Hơn 63.000 người di cư thiệt mạng hoặc mất tích trong thập kỷ qua
Ít nhất 63.285 người đã bị thiệt mạng hoặc mất tích trên các tuyến đường di cư khắp thế giới trong giai đoạn từ năm 2014 - 2023, trong đó đa số các trường hợp thiệt mạng là do đuối nước.
Những người di cư ngồi trên boong tàu của Hải quân Bỉ sau khi được cứu ở Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Libya vào ngày 24/6/2015 (Ảnh: AP).
Một báo cáo do Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) công bố ngày 26/3 cho thấy, phần lớn các trường hợp thiệt mạng hoặc mất tích (28.854 người) trên tuyến Địa Trung Hải, tiếp đến là châu Phi và châu Á. Gần 60% số người thiệt mạng được ghi nhận có liên quan đến đuối nước và hơn 33,3% số người di cư được xác định là đến từ các quốc gia xung đột, trong đó có Afghanistan, Syria, Ethiopia...
Báo cáo của IOM cũng cho thấy năm 2023 là năm nguy hiểm nhất đối với người di cư trong thập kỷ vừa qua khi có tới 8.541 người thiệt mạng, một phần do số người chết đuối ở Địa Trung Hải tăng mạnh.
Báo cáo cho biết: “Sự gia tăng số người thiệt mạng có thể liên quan đến sự gia tăng số lượng người khởi hành và tương ứng là các vụ đắm tàu ngoài khơi Tunisia”. Theo báo cáo, ít nhất 729 người thiệt mạng ngoài khơi bờ biển Tunisia vào năm 2023, trong khi con số này vào năm 2022 là 462 người. Những năm trước, hầu hết các trường hợp thiệt mạng tại miền Trung Địa Trung Hải được xác định ở ngoài khơi Libya.
Với việc các đảng phản đối nhập cư ngày càng có tầm ảnh hưởng trên khắp châu Âu trong nhiều năm qua, chính phủ các quốc gia tại châu lục này đã nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư vào đất nước mình bằng cách cam kết tài trợ cho các quốc gia dọc Địa Trung Hải như Tunisia và Ai Cập.
Đầu tháng này, Liên minh châu Âu (EU) cam kết viện trợ 7,4 tỷ euro (8 tỷ USD) cho Ai Cập. Chính phủ của một số nước châu Âu, bao gồm Italy, Hungary và Anh, đã đặt việc hạn chế nhập cư làm ưu tiên hàng đầu.
Hơn một thập kỷ trước, cái chết của 600 người di cư và người tị nạn trong hai vụ đắm tàu ở Địa Trung Hải gần bờ biển Italy đã gây chấn động thế giới và khiến cơ quan di cư của Liên hợp quốc bắt đầu thống kê số người chết hoặc mất tích khi họ chạy trốn khỏi xung đột, đàn áp hoặc nghèo đói để đến các nước khác.
Ông Jorge Galindo, người phát ngôn của Viện Dữ liệu Toàn cầu của IOM, cho biết: “Những con số này khá đáng báo động. Chúng tôi thấy rằng 10 năm trôi qua, mọi người vẫn tiếp tục mất mạng để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Báo cáo của IOM cho biết số trường hợp thiệt mạng “có thể chỉ là một phần nhỏ so với số người thiệt mạng thực tế trên toàn thế giới” do khó khăn trong việc thu thập và xác minh thông tin./.
PG (Theo Arab News/AP, Aljazeera)
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/hon-63000-nguoi-di-cu-thiet-mang-hoac-mat-tich-trong-thap-ky-qua-661998.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Giá dầu thế giới giảm mạnh
- Thế giới tuần qua: Thúc đẩy hành động khí hậu toàn cầu
- Chuyên gia Nga: Iskander có khả năng vô hiệu hóa căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan
- G20 2024: “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”
- Tăng cường hợp tác xây dựng môi trường thương mại, đầu tư tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm
- Nam Phi tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia sau khi lũ lụt
- ADB cam kết tài trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP29