Thế giới tuần qua: Bạn bè quốc tế tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sự ra đi của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn đối với bạn bè quốc tế – là sự kiện quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế trong tuần qua (15-21/7).
Nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng Cộng sản Việt Nam qua đời
Được tin Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng qua đời vào ngày 19/7/2024 ở tuổi 80, lãnh đạo nhiều nước đã gửi điện/thư chia buồn đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân Việt Nam.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế (Ảnh: TL)
Trong thư/điện chia buồn, các nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ sự tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước và nhân dân Việt Nam, người đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, cũng như trong việc vun đắp các mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước, góp phần xây dựng một tương lai vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.
Lãnh đạo nhiều đảng cộng sản, cánh tả trên thế giới cũng đã bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, đồng thời đánh giá cao vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư đối với Việt Nam cũng như đối với phong trào cộng sản, tiến bộ trên toàn thế giới.
Trong đó, theo thông cáo đăng tải trên nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, Cuba sẽ để tang chính thức tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 6 giờ ngày 20/7 (giờ địa phương) tới 24 giờ ngày 21/7, trong khi nghi thức quốc tang sẽ diễn ra trong cả ngày 22/7. Trong ngày 20/7 - ngày đầu tiên Cuba để tang Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, toàn bộ các phương tiện truyền thông chính thống của Cuba đều đăng tải các tin, bài về sự yên nghỉ của một người anh em, người bạn lớn của nhân dân Cuba.
Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam
Cách đây 70 năm, vào ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Geneve (Thụy Sỹ) đã trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.
Hội nghị Geneva được tổ chức từ ngày 26/4/1954 đến ngày 21/7/1954. (Ảnh tư liệu)
Phát huy sức mạnh và ảnh hưởng to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Hiệp định Geneve là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và truyền thống hòa hiếu, tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Theo chuyên gia Pháp - Tiến sĩ Eric Coudray, với Hiệp định Geneva, Việt Nam đã chiến thắng cả về quân sự và chính trị trong cuộc xung đột kéo dài. Mặc dù Hiệp định khiến Việt Nam bị chia cắt, nhưng cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam đã được người dân thế giới công nhận và ngưỡng mộ, đặc biệt là các dân tộc đang đấu tranh cho nền độc lập của họ lúc bấy giờ. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được khẳng định và thừa nhận, là cơ sở quan trọng để nhân dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh, đi đến thống nhất đất nước sau này.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Argentina Jorge Kreyness khẳng định, Hội nghị Geneva 1954 đánh dấu lần đầu tiên ngoại giao Việt Nam bước lên vũ đài quốc tế và thể hiện bước thắng lợi của các lực lượng cách mạng ba nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, dẫn tới sự tan rã hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của Pháp.
Gián đoạn các dịch vụ toàn cầu do sự cố của Microsoft
Ngày 19/7, dịch vụ đám mây của Microsoft gặp sự cố đã khiến hàng trăm chuyến bay bị hoãn hoặc hủy, trong khi các dịch vụ ngân hàng, truyền thông và các công ty khác trên thế giới cũng buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Một ngày sau khi sự cố máy tính toàn cầu, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngân hàng, bệnh viện, cơ quan truyền thông và hãng hàng không trên khắp thế giới, nhiều hãng hàng không lớn ở châu Á và châu Âu đã khôi phục hoạt động.
Biểu tượng Microsoft tại một cửa hàng ở London. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tính đến chiều 20/7, các hãng hàng không Mỹ và các sân bay trên khắp châu Á thông báo đã nối lại hoạt động, với các dịch vụ làm thủ tục được khôi phục ở Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và sân bay Changi của Singapore. Đến ngày 20/7, các dịch vụ ở Australia hầu như đã trở lại bình thường, nhưng Sân bay Sydney vẫn ghi nhận tình trạng trễ chuyến. Chính phủ Australia cũng cảnh báo về nguy cơ gia tăng các hành vi lừa đảo sau sự cố, trong đó có thể kể đến những lời đề nghị giúp khởi động lại máy tính và yêu cầu thông tin cá nhân hoặc chi tiết thẻ tín dụng. Ở châu Âu, các sân bay lớn, trong đó có sân bay Berlin (Đức), thông báo đã nối lại hoạt động, cho phép các chuyến bay khởi hành và đón chuyến bay đến sau khi hoãn toàn bộ các chuyến bay khi sự cố xảy ra.
Microsoft cho biết sự cố bắt đầu vào lúc 19:00 GMT ngày 18/7 (rạng sáng 19/7, giờ Việt Nam), ảnh hưởng đến người dùng Windows chạy phần mềm an ninh mạng CrowdStrike Falcon. CrowdStrike cho biết đã đưa ra giải pháp khắc phục sự cố và cho biết có thể cần vài ngày để khắc phục hoàn toàn.
Biểu tình lan rộng ở Bangladesh, quân đội tuần tra trên cả nước
Ngày 20/7, Bangladesh đã triển khai quân đội tuần tra các thành phố để ngăn chặn tình trạng bất ổn đang có xu hướng gia tăng do các cuộc biểu tình của sinh viên.
Biểu tình tại Đại học Dhaka, Bangladesh, ngày 16/7/2024. (Ảnh: Reuters)
Người biểu tình vẫn tụ tập bất chấp lệnh giới nghiêm của chính phủ, buộc lực lượng cảnh sát chống bạo động phải nổ súng trấn áp. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực vào lúc nửa đêm 19/7. Văn phòng Thủ tướng Bangladesh đã yêu cầu quân đội triển khai lực lượng khi tình trạng hỗn loạn lan rộng, vượt tầm kiểm soát của lực lượng cảnh sát. Người phát ngôn lực lượng vũ trang Shahdat Hossain cho biết quân đội đã được triển khai trên toàn quốc để kiểm soát tình hình trật tự và tuân thủ luật pháp.
Bạo lực tại Bangladesh nổ ra trong tuần này đã khiến ít nhất 105 người thiệt mạng, đồng thời đặt ra thách thức lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina sau 15 năm cầm quyền.
Bangladesh đã đưa ra thông báo đóng cửa vô thời hạn tất cả trường đại học công lập và tư thục từ ngày 17/7. Trong nhiều tuần qua, quốc gia Nam Á này đã "rung chuyển" bởi các cuộc biểu tình phản đối chế độ hạn ngạch việc làm nhà nước.
Vụ ngộ độc chất xyanua ở Thái Lan khiến 6 người tử vong
Ngày 16/7, truyền thông Thái Lan đưa tin, 6 người được phát hiện đã thiệt mạng trong một khách sạn cao cấp ở thủ đô Bangkok của nước này.
Chiều 17/7, Viện Pháp y Chula (Thái Lan) đã công bố kết quả khám nghiệm tử thi, khẳng định 6 người nước ngoài được phát hiện tử vong tại khách sạn Grand Hyatt Erawan là do ngộ độc chất cyanide (xyanua) gây ngạt cấp tính.
Cảnh sát được triển khai bên ngoài khách sạn Grand Hyatt Erawan ở Bangkok, Thái Lan, nơi xảy ra vụ việc ngày 16/7/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo các chuyên gia y tế, những người ăn hoặc uống phải xyanua sẽ tử vong nhanh chóng do ngạt thở, co giật do thiếu oxy lên não, gây ra tình trạng thiếu oxy cấp tính. Bằng chứng thực nghiệm hiện nay cho thấy xyanua là nguyên nhân gây tử vong.
Báo cáo cho biết tổng cộng 6 thi thể đã được tiếp nhận, gồm 3 nữ và 3 nam; cả 6 thi thể đều đã được xác định danh tính và quốc tịch, trong đó có 4 người quốc tịch Việt Nam và 2 người quốc tịch Mỹ. Báo cáo xác nhận cả 6 người đã tử vong khoảng 12 đến 24 giờ trước khi được phát hiện.
Theo cảnh sát, vụ án này là vấn đề cá nhân của 6 cá nhân, không liên quan đến băng nhóm tội phạm ở Thái Lan. Xuất phát từ những chứng cứ tại hiện trường, cùng với thông tin thu được về việc bà Sherine Chong, quốc tịch Mỹ, có khoản nợ cặp vợ chồng người Việt Nam, cảnh sát nghi ngờ đây chính là người đã đầu độc những người còn lại và tự sát./.
PV (tổng hợp)
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-ban-be-quoc-te-tiec-thuong-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-673009.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Giá dầu thế giới giảm mạnh
- Thế giới tuần qua: Thúc đẩy hành động khí hậu toàn cầu
- Chuyên gia Nga: Iskander có khả năng vô hiệu hóa căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan
- G20 2024: “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”
- Tăng cường hợp tác xây dựng môi trường thương mại, đầu tư tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm
- Nam Phi tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia sau khi lũ lụt
- ADB cam kết tài trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP29