉ học khi các trường học đóng cửa do nắng nóng quá mức. Bangladesh đang hứng chịu một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất được ghi nhận, với nhiệt độ cao hơn mức trung bình từ 4-5 độ C.
Nghiên cứu khoa học cho thấy biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn. Liên hợp quốc (LHQ) trong tuần qua cho biết châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các mối nguy hiểm về khí hậu. Trong đó, hàng triệu người ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á đã phải chịu nắng nóng bất thường trong tuần qua.
Căng thẳng ở Trung Đông đe dọa nỗ lực kiểm soát lạm phát toàn cầu
Trong báo cáo về thị trường hàng hóa toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh cuộc xung đột giữa Hamas - Israel tại Dải Gaza đã khiến căng thẳng leo thang khắp khu vực, gây áp lực lên giá các mặt hàng quan trọng, đáng chú ý là dầu mỏ và vàng.
Báo cáo đề cập đến kịch xấu nhất là giá dầu mỏ tăng nhanh có thể đẩy lạm phát toàn cầu lên cao.
Người tị nạn Palestine nhận hàng viện trợ tại thành phố Rafah, Dải Gaza . Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện căng thẳng ở Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" sau hơn 200 ngày kể từ khi cuộc xung đột giữa Hamas-Israel bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái.
Cơ quan y tế vùng lãnh thổ do Hamas kiểm soát cho biết cuộc tấn công quân sự của Israel đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 34.262 người ở Gaza, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
WB ước tính sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến xung đột ở mức vừa phải có thể đẩy giá trung bình của một thùng dầu thô Brent lên 92 USD/thùng, trong khi sự gián đoạn nghiêm trọng có thể đẩy giá dầu thô lên mức hơn 100 USD/thùng.
WB cảnh báo với kịch bản xấu nhất này, lạm phát toàn cầu có thể tăng gần 1 điểm phần trăm trong năm nay. WB cho rằng ngoài việc trì hoãn cắt giảm lãi suất, xung đột Trung Đông có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, vốn đã xấu đi vào năm ngoái do các cuộc xung đột vũ trang và giá lương thực tăng cao.
Bắt đầu hành trình đưa ngọn đuốc Olympic Paris 2024 tới Pháp
Ngày 26/4, tại sân vận động Panathenaic, thủ đô Athens của Hy Lạp, đã diễn ra lễ chuyển giao ngọn đuốc Olympic cho ban tổ chức Olympic Paris 2024. Giới chức Hy Lạp, Pháp cùng các thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và hàng nghìn khán giả đã có mặt để chứng kiến nghi lễ quan trọng này.
Lễ chuyển giao ngọn đuốc Olympic cho ban tổ chức Olympic Paris 2024 tại Athens, Hy Lạp.
(Ảnh: THX/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban Olympic Hy Lạp Spyros Capralos đã trao ngọn đuốc cho Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic và Paralympic Paris 2024 Tony Estanguet tại sân vận động Panathenaic, nơi diễn ra kỳ Olympic hiện đại đầu tiên vào năm 1896. Hai vận động viên Pháp là vận động viên trượt băng Gabriella Papadakis và cựu vận động viên bơi lội khuyết tật Beatrice Hess - một trong những vận đông viên Paralympic thành công nhất lịch sử - đã cùng rước ngọn đuốc Olympic trong hành trình cuối cùng tại sân vận động Panathenaic.
Dự kiến, vào ngày 8/5 tới, tàu Belem sẽ tới Marseille và tại đây sẽ diễn ra lễ đón nhận ngọn đuốc Olympic. Theo kế hoạch, hành trình rước đuốc diễn ra hơn 450 thị trấn và thành phố cùng hàng chục điểm du lịch tại Pháp và vùng lãnh thổ hải ngoại của nước này với tổng chiều dài lên tới 12.000 km.
Ngọn đuốc thiêng sẽ được thắp sáng tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024 vào ngày 26/7 tới sau hành trình rước đuốc kéo dài 68 ngày.
Anh thông qua Dự luật về di cư
Dự luật về di cư (gọi tắt là Dự luật Rwanda) vừa chính thức được Nghị viện Anh thông qua. Đây là bước tiến lớn thể hiện nỗ lực của Chính phủ Anh nhằm ngăn chặn và giải quyết vấn đề di cư trái phép nói chung, và người nhập cư vào Anh bằng thuyền hơi nói riêng.
Năm 2023 có hơn 29.000 người tìm cách vượt biên vào Anh qua biển Manche. (Ảnh: UPI)
Việc thông qua Dự luật vào ngày 22/4 vừa qua đồng nghĩa với việc Chính phủ Anh tiến rất gần tới việc thực hiện các chuyến bay đưa người di cư đến Rwanda, và tiên phong trong giải quyết vấn đề về di cư trái phép trên toàn cầu.
Chính phủ Anh đã lên kế hoạch chi tiết đảm bảo chuyến bay đầu tiên đến Rwanda có thể thực hiện trong vòng 10 - 12 tuần tới; và tiếp tục tổ chức các chuyến bay tương tự nối tiếp.
Đạo luật mang tính bước ngoặt này đồng nghĩa với việc Vương quốc Anh, bao gồm các Tòa án và cơ quan xét xử của Anh, công nhận Rwanda là quốc gia an toàn cho mục đích tái định cư.
Quy định mới này sẽ gỡ bỏ rào cản về pháp lý nhằm trì hoãn hoặc cản trở việc đưa người sang Rwanda với lý do đất nước này không an toàn, hoặc hồi hương các cá nhân về một đất nước không an toàn sau khi được đưa đến Rwanda – hay còn gọi là quy định về hồi hương.
Các biện pháp này cùng với những thay đổi tại Rwanda kể từ mùa hè năm 2022 cho phép Chính phủ Anh thực hiện chính sách, phát triển kế hoạch quy mô lớn hơn nhằm ngăn chặn nhập cư trái phép bằng thuyền hơi.
Dự luật sẽ là một trong những đạo luật cứng rắn nhất mà Vương quốc Anh từng ban hành, và được xây dựng dựa trên Hiệp ước Anh - Rwanda, thể hiện khả năng bảo vệ và cam kết tái định cư của Chính phủ Rwanda theo Hiệp ước đã ký.
Chính phủ Anh đã hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm ngăn chặn hơn 26.000 lượt vượt biển vào năm ngoái, cũng như triệt phá 82 nhóm tội phạm có tổ chức kể từ tháng 7/2020.
Philippines vật lộn với dịch sởi và ho gà
Philippines đang trải qua các đợt bùng phát dịch sởi ở khu vực phía Nam và ho gà ở các khu vực Luzon và Visayas ở miền Trung, và gần 70% các tỉnh thành phố có nguy cơ cao bùng phát dịch bại liệt. Đây là thông báo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 25/4.
Một nhân viên y tế Philippines chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ ở thành phố Paranaque, Metro Manila
(Ảnh: EPA-EFE)
UNICEF nhấn mạnh cả 3 bệnh này đều là bệnh có khả năng lây nhiễm cao đối với trẻ em. UNICEF cho biết khu tự trị Bangsamoro ở Mindanao đã thông báo hơn 500 ca mắc bệnh sởi trước ngày 1/4, khi một chiến dịch mang tên Tiêm chủng ngừa dịch sởi bắt đầu nhằm đối phó với đợt bùng phát dịch sởi hồi giữa tháng 3. Theo UNICEF, con số này chiếm một nửa số ca thông báo trong gần cả năm 2023 và có thể thực tế còn cao hơn nhiều.
UNICEF nhấn mạnh ngoài việc kiểm soát bùng phát sởi, vaccine thông thường cho trẻ em như bại liệt và bạch hầu cần phải được cung cấp để đạt miễn dịch cộng đồng và cải thiện tương lai của người dân Bangsamoro.
Khu vực Bangsamoro có các chỉ số y tế, dinh dưỡng, giáo dục và các chỉ số phúc lợi khác thấp nhất so với các khu vực khác của Philippines. Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy gần 900 trẻ em ở Philippines tử vong do sởi trong 5 năm qua. Để hỗ trợ cuộc chiến chống lại các đợt bùng phát dịch sởi và ho gà, UNICEF đang hỗ trợ mua khẩn cấp 2 triệu liệu vaccine ngừa sởi. Một triệu liều vaccine ngừa sởi sẽ đến trong những tuần tới, với 1 triệu liều nữa dự kiến trong những tháng tới.
PV (tổng hợp)
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-nang-nong-gay-gat-o-nhieu-nuoc-664053.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Giá dầu thế giới giảm mạnh
- Thế giới tuần qua: Thúc đẩy hành động khí hậu toàn cầu
- Chuyên gia Nga: Iskander có khả năng vô hiệu hóa căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan
- G20 2024: “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”
- Tăng cường hợp tác xây dựng môi trường thương mại, đầu tư tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm
- Nam Phi tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia sau khi lũ lụt
- ADB cam kết tài trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP29