Menu

Thế giới tuần qua (27/5 - 31/5): Triển vọng mờ nhạt

02/06/2024 15:16:49

Việc một số nước châu Âu trong tuần qua thông báo chính thức công nhận nhà nước Palestine đã làm gia tăng hy vọng về việc khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông trên cơ sở giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại hòa bình. Tuy nhiên, khói lửa xung đột vẫn bao trùm Dải Gaza khiến cho con đường hòa bình Trung Đông vẫn gặp nhiều trở ngại.

Tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn còn nhiều trở ngại

Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 7/5/2024.

(Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 28/5, Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland đã chính thức công nhận nhà nước Palestine. Ba nước châu Âu cho rằng hành động của họ sẽ khuyến khích các quốc gia khác làm theo. Việc có thêm 3 quốc gia châu Âu chính thức công nhận nhà nước Palestine được đánh giá mang tính biểu tượng cao và đánh dấu sự thay đổi trong quan hệ quốc tế, làm tăng kỳ vọng về việc khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông trên cơ sở giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại hòa bình.

Tuy nhiên, bạo lực, bom đạn, khói lửa vẫn bao trùm khu vực Dải Gaza đang khiến cho con đường hòa bình Trung Đông vẫn gặp vô số trở ngại. Các cuộc tấn công vẫn diễn ra dồn dập, như cuộc không kích của Israel vào một trại tị nạn ở Rafah ngày 27/5, khiến ít nhất 40 người Palestine thiệt mạng và 65 người bị thương hay vụ phóng rocket từ Dải Gaza vào thành phố Tel Aviv và các khu vực lân cận ở miền Trung Israel chiều 26/5… đã thực sự phủ bóng đen lên những đốm lửa vừa nhen”.

Ngày 29/5, Cố vấn an ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi tuyên bố: "Giao tranh ở Dải Gaza sẽ còn diễn ra trong ít nhất 7 tháng nữa". Điều này cho thấy Israel vẫn chưa sẵn sàng kết thúc giao tranh theo đề nghị của Hamas, như một phần của thỏa thuận trao đổi con tin.

Lịch sử mâu thuẫn chồng chất và dai dẳng giữa người Israel và người Palestine kéo dài hàng thập niên qua, đặc biệt là thảm họa nhân đạo chưa từng thấy tại Dải Gaza kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát ngày 7/10/2023, càng khẳng định tính cấp thiết của một giải pháp chính trị toàn diện vốn được cộng đồng quốc tế thúc đẩy hàng chục năm nay. Đó là việc hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại trong hòa bình, an ninh và công nhận lẫn nhau, đồng thời tôn trọng quyền tự quyết của người Palestine.

Iran bắt đầu quy trình đăng ký ứng cử viên tranh cử tổng thống

Tổng thống lâm thời Iran Mohammad Mokhber (thứ 2, trái) chủ trì một cuộc họp nội các khẩn tại thủ đô Tehran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/5, hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran đưa tin, quá trình đăng ký ứng cử viên tranh cử tổng thống của đất nước đã bắt đầu từ sáng 30/5 (theo giờ địa phương) và sẽ kéo dài 5 ngày, cho đến 3/6. Cuộc bầu cử tổng thống Iran dự kiến diễn ra ngày 28/6 tới.

Bộ trưởng Vahidi cho biết, quá trình rà soát lý lịch sẽ kéo dài 7 ngày, bắt đầu từ 4/6. Sau đó, những ứng cử viên đủ tiêu chuẩn sẽ có 14 ngày để tiến hành chiến dịch vận động tranh cử. Danh sách các ứng cử viên đủ điều kiện tranh cử sẽ được Hội đồng Giám hộ Iran công bố vào ngày 11/6.

Các phương tiện truyền thông Iran đưa tin, Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber, Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf và một số cựu quan chức nổi tiếng đang cân nhắc ra tranh cử tổng thống.

Trong số các ứng cử viên, cựu nhà đàm phán hạt nhân Saeed Jalili nổi lên như một trong những ứng cử viên đầu tiên tuyên bố tranh cử tổng thống. Những gương mặt đáng chú ý khác bao gồm cựu Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif và cựu Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani.

Theo kế hoạch ban đầu, Iran tổ chức cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 vào năm 2025. Tuy nhiên, cuộc bầu cử đã được lên kế hoạch sớm hơn là vào cuối tháng 6 năm nay, sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi và đoàn tùy tùng thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng hôm 19/5 tại khu vực miền núi thuộc tỉnh Đông Azarbaijan, Tây Bắc Iran.

Ngày 20/5, ông Mohammad Mokhber đã được lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei bổ nhiệm làm tổng thống lâm thời cho tới khi người dân nước này lựa chọn được tổng thống mới.
 

Hội nghị thượng đỉnh Trí tuệ Nhân tạo toàn cầu thúc đẩy các ưu tiên phát triển
 

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN) 

Ngày 30/5, Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Trí tuệ Nhân tạo (AI) năm 2024 đã khai mạc tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ. Hội nghị do Chính phủ Thụy Sĩ và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) thuộc Liên hợp quốc đồng tổ chức, phối hợp với 40 cơ quan của Liên hợp quốc.

Sự kiện này nhằm mục đích thúc đẩy AI vì các ưu tiên phát triển toàn cầu như y tế, khí hậu, bình đẳng giới, thịnh vượng toàn diện và cơ sở hạ tầng bền vững.

Phát biểu tại hội nghị qua video, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhận định: “AI đang thay đổi thế giới và cuộc sống của chúng ta”. Ông nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ này trong việc cải thiện chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe ở vùng sâu vùng xa, tăng năng suất cây trồng và phát triển hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai.

Thành công vượt bậc của ChatGPT - chatbot AI của công ty OpenAI (Mỹ) ngay sau khi ra mắt năm 2022 đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua trong lĩnh vực AI. Các công ty công nghệ trên toàn thế giới đổ hàng tỷ USD để phát triển các mô hình của riêng họ. Mô hình AI tạo sinh có thể tạo văn bản, ảnh, âm thanh và thậm chí cả video từ các yêu cầu đơn giản.

Những người ủng hộ cho rằng đây là bước đột phá sẽ cải thiện cuộc sống và hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những người chỉ trích cảnh báo rằng AI có thể bị lạm dụng trong nhiều tình huống khác nhau dẫn đến việc tạo ra những tin tức giả mạo. Nhiều người kêu gọi các tiêu chuẩn quốc tế để chi phối việc phát triển và sử dụng AI, đồng thời kêu gọi hành động tại các hội nghị thượng đỉnh của thế giới.
 

Papua New Guinea dừng hoạt động tìm kiếm sau vụ lở đất

Người dân tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường vụ lở đất ở tỉnh Enga, Papua New Guinea ngày 28/5/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuần qua, Papua New Guinea đã dừng hoạt động tìm kiếm những người sống sót trong vụ lở đất lớn rạng sáng ngày 24/5, khiến khoảng 2.000 người được cho là đã bị chôn vùi.

"Không ai có thể sống sót dưới đống đổ nát đến thời điểm này, vì vậy nhiệm vụ hiện giờ là tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong vụ lở đất" - Chủ tịch Ủy ban Thảm họa tỉnh Enga Sandis Tsaka nói.

Thảm họa lở đất xảy ra tại làng Kaokalam, thị trấn Porgera thuộc tỉnh Enga, cách thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea khoảng 600 km về phía Tây Bắc. Thời điểm lở đất vào khoảng 3h sáng 24/5 (giờ địa phương), khi nhiều dân làng đang ngủ. Một phần đất đá của núi Mungalo đã đổ sụp, vùi lấp nhiều ngôi nhà và tàn phá toàn bộ cộng đồng dưới chân núi. 

Theo chính phủ Papua New Guinea, hơn 2.000 người có thể đã bị chôn vùi trong trận lở đất vừa qua. Liên hợp quốc ước tính số người tử vong là khoảng 670 người, trong khi một doanh nhân địa phương và cựu quan chức nước này nói với hãng tin Reuters rằng con số này chỉ gần 160 người. Ông Tsaka cho biết chính phủ vẫn chưa xác nhận về số người thiệt mạng, nhưng đó sẽ là một "con số rất lớn".

Ngày 29/5, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo những người sống sót sau vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở Papua New Guinea đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát, trong khi nguồn cung ứng thực phẩm và nước sạch hạn chế.

IOM nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là cung cấp nước sạch, viên lọc nước và thực phẩm cho khu vực bị sạt lở đất. Cơ quan này cảnh báo việc thiếu thông tin chính xác và kịp thời về các khu vực và dân số bị ảnh hưởng đang cản trở nỗ lực cung cấp hỗ trợ nhân đạo hiệu quả.

Hiện cộng đồng quốc tế bày tỏ đoàn kết và tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Papua New Guinea vực dậy sau thảm họa lở đất.
 

Số ca bệnh sởi đang gia tăng khắp châu Âu năm thứ hai liên tiếp

Theo WHO, ít nhất 95% trẻ em cần được tiêm phòng sởi đầy đủ để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

(Ảnh: PEXELS)

Ngày 28/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số ca bệnh sởi đang gia tăng khắp châu Âu trong năm thứ hai liên tiếp và sẽ sớm vượt quá con số được ghi nhận vào năm 2023.

Theo WHO, các đợt bùng phát bệnh sởi đã được báo cáo ở 27 trong số 33 quốc gia nơi căn bệnh này được coi là đã bị xóa sổ. Azerbaijan, Kyrgyzstan và Kazakhstan là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

WHO lưu ý các ca bệnh sởi trên khắp châu Âu tiếp tục gia tăng, với số ca mắc sởi được ghi nhận trong năm nay sẽ sớm vượt quá tổng số ca được báo cáo trong suốt năm ngoái. Đặc biệt, gần một nửa số trường hợp được ghi nhận vào năm 2023 liên quan đến trẻ em dưới 5 tuổi.

WHO nhấn mạnh điều này phản ánh “sự gia tăng số trẻ em không được tiêm chủng định kỳ phòng bệnh sởi và các căn bệnh khác có thể phòng ngừa bằng vaccine trong giai đoạn đại dịch COVID-19, cùng với tỷ lệ tiêm chủng phục hồi chậm vào năm 2021 và 2022."

Qua đó, Giám đốc WHO châu Âu Hans Kluge kêu gọi tất cả các quốc gia hành động ngay lập tức, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tổng thể cao, tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương, thu hẹp khoảng cách về khả năng miễn dịch và từ đó ngăn chặn vi rút xâm nhập vào bất kỳ cộng đồng nào./.

 

PV (tổng hợp)

(theo dangcongsan.vn)

Nguồn: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-trien-vong-mo-nhat-666146.html

 

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố Logo và giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam

Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội xin trân trọng công bố Logo chính thức của cuộc thi Hoa hậu Văn hóa Du lịch Việt Nam thuộc chuỗi hành trình của Dự án công đồng "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt...

Dự án: VÌ NGƯỜI VIỆT HIỂU VỀ TRÀ VIỆT

Việt Nam, với nền văn hóa trà phong phú và đa dạng, việc uống trà đã trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ những chén trà đá vỉa hè, trà túi lọc tại nhà, đến...

Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm...

Thanhn Hóa: Khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”

Ngày 13/9/2024, tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề & Giới thiệu việc làm tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nước GMT đã khai giảng “Chương trình kiến tạo giải pháp về nước 104”.