Thế giới tuần qua: "Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững"
Tuần qua (18 - 24/11), thế giới trải qua nhiều sự kiện quan trọng. Trong đó, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil trong hai ngày 18 và 19/11/2024 đã thu hút sự chú ý của dư luận, với chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững".
Hội nghị thượng đỉnh G20: Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: ANI/TTXVN)
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil ngày 18 và 19/11/2024 với chủ đề: “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững”. Ba trọng tâm của hội nghị là thúc đẩy xã hội phát triển bao trùm và chống nghèo đói; Phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng và Cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu
Mặc dù hội nghị bị chi phối bởi sự phân hóa rõ rệt trong các vấn đề địa chính trị nhưng các nhà lãnh đạo vẫn đạt được một số thỏa thuận quan trọng, bao gồm việc tăng thuế đối với giới siêu giàu, hỗ trợ tài chính cho biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza và Ukraine.
Một trong những kết quả nổi bật của hội nghị là cam kết hợp tác để đảm bảo rằng những người siêu giàu, đặc biệt là các tỷ phú, sẽ bị đánh thuế công bằng hơn. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 khẳng định sẽ xây dựng các cơ chế chống “lách thuế” hiệu quả và thúc đẩy việc thu thuế đối với những người có tài sản lớn. Đây là một động thái quan trọng, phản ánh xu hướng toàn cầu nhằm giảm bất bình đẳng và tái phân phối tài nguyên.
Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 tái khẳng định cam kết đối với các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh những thách thức hiện nay, từ biến đổi khí hậu đến xung đột và bất bình đẳng toàn cầu, chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác đa phương.
Khép lại hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã chuyển giao chức Chủ tịch luân phiên cho người đồng cấp là Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, sau 1 năm đảm nhiệm trọng trách này. Nam Phi sẽ thúc đẩy 3 ưu tiên trong nhiệm kỳ G20 năm 2025 bao gồm tăng trưởng kinh tế toàn diện, công nghiệp hóa, việc làm và bất bình đẳng; an ninh lương thực; cùng với trí tuệ nhân tạo và đổi mới để phát triển bền vững.
COP29 và kỳ vọng về thỏa thuận tài chính khí hậu
Các đại biểu chụp ảnh chung tại COP29 ở Baku, Azerbaijan. (Nguồn: THX/TTXVN)
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Baku, Azerbaijan từ ngày 11-22/11, quy tụ hơn 51.000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới, nhằm thúc đẩy cam kết hành động trước những thách thức của biến đổi khí hậu.
Điểm nhấn của hội nghị năm nay là thống nhất về số tiền cần dành ra hàng năm để giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó với các vấn đề liên quan đến khí hậu. Tuy nhiên, mục tiêu huy động 1.000 tỷ USD mỗi năm để ứng phó với biến đổi khí hậu là một thách thức lớn.
Hội nghị COP29 diễn ra trong bối cảnh thế giới năm 2024 chứng kiến hàng loạt thảm họa thời tiết khắc nghiệt, với nhiệt độ toàn cầu dự báo lập kỷ lục mới. Điều này tạo áp lực buộc các chính phủ phải hành động mạnh mẽ hơn để đạt được thỏa thuận chung trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Hội nghị COP29, ông Mukhtar Babayev, nhấn mạnh: “Chúng ta đang trên con đường hủy diệt. Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của tương lai, mà đã hiện hữu trước mắt. Từ những ngôi nhà bị ngập lụt ở Tây Ban Nha đến các vụ cháy rừng ở Australia, từ mực nước biển dâng cao ở Thái Bình Dương đến những đồng bằng cằn cỗi ở Đông Phi, mọi người vẫn đang chịu đựng trong bóng tối.”
Một trong những vấn đề nổi bật tại COP29 là tài chính khí hậu. Cam kết ban đầu 100 tỷ USD mỗi năm không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Các quốc gia đang phát triển kêu gọi tăng mức tài trợ lên 1.000 tỷ USD, phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại. Tuy nhiên, Mỹ và Đức, những quốc gia đóng góp lớn, đang đối mặt với bất ổn chính trị, làm dấy lên lo ngại về cam kết tài trợ.
Ông Mukhtar Babayev nhấn mạnh: “Các cuộc đàm phán về mục tiêu tài chính khí hậu mới là cơ hội để mở khóa nguồn vốn và xây dựng lại lòng tin giữa các bên.” Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bổ sung: “Chúng ta cần một mục tiêu tài chính khí hậu mới để huy động hàng nghìn tỷ USD, hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.”
Một vấn đề khác nhận được sự quan tâm tại hội nghị là tín chỉ carbon. Các quốc gia đã nhất trí thông qua tiêu chuẩn chất lượng tín chỉ carbon, một bước quan trọng để khởi động thị trường carbon toàn cầu. Hệ thống này cho phép các tổ chức hoặc quốc gia đạt được mức giảm phát thải vượt cam kết bán tín chỉ carbon cho những bên khác.
Ukraine: Hàng loạt Đại sứ quán nước ngoài ở Kiev đóng cửa do lo ngại không kích
Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine. (Ảnh: CNN)
Ngày 20/11, Bộ Quốc phòng Ukraine đã hạ thấp nguy cơ đối với an ninh tại thủ đô Kiev trong bối cảnh một loạt đại sứ quán nước ngoài tại Kiev đóng cửa tạm thời.
Ngày 20/11, Đại sứ quán Italy tại Ukraine đã tạm thời đóng cửa vì lý do an toàn.
Thông báo của cơ quan đại diện ngoại giao Tây Ban Nha cho biết sẽ không cung cấp dịch vụ vào ngày 20/11 do “nguy cơ xảy ra các cuộc không kích trên khắp Ukraine ngày càng gia tăng.”
Tương tự, Italy và Hy Lạp cũng ra tuyên bố tạm thời đóng cửa đại sứ quán vì lý do an ninh.
Ngày 20/11, Mỹ đã đóng cửa Đại sứ quán tại Kiev và kêu gọi các công dân Mỹ ở Ukraine sẵn sàng tìm nơi trú ẩn nhanh chóng. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: "Với sự thận trọng, Đại sứ quán sẽ đóng cửa và các nhân viên Đại sứ quán được hướng dẫn ở yên tại chỗ. Đại sứ quán khuyến cáo công dân Mỹ chuẩn bị nơi trú ẩn ngay lập tức trong trường hợp có cảnh báo trên không."
Trong khi đó, một viên chức Bộ Ngoại giao Đức cho biết đại sứ quán Đức tại Kiev vẫn mở cửa với số lượng hạn chế và công dân Đức tại Ukraine vẫn có thể liên hệ tới cơ quan đại diện ngoại giao này. Bộ Ngoại giao liên tục liên lạc với các đồng nghiệp tại Kiev để triển khai các phương án phù hợp nếu tình hình thay đổi.
Những cảnh báo về nguy cơ an ninh xuất hiện sau khi Ukraine lần đầu tiên bắn tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp vào lãnh thổ Nga. Điện Kremlin cho rằng việc Washington cho phép hành động này xảy ra sẽ kéo dài cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine.
Hezbollah và Israel nêu điều kiện liên quan thỏa thuận ngừng bắn
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống ngoại ô Beirut, Liban ngày 13/11/2024.
(Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 20/11, thủ lĩnh phong trào Hezbollah tại Liban, ông Naim Qassem cho biết lực lượng này sẽ không chấp nhận bất kỳ lệnh ngừng bắn nào vi phạm chủ quyền của Liban, trong khi Israel yêu cầu được tự do hành động chống lại phong trào này trong trường hợp đạt được thỏa thuận.
Trong một phát biểu được ghi âm, thủ lĩnh Qassem nhấn mạnh Hezbollah tìm kiếm việc chấm dứt hoàn toàn và toàn diện mọi hành động quân sự của Israel tại Liban cũng như nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Liban; đồng thời cho rằng Israel không thể xâm nhập lãnh thổ Liban bất kỳ khi nào họ muốn. Israel không thể áp đặt các điều kiện đối với Hezbollah.
Thủ lĩnh Hezbollah Qassem nói thêm rằng lệnh ngừng bắn phụ thuộc vào "phản ứng của Israel và sự nghiêm túc" của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Đại diện Hezbollah cũng cảnh báo phong trào này sẵn sàng cho tình huống xung đột kéo dài nếu cần để bảo vệ Liban.
Lập trường của phía Hezbollah được đưa ra cùng ngày với tuyên bố của Ngoại trưởng Israel Gideon Saar, trong đó quan chức ngoại giao Israel khẳng định thỏa thuận ngừng bắn phải đảm bảo Israel “có quyền tự do hành động” nhằm vào các mục tiêu Hezbollah tại Liban trong trường hợp Israel nhận thấy lực lượng này có động thái vi phạm thỏa thuận.
Sau gần một năm giao tranh quanh khu vực xuyên biên giới Israel và Liban, tháng 9 vừa qua, Israel tiến hành một chiến dịch oanh kích rộng khắp và thực hiện các hoạt động quân sự trên bộ nhằm vào lực lượng Hezbollah ở miền Nam Liban.
Bitcoin tiến sát mốc 100.000 USD
Ảnh minh họa: Reuters
Giá Bitcoin tiến sát mốc 100.000 USD lần đầu tiên trong phiên 21/11, khi chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thúc đẩy kỳ vọng chính quyền của ông sẽ tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho tiền kỹ thuật số.
Đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới được giao dịch trong khoảng 98.000 USD đến 99.000 USD vào cuối giờ chiều 21/11 tại Mỹ, sau khi chạm mốc 99.073 USD. Giá trị Bitcoin đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay và tăng khoảng 40% trong hai tuần kể từ khi ông Trump đắc cử, cùng với việc một loạt nhà lập pháp ủng hộ tiền kỹ thuật số được bầu vào Quốc hội.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã ủng hộ các tài sản kỹ thuật số, cam kết sẽ biến Mỹ thành "trung tâm tiền điện tử thế giới" và thành lập kho dự trữ bitcoin quốc gia.
Mặc dù triển vọng hiện tại rất sáng sủa, nhưng nhà đầu tư cũng lưu ý rằng thị trường tiền điện tử vẫn còn rất biến động. Giá Bitcoin có thể giảm mạnh trong thời gian ngắn, đặc biệt là khi có những biến động bất ngờ trên thị trường. Bloomberg News hồi giữa tuần này cho biết, đội ngũ của ông Donald Trump đang thảo luận với ngành tài sản kỹ thuật số về việc có nên thành lập một vị trí mới tại Nhà Trắng chuyên về chính sách tiền điện tử hay không.
Đồng USD cũng tăng giá kể từ cuộc bầu cử do dự đoán rằng mức thuế quan do chính quyền sắp tới tại Mỹ đề xuất có thể gây lạm phát và duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn. Thị trường đang định giá 55,7% khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ hạ lãi suất vay 25 điểm cơ bản vào tháng tới, giảm so với mức 72,2% của một tuần trước./.
PV (tổng hợp)
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-xay-dung-the-gioi-cong-bang-va-hanh-tinh-ben-vung-683896.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Giá dầu thế giới tiếp đà tăng mạnh
- Giá dầu thế giới giảm mạnh
- Thế giới tuần qua: Thúc đẩy hành động khí hậu toàn cầu
- Chuyên gia Nga: Iskander có khả năng vô hiệu hóa căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan
- G20 2024: “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”
- Tăng cường hợp tác xây dựng môi trường thương mại, đầu tư tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm
- Nam Phi tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia sau khi lũ lụt