Thế giới tuần qua: Động lực cho xu thế đa phương
Tuần qua (21-27/10), thế giới trải qua nhiều sự kiện đáng chú ý. Trong đó, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS lần thứ 16 khai mạc ngày 22/10 tại Liên bang Nga không chỉ là sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất trong năm 2024 đối với nước chủ nhà mà còn đang tạo ra một sức hấp dẫn mạnh mẽ cũng như nhận được sự quan tâm lớn trên thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS: Động lực cho xu thế đa phương
Quốc kỳ các quốc gia thành viên BRICS. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS lần thứ 16 khai mạc ngày 22/10 tại thành phố Kazan, thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức khi BRICS không chỉ gồm 5 nước có chữ cái đầu hiện diện trong tên của khối mà đã gồm 9 nước, với Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gia nhập từ đầu năm nay. Ngoài ra, Hội nghị lần này còn có định dạng BRICS mở rộng (BRICS+).
Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan không chỉ là sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất trong năm 2024 đối với nước chủ nhà Liên bang Nga mà còn đang tạo ra một sức hấp dẫn mạnh mẽ cũng như nhận được sự quan tâm lớn trên thế giới. Với chủ đề chính là “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng," sự chú ý của cộng đồng thế giới đang đổ dồn vào Kazan để dõi theo triển vọng tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil và các nước khác trong bối cảnh một thế giới bị chia rẽ và thay đổi nhanh chóng do các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông.
Các nhà lãnh đạo BRICS cũng thảo luận việc tạo ra một hệ thống tài chính và chính trị mới với đặc trưng công bằng, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, ủng hộ các nguyên tắc đa phương và tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu.
Thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan là biểu tượng cầu nối giữa châu Âu và châu Á. Đây cũng là nơi nhiều tôn giáo cùng tồn tại và phát triển vì hòa bình, vì hạnh phúc của con người và điều này cũng hàm ý mong muốn về một thế giới đa cực, cùng chung tay phát triển mạnh mẽ. Với ý nghĩa đó, những gì được thông qua ở Kazan có thể trở thành các luận điểm quan trọng để phát triển thế giới đương đại.
Gần 25 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu trực tiếp hoặc qua bưu điện
Người dân Mỹ đi bỏ phiếu. (Ảnh: CNA)
Hàng chục triệu cử tri Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu sớm, trong khi hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump tăng cường hoạt động tại các bang chiến trường. Sự cạnh tranh gay gắt khiến bang Pennsylvania và Georgia trở thành điểm nóng chính trị trong cuộc đua vào Nhà Trắng ngày 5/11 tới.
Theo dữ liệu từ Phòng Nghiên cứu bầu cử tại trường Đại học Florida, gần 25 triệu cử tri đã tiến hành bỏ phiếu trực tiếp hoặc qua bưu điện. Nhiều bang, đặc biệt là các bang chiến trường như North Carolina và Georgia, đã lập kỷ lục về số lượng cử tri đi bầu sớm ngay trong tuần đầu tiên.
Trong ngày 23/10, bà Kamala Harris - ứng cử viên của đảng Dân chủ, đã tham gia một buổi gặp mặt trực tiếp trên truyền hình tại Chester Township, Pennsylvania. Bà hy vọng sẽ thuyết phục được số ít cử tri chưa quyết định, những người có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong một cuộc đua đang rất sít sao. Bang Pennsylvania, với vị trí quan trọng trong “bản đồ bầu cử Mỹ," là nơi mà bà Harris dành nhiều thời gian và công sức trong giai đoạn nước rút này.
Trong khi đó, ông Donald Trump - ứng cử viên của đảng Cộng hòa, cũng đẩy mạnh chiến dịch tại Georgia, một bang quan trọng khác trong cuộc đua, với sự tham gia của nhiều nhân vật nổi bật như ông Tucker Carlson - cựu ngôi sao của kênh truyền hình Fox News và Robert F. Kennedy Jr. - một cựu ứng cử viên độc lập cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ.
Trong bối cảnh chưa đầy hai tuần nữa sẽ tới ngày bầu cử, cả hai ứng cử viên sẽ tiếp tục đổ dồn nỗ lực vào những bang này, nơi ngay cả 1% nhỏ phiếu bầu cũng có thể quyết định ai sẽ là Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Theo khảo sát mới nhất của do Reuters/Ipsos thực hiện, bà Harris hiện đang dẫn trước ông Trump với tỷ lệ sít sao 46% so với 43% trên toàn quốc. Điều này cho thấy cuộc đua vẫn còn rất cam go và chưa có hồi kết rõ ràng.
Malaysia tập trung vào tính bao trùm, ổn định trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2025
Ngoại trưởng Malaysia Mohamad Hasan. (Nguồn: The News Straits Times)
Ngày 22/10, Ngoại trưởng Malaysia Mohamad Hasan cho biết trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2025, nước này cam kết xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia thông qua các cuộc đối thoại, ngoại giao và thiện chí.
Tại lễ công bố logo lấy cảm hứng từ hoa dâm bụt (quốc hoa của Malaysia) và chủ đề "Bao trùm và bền vững" cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2025, Ngoại trưởng Mohamad Hasan cho biết Malaysia đang hợp tác với các quốc gia thành viên để mở rộng quan hệ đối tác kinh tế.
Theo ông, Malaysia cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy cam kết lớn hơn nhằm tăng cường thương mại nội khối và đầu tư của ASEAN, đồng thời đảm bảo ASEAN có thể tận dụng những tiến bộ trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như khai thác lợi ích của chuyển đổi số và công nghệ mới.
Nhấn mạnh các ưu tiên chính thông qua vai trò chủ tịch, Ngoại trưởng Malaysia nhấn mạnh nước này sẽ đảm bảo các yếu tố bao trùm và bền vững - là chủ đề của năm 2025, sẽ trở thành trọng tâm trong các nỗ lực xây dựng cộng đồng khu vực.
Năm 2025, ASEAN sẽ kỷ niệm 10 năm thành lập Cộng đồng ASEAN và Malaysia có kế hoạch thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, trong đó sẽ đặt ra các ưu tiên chiến lược cho 20 năm tới. Malaysia từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 4 lần vào các năm 1977, 1997, 2005 và 2015.
Trung Quốc tăng cường đổi mới công nghệ, mở rộng phủ sóng mạng 5G
Ảnh minh họa. (Nguồn: China Daily)
Trong phát biểu ngày 23/10, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Thông tin và Truyền thông thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, bà Tôn Cơ, cho biết để thúc đẩy phát triển 5G, Trung Quốc đã ban hành hơn 1.000 văn bản chính sách liên quan tùy theo điều kiện địa phương, tạo thành xu hướng hợp tác giữa các bộ, liên kết trung ương và địa phương, phối hợp ngành.
Đơn cử như các ứng dụng 5G trong lĩnh vực công nghiệp đã được áp dụng trong việc kiểm tra chất lượng 5G+AI và kiểm soát thiết bị chính xác; hơn 13.000 dự án “Internet công nghiệp 5G+” đang được xây dựng. Trong lĩnh vực điện, các ứng dụng 5G đã bao quát gần hết các lĩnh vực, từ phân phối, truyền tải, chuyển đổi, sử dụng. Trong lĩnh vực y tế, các ứng dụng 5G đã dần phát triển từ chẩn đoán và điều trị từ xa đến chăm sóc cấp cứu trước bệnh viện, chăm sóc cấp cứu tại bệnh viện và điều trị nội trú.
Theo bà Tôn Cơ, thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố nền tảng mạng, thúc đẩy đều đặn việc xây dựng mạng 5G, thúc đẩy vùng phủ sóng mạng 5G tại các thành phố và các khu vực trọng điểm, ban hành các tài liệu chính sách phát triển ứng dụng 5G, tăng cường đổi mới công nghệ, tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và triển khai thương mại các sản phẩm tiến hóa 5G (5G-A), 5G nhẹ (RedCap) và các sản phẩm khác, đồng thời tiếp tục thúc đẩy tối ưu hóa và nâng cấp ngành.
Theo tính toán của Học viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc, trong 5 năm kể từ khi đưa vào khai thác thương mại, công nghệ 5G đã trực tiếp đóng góp khoảng 56.000 tỷ nhân dân tệ (786,4 tỷ USD) và gián tiếp tạo thêm khoảng 140.000 tỷ nhân dân tệ (1.963,5 tỷ USD) trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP), qua đó hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội chất lượng cao.
Bão Trami gây thiệt hại nghiêm trọng ở Philippines
Ngập nặng do mưa lớn từ bão nhiệt đới Trami ở Libon, tỉnh Albay, Philippines, ngày 23/10 (Ảnh: AP)
Bão nhiệt đới Trami đã khiến ít nhất 40 người tử vong và buộc hơn 193.000 người phải rời bỏ nhà cửa khi cơn bão đổ bộ vào bờ biển Đông Bắc Philippines. Bão Trami - với tên địa phương ở Philippines là bão Kristine - đã trút mưa lớn xối xả xuống đảo chính Luzon, gây ra lũ lụt và lở đất trên diện rộng.
Với sức gió mạnh nhất liên tục 95 km/h, cơn bão di chuyển về phía Tây qua vùng núi phía Bắc hệ thống núi Cordillera hướng tới Biển Đông - Cơ quan Thời tiết nhà nước Philippines thông báo. Cảnh báo về mưa lớn đến mức dữ dội, lũ lụt, lở đất và triều cường ở một số tỉnh phía Bắc đã được ban hành. Hầu hết các trường hợp tử vong do bão Trami trong vài ngày qua là do chết đuối và lở đất ở khu vực trung tâm Bicol, bao gồm cả thành phố Naga - địa phương đã báo cáo 14 người thiệt mạng vào ngày 24/10.
Cơ quan Phòng vệ dân sự Philippines cho biết hơn 163.000 người đang trú ẩn tại các trung tâm sơ tán, hầu hết trong số họ ở vùng Bicol. Người dân tại đây đã phải rời bỏ nhà cửa sau khi nước lũ dâng cao tới tận mái nhà.
Cơ quan Quản lý hàng không dân dụng Philippines thông báo vào ngày 24/10 rằng ít nhất 10 chuyến bay trên khắp nước này đã bị hủy do cơn bão. Ngân hàng trung ương Philippines đã dừng giao dịch ngoại hối và hoạt động tiền tệ trong ngày thứ hai liên tiếp.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Philippines đang vật lộn với nước lũ để tiếp cận những vùng bị ảnh hưởng nặng. Philippines ghi nhận trung bình 20 cơn bão nhiệt đới mỗi năm - thường gây ra mưa lớn, gió mạnh và lở đất chết người./.
PV (tổng hợp)
theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-dong-luc-cho-xu-the-da-phuong-681568.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Bầu cử Mỹ 2024: Các ứng cử viên tiếp tục vận động tranh cử trong tuần nước rút
- Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng
- Thế giới tuần qua: Tăng cường kết nối và tăng trưởng toàn diện
- Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục cắt giảm lãi suất chủ chốt
- IMF cảnh báo nợ công toàn cầu vượt GDP
- EU không đạt được sự đồng thuận về Quỹ hỗ trợ Ukraine
- Khủng hoảng nợ đè nặng lên 26 quốc gia nghèo nhất thế giới