Thế giới tuần qua: Xung đột, thiên tai và những hệ lụy
Căng thẳng gia tăng trên Biển Đỏ; IS thừa nhận tiến hành vụ tấn công ở Iran; thảm họa từ thiên tai gây ra nhiều hệ lụy tại một số nước là những tin tức thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế trong tuần qua (1-7/1).
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về tình hình Biển Đỏ
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế ở Biển Đỏ. (Ảnh: UN)
Chiều 3/1 (giờ New York), tại trụ sở Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhóm họp phiên khẩn cấp để thảo luận về các vụ tấn công liên tiếp của các tay súng Houthi trên Biển Đỏ, trong bối cảnh xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực.
HĐBA quyết định nhóm họp sau khi nhận thấy các vụ tấn công trên Biển Đỏ thời gian gần đây là một nguy cơ ngày càng nghiêm trọng đối với hoạt động thương mại toàn cầu và sự ổn định của khu vực. Phát biểu trước HĐBA, Trợ lý Tổng thư ký LHQ phụ trách khu vực Trung Đông Khaled Khiari cho rằng, leo thang căng thẳng và các mối đe dọa đối với hoạt động hàng hải có thể gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến "hàng triệu người ở Yemen, khu vực và trên toàn cầu".
Quan chức LHQ cho biết, đã có những diễn biến đáng báo động ở Biển Đỏ kể từ lần cuối cùng HĐBA họp về cuộc khủng hoảng. Ông Khairi nhấn mạnh, không gì có thể biện minh cho việc tiếp diễn các cuộc tấn công nhằm vào tự do hàng hải, đồng thời hối thúc tất cả các bên liên quan tránh leo thang căng thẳng và hạ nhiệt tình hình hiện nay để không ảnh hưởng tới an ninh khu vực và hoạt động thương mại quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế Arsenio Dominguez nói rằng, các thông tin gần đây cho thấy lực lượng Houthi không chỉ giới hạn mục tiêu tấn công là các tàu có liên quan tới Israel. Ông Dominguez kêu gọi các bên kiềm chế và giảm xung đột “để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền trong khu vực, đảm bảo tự do hàng hải và ổn định chuỗi cung ứng". Ông cho biết thêm, tổ chức này sẽ tiếp tục theo dõi tình hình với sự hợp tác của các quốc gia thành viên và các đối tác, cùng với hải quân tham gia đảm bảo an ninh trên biển.
IS thừa nhận tiến hành vụ tấn công ở Iran
Hiện trường vụ đánh bom khủng bố ở thành phố Kerman, Iran, chiều 3/1 (Ảnh: IRNA)
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 4/1 đã thừa nhận việc tiến hành 2 vụ nổ gần nghĩa trang, nơi đang diễn ra lễ tưởng niệm chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Soleimani, ở thành phố Kerman, phía Nam Iran. Tướng Qassem Soleimani đã thiệt mạng trong một vụ không kích nhằm vào đoàn xe chở ông khi đang ở gần sân bay quốc tế thủ đô Baghdad (Iraq) ngày 3/1/2020. Thông báo được IS đưa ra trên các kênh Telegram của tổ chức này.
Chính phủ Iran tuyên bố quốc tang trong ngày 4/1 để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong hai vụ nổ liên tiếp ngày 3/1. Giới chức Iran đã gọi đây là một "vụ tấn công khủng bố", khiến ít nhất 84 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Trước đó, các thông tin cho biết, con số thiệt mạng là khoảng 100 người. Đánh giá lại về con số thiệt mạng, Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ahmad Vahidi cho biết, thống kê số người thiệt mạng giảm dựa trên dữ liệu của bộ phận giám định pháp y.
Vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ở Dải Gaza vẫn căng thẳng.
Ngày 3/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Quan chức cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công nói trên.
Thảm họa động đất tại Nhật Bản khiến hàng trăm người thương vong
Một tòa nhà bị đổ sập do ảnh hưởng của trận động đất ngày 1/1 ở miền Trung Nhật Bản (Ảnh: NHK)
Vào những ngày đầu năm 2024, một trận động đất được đánh giá có độ mạnh lớn thứ hai chỉ sau trận động đất lịch sử của nhân loại vào năm 2011 đã xảy ra ở Nhật Bản.
Thảm họa động đất được đánh giá mạnh 7,6 độ Richter, diễn ra ở độ sâu 10km, đã làm rung lắc bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa và khu vực xung quanh, ở miền Trung Nhật Bản. Trận động đất đã khiến hàng trăm người thương vong, hàng chục nghìn gia đình phải sơ tán. Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót.
Tính đến sáng 6/1, số người thiệt mạng do loạt trận động đất này đã tăng lên hơn 100 người, trong khi 211 người vẫn đang mất tích. Khoảng 23.800 hộ gia đình tại Ishikawa không có điện sinh hoạt, trong khi hơn 66.400 hộ gia đình không có nước để sử dụng. Việc mất điện, nước cũng ảnh hưởng đến các bệnh viện và cơ sở chăm sóc người già, người khuyết tật.
Giới chức thành phố Wajima - một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa này tin rằng, tại đây có khoảng 100 địa điểm nơi người dân vẫn đang bị mắc kẹt dưới các tòa nhà đổ nát và đang chờ được giải cứu.
Hiện chưa có đánh giá tổng thể về mức độ thiệt hại sau loạt trận động đất. Trong khi đó, tình trạng đổ nát, nhiều tuyến đường bị cắt đứt và thời tiết xấu đã cản trở đáng kể các nỗ lực cứu hộ vốn đang chạy đua với thời gian. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo mưa lớn tại khu vực này sẽ kéo dài đến hết ngày 7/1 và sau đó sẽ có tuyết rơi.
Giới chức địa phương vẫn đang gặp khó khăn trong việc cung cấp hàng cứu trợ do động đất làm hư hại đường sá ở Ishikawa, nơi vẫn còn hơn 31.400 người phải tá túc tại 357 điểm trú ẩn. Một số địa điểm này hiện bị hạn chế về không gian do có quá đông người lánh nạn hoặc khan hiếm nước sinh hoạt, dẫn tới các vấn đề về vệ sinh và sức khỏe tâm thần.
Chính quyền tỉnh Ishikawa đang có kế hoạch xây dựng nhà tạm cho những người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, công tác này dự kiến sẽ không thể thực hiện trước ngày 12/1, trong bối cảnh các dư chấn tiếp tục làm rung chuyển bán đảo Noto, trong đó trận động đất mới nhất xảy ra sáng 6/1 với độ lớn 5,3 - được xác định ở cấp 5, mức cao thứ 3 trên thang cường độ địa chấn 7 cấp của Nhật Bản.
Lũ lụt gây thiệt hại lớn cho Đức và Nam Phi
Nước sông Rhein dâng cao gây ngập lụt tại nhiều khu vực ở Ruedesheim am Rhein, Tây Đức, ngày 29/12/2023.
(Ảnh: AFP/TTXVN)
Đức đang phải ứng phó với lũ lụt trên diện rộng do mưa lớn và nước sông dâng cao, tại một số khu vực nước sông đã tràn qua đê.
Mưa lớn kéo dài nhiều tuần đã gây ra nhiều vấn đề tại các khu vực lớn của nước Đức và làm ít nhất 2 người thiệt mạng. Trong những ngày tới, lượng mưa được dự báo sẽ rất lớn tại nhiều khu vực, đặc biệt là ở vùng núi.
Bang Lower Saxony phía Bắc nước Đức, nơi chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do mưa lớn, hiện đang phải trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Các bang lân cận đã cung cấp 1,5 triệu bao cát cho bang này, trong khi Pháp đã cử các nhân viên cứu hộ tới bang trên mang theo hệ thống đê di động dài 1,2 km.
Trong chuyến thăm khu vực bị ngập lụt ở Lower Saxony hôm 31/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cam kết với các bang và chính quyền địa phương bị ảnh hưởng do lũ lụt rằng chính phủ nước này sẽ hỗ trợ những bang trên “trong khả năng tốt nhất của mình”.
Trong khi đó tại Nam Phi, ngày 3/1, giới chức nước này cho biết tổng cộng đã có 31 người thiệt mạng ở tỉnh KwaZulu-Natal do mưa lớn trong tháng 12/2023, trong khi 3 người vẫn đang mất tích.
Tỉnh KwaZulu-Natal đã trải qua những trận mưa lớn trong tháng 12/2023, ảnh hưởng đến các hộ gia đình, các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng công cộng như trường học, đường sá và các cây cầu. Sông Bellspruit vỡ bờ khiến nước sông tràn qua đê N11 và gây ngập lụt tại thị trấn Ladysmith. Các báo cáo sơ bộ cho thấy hơn 600 hộ gia đình đã bị ảnh hưởng với hơn 140 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Máy bay chở 379 người bốc cháy khi hạ cánh ở Nhật Bản
Máy bay của Japan Airlines bay từ sân bay Shin Chitose đến sân bay Haneda, Nhật Bản.
(Ảnh: ANI)
Máy bay Airbus của hãng Japan Airlines va chạm với máy bay MA 722 của Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) đang chuẩn bị cất cánh lúc 17h50 (15h50 giờ Hà Nội) ngày 2/1 tại sân bay Haneda, Tokyo và bùng cháy.
Sở cứu hỏa Tokyo cho biết, tai nạn xảy ra khi máy bay chở 367 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn của Japan Airlines thực hiện hành trình từ sân bay New Chitose ở Sapporo, thuộc đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản và chuẩn bị hạ cánh xuống đường băng sân bay Haneda.
Toàn bộ người trên máy bay của Japan Airlines được sơ tán an toàn khỏi máy bay trước khi ngọn lửa bốc lên dữ dội. Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản Tetsuo Saito cho biết, phi cơ của JCG có 6 người trên khoang, trong đó cơ trưởng thoát nạn, 5 người thiệt mạng.
Lính cứu hỏa sau đó nỗ lực chữa cháy. Một số mảnh vỡ bốc cháy nằm rải rác, buộc sân bay Haneda phải đóng cửa đường băng sau sự cố.
Nhật Bản không ghi nhận bất cứ sự cố hàng không nghiêm trọng nào trong hàng chục năm qua. Tai nạn thảm khốc nhất diễn ra năm 1985, khi một máy bay của Japan Airlines rơi ở Gunma, miền trung Nhật Bản, khiến 520 người trên khoang thiệt mạng. Đây là một trong những thảm kịch hàng không khiến nhiều người thiệt mạng nhất thế giới./.
PV (t/h)
(theo dangcongsan.vn)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-xung-dot-thien-tai-va-nhung-he-luy-657269.html
Bài viết cùng chuyên mục
- Giá dầu thế giới giảm mạnh
- Thế giới tuần qua: Thúc đẩy hành động khí hậu toàn cầu
- Chuyên gia Nga: Iskander có khả năng vô hiệu hóa căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan
- G20 2024: “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”
- Tăng cường hợp tác xây dựng môi trường thương mại, đầu tư tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm
- Nam Phi tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia sau khi lũ lụt
- ADB cam kết tài trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP29